CÔNG TRÌNH THỦY LỢI ĐỊNH BÌNH:
Sẽ phát huy tác dụng đa chức năng
9:38', 9/3/ 2008 (GMT+7)

Những ngày nghỉ Tết Mậu Tý đã qua, công trường thi công hồ thủy lợi Định Bình đã trở lại với nhịp độ khẩn trương. Những hạng mục cuối của công trình đang được tập trung thi công để đưa công trình về đích đúng hẹn. PV Báo Bình Định đã trò chuyện với kỹ sư Nguyễn Minh Nhân, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 6 (thuộc Bộ NN-PTNT) - đại diện chủ đầu tư, một số vấn đề về công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh này.

 

Kỹ sư Nguyễn Minh Nhân (bên phải). Ảnh: N.V

 

* Xin ông cho biết về các hạng mục thi công chủ yếu của công trình trong thời điểm hiện nay?

- Các hạng mục của công trình đầu mối hồ Định Bình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ là: thi công cầu thả phai, cầu giao thông; lắp đặt cửa tràn xả đáy, tràn xả mặt; bê tông mặt đập; hoàn thiện mái hạ lưu hai vai đập; lắp đặt hệ thống điện và chỉnh trang hoàn thiện công trình để bàn giao cho đơn vị quản lý-vận hành trong thời gian cuối quý II.2008.

Cụ thể, hiện nay đơn vị thi công đã và đang khẩn trương đúc các dầm cầu. Trong tổng số 48 dầm cầu, có 24 dầm cầu thả phai và 24 dầm cầu giao thông. Từ nay đến giữa tháng 3.2008 sẽ hoàn thành việc lao dầm. Sau đó tiến hành lắp ráp các cửa van và hệ thống xi lanh thủy lực của tràn xả đáy. Trong tháng 4.2008, khi hệ thống xi lanh thủy lực của tràn xả mặt đang sản xuất tại Hà Lan được đưa về thì sẽ tiếp tục lắp đặt và thi công bê tông hoàn chỉnh mặt đập. Đến lũ tiểu mãn 2008 nếu có lượng nước dồi dào thì hồ sẽ tích nước đến cao trình thiết kế (226 triệu m3).

* Tính đến nay, đây là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh. Công trình này sẽ phát huy tác dụng như thế nào sau khi hoàn thành việc xây dựng, thưa ông?

- Công trình hồ chứa nước Định Bình có dung tích 226 triệu m3; tổng kinh phí đầu tư trên 1.089 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Trong đó kinh phí đền bù giải tỏa, tái định cư gần 264 tỉ; giá trị xây lắp công trình đầu mối và các công việc khác trên 825 tỉ đồng. Công trình được khởi công từ năm 2003; sẽ hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong năm 2008.

Hồ Định Bình là công trình đa chức năng, góp phần điều tiết lượng nước sông Côn, điều tiết lũ trên hệ thống sông Côn và cung cấp nước tưới cho trên 15.000 ha đất sản xuất nông nghiệp ở các địa phương phía Nam tỉnh; trong tương lai sẽ nâng lên gấp đôi; đồng thời cấp nước cho sản xuất công nghiệp, dân sinh, nuôi trồng thủy sản, thủy điện, phát triển du lịch…

Tuy chưa hoàn chỉnh nhưng công trình đã bước đầu phát huy tác dụng điều tiết lũ sớm, lũ muộn, cắt đỉnh lũ chính vụ 2007, điều tiết lưu lượng nước sông Côn phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ hè thu 2007… Tuy nhiên, để phát huy toàn bộ tác dụng công trình, phục vụ tưới cho các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, vùng hạ lưu sông Côn (Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn), cần phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kênh mương Văn Phong. Dự án này đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt và có thể sẽ khởi công trong năm nay. Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 6 sẽ quản lý thi công xây dựng đập đầu mối Văn Phong (xã Bình Tường - Tây Sơn); còn hệ thống kênh mương do ngành chức năng của tỉnh đảm nhiệm.

* Qua 5 năm gắn bó cùng công trình với vai trò đại diện chủ đầu tư (Bộ NN-PTNT), quản lý, theo dõi, giám sát thi công, ông tâm đắc nhất điều gì với công trình thủy lợi Định Bình?

- Điều vui mừng nhất của chúng tôi là công trình này sẽ phục vụ tích cực cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà; bởi khi đáp ứng được lượng nước tưới thì sẽ tăng hiệu quả sản xuất; đời sống của bà con nông dân trong vùng hưởng lợi sẽ được cải thiện. Công trình còn tham gia điều tiết được khoảng 30% lưu vực lũ trên hệ thống sông Côn, nhờ đó sẽ giảm được thiệt hại trong mùa mưa lũ…

Trong quá trình xây dựng công trình, được sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ NN-PTNT, sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh, sự nỗ lực của liên danh các nhà thầu... nên đã vượt qua nhiều khó khăn để về đích đúng tiến độ.

Về việc thi công công trình, nhờ thực hiện công nghệ bê tông đầm lăn đã rút ngắn được thời gian thi công so với bê tông thông thường. Đây là công nghệ mới, Trung Quốc ứng dụng nhiều, nhưng ở Việt Nam thì Định Bình là công trình thủy lợi đầu tiên sử dụng công nghệ này, vì vậy cần có thời gian để khẳng định chất lượng. Song các chuyên gia của Bộ NN-PTNT và chuyên gia Trung Quốc qua kiểm tra đều đánh giá việc ứng dụng công nghệ bê tông đầm lăn ở công trình thủy lợi Định Bình đã đáp ứng yêu cầu đề ra. Hiện nay nhiều công trình thủy lợi, thủy điện ở nước ta cũng ứng dụng công nghệ này.

Mặt khác, đây là công trình có điều kiện kỹ thuật vận hành hiện đại, tự động với hệ thống xi lanh thủy lực do nước ngoài sản xuất. Kiến trúc công trình mang tính mỹ thuật cao. Việc tính toán kết cấu và thực hiện các biện pháp thi công đảm bảo an toàn cho công trình, an toàn lao động cũng là điều đáng mừng…

* Xin cảm ơn ông!

  • Nguyên Vũ (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sáng lên nghề mới  (09/03/2008)
Điểm sáng chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp  (09/03/2008)
Hương xuân ở những mái ấm mồ côi  (09/03/2008)
Làng “nối” hai tỉnh  (09/03/2008)
Chị và em và... người tình  (09/03/2008)
Mồng một tết cha…  (09/03/2008)
Thơ  (09/03/2008)
Eveline  (09/03/2008)
Chống nguy cơ học sinh bỏ học  (09/03/2008)
Một hành vi phải nghiêm trị  (09/03/2008)
Mỹ có thật sự mang lại ổn định cho Baghdad ?  (09/03/2008)
Phô diễn vẻ đẹp làng nghề truyền thống  (09/03/2008)
Makara trong điêu khắc Chămpa  (09/03/2008)
NSƯT Hoài Huệ và những ký ức về vai Quang Trung  (09/03/2008)
Bên gốc mai xuân, ngẫm về “Lão mai quyền”  (09/03/2008)