Mấy năm gần đây, từ nhiều nguồn kinh phí, Trung tâm Khuyến công tỉnh (TTKC) và một số đơn vị kinh tế đã triển khai công tác nhân cấy nghề mới làm từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên, như bẹ chuối, chỉ xơ dừa, cói… ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Nhờ những điều kiện thuận lợi về lao động, nguồn nguyên liệu, các nghề mới đã từng bước phát triển ổn định, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận lao động ở khu vực nông thôn.
|
Lễ bế giảng lớp đào tạo nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói ở huyện Phù Cát.
|
1. Năm 2005, sau một thời gian dài sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ, nghề dệt chiếu cói ở Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn) gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, TTKC tỉnh đã làm việc với chính quyền địa phương triển khai nhân cấy nghề đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói để xuất khẩu. Từ nguồn kinh phí khuyến công, TTKC tỉnh đã hỗ trợ trên 45 triệu đồng để trang bị đồ nghề, mua nguyên vật liệu và hợp đồng với Xí nghiệp tư doanh thủ công mỹ nghệ Đổi Mới (ở tỉnh Ninh Bình) tiến hành đào tạo nghề mới cho các hộ dân địa phương.
Trong thời gian 45 ngày, 30 học viên tham gia lớp học đã được hướng dẫn cách làm các mẫu sản phẩm mới từ nguyên liệu cói, như thảm, các giỏ, làn, hộp hình vuông, hình tròn, hình lá và hình đĩa. Nhờ đã biết nghề dệt chiếu truyền thống, cộng với sự chịu khó, cần cù, tỉ mỉ nên các học viên đã nhanh chóng nắm bắt được nghề mới.
Ông Nguyễn Đức Yên, Chủ tịch UBND xã Hoài Châu Bắc, cho biết: “Do hiệu quả kinh tế không cao, ngày công lao động thấp, nên lâu nay người dân làm nghề dệt chiếu cói trong xã chỉ làm cầm chừng, phần lớn nguyên liệu bán đi các nơi khác. Với nghề mới du nhập này, giá trị kinh tế của các sản phẩm cao hơn, lại tận dụng được các loại cói kích thước ngắn mà lâu nay không dệt chiếu được để sản xuất, nên thu nhập của người lao động cao hơn trước, nhiều người dân đã sống được bằng nghề mới này”.
Hiện nay, không chỉ 30 học viên được đào tạo nghề ban đầu, mà nhiều người dân trong xã và các địa phương lân cận đã tìm đến để học nghề. Tính đến nay, toàn xã Hoài Châu Bắc có khoảng 200 lao động biết đan các sản phẩm từ cây cói, với thu nhập bình quân trên 25.000 đồng/người/ngày. Từ kết quả thành công ở Hoài Châu Bắc, trong thời gian qua TTKC đã nhân rộng nghề này ra các địa phương có diện tích cói lớn trong tỉnh, như Cát Thắng (Phù Cát); Phước Hòa, Phước Thắng (Tuy Phước)…
2. Tiếp tục chương trình du nhập nghề mới, đầu năm 2006, TTKC đã hỗ trợ 21 triệu đồng thực hiện chương trình đào tạo nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ bẹ chuối cho 150 lao động ở HTXNN thị trấn Bình Định (An Nhơn). Sau hơn 1 tháng học nghề, các học viên đã làm thành thạo các sản phẩm, như giỏ xách, các họp đựng đồ trang sức và một số sản phẩm mỹ nghệ trang trí trong nhà để xuất khẩu. Để tạo điều kiện cho bà con an tâm sản xuất, HTXNN thị trấn Bình Định đã đứng ra làm cầu nối trong việc thu mua nguyên liệu, thu gom hàng để cung ứng cho các đối tác tại TP Hồ Chí Minh.
Hiện nay, nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ bẹ chuối đang phát triển rất mạnh theo hình thức truyền nghề cho nhau. Từ 150 lao động được đào tạo ban đầu, nghề này đã nhân ra được khoảng 500 lao động ở một số xã thuộc huyện An Nhơn, Tuy Phước và phường Nhơn Bình (TP. Quy Nhơn). Không những phát triển về số lượng lao động, mẫu mã hàng hóa cũng ngày càng đa dạng hơn. Từ 5 mẫu hàng đơn giản ban đầu lúc mới nhân cấy nghề, đến nay đã sản xuất được trên 10 mẫu hàng các loại, từ đơn giản đến phức tạp. Chất lượng sản phẩm cũng được khách hàng đánh giá cao và đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nên ngày công lao động cũng ngày càng tăng, bình quân khoảng 30.000 đồng/người/ngày.
|
Đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ bẹ chuối tại HTXNN thị trấn Bình Định (An Nhơn).
|
3. Trong thời gian qua, TTKC tỉnh cũng đã hỗ trợ máy móc, tổ chức dạy nghề cho một số lao động của làng nghề dệt chỉ xơ dừa Tam Quan Nam (Hoài Nhơn) làm sản phẩm thảm lau chân từ chỉ xơ dừa để phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển châu Á cũng đã hỗ trợ cho cơ sở Ngọc Chung ở Tam Quan Nam 80 triệu đồng đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất chỉ xơ dừa thay cho sản xuất thủ công truyền thống trước đây. Sự hỗ trợ này cộng với việc nhân cấy nghề mới dệt thảm xơ dừa xuất khẩu đã đem lại hiệu quả tích cực, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân trong làng nghề, giúp làng nghề có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn.
Hiện nay, sản phẩm thảm lau chân từ chỉ xơ dừa ở Tam Quan Nam làm ra đã được các công ty xuất khẩu ở TP Hồ Chí Minh đánh giá cao và đặt hàng với số lượng lớn để xuất khẩu. Trong thời gian qua, nhiều hộ dân trong làng nghề đã mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, gia tăng năng lực sản xuất để có đủ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
4. Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được sản xuất từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên có thị trường tiêu thụ khá ổn định, đặc biệt là xuất khẩu. Và trong mấy năm qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành hàng này ở Hà Tây, Bến Tre, Cần Thơ, Bình Dương đã tận dụng được cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh. Ở tỉnh ta, nguồn nguyên liệu có trong thiên nhiên khá phong phú và đa dạng, lực lượng lao động dồi dào, lại cần cù nên rất có điều kiện để phát triển các ngành nghề mới này.
Từ thành công của các chương trình du nhập nghề mới đã triển khai trong thời gian qua, hiện nay TTKC tỉnh đang tiếp tục phối hợp cùng chính quyền một số địa phương và các ngành chức năng đẩy mạnh việc du nhập và phát triển nghề mới ra một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh, nhằm giải quyết việc làm trong lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn.
|