Mùa xuân hành hương
9:49', 9/3/ 2008 (GMT+7)

Mùa xuân, ấy là mùa của nguồn cội, mùa của sự tìm về với những gì thẳm sâu, là máu thịt, ruột rà, là quê hương, làng xóm… Đi hội mùa xuân, cũng là một cách hành hương, tìm về với cội nguồn, với những tình tự dân tộc ẩn trong những phong tục đẹp mùa xuân.

 

Người Bình Định tha hương về quê ăn Tết không quên tham dự Lễ hội Đống Đa và viếng Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: Hứa Thiện

 

1. Chẳng thế mà đã có một nhà giáo Lý Chánh Trung, trong những năm phong trào chống Mỹ đang lan rộng khắp miền Nam, đã bắt đầu bài nói chuyện của mình với sinh viên về hành trình “Tìm về dân tộc” bằng hình ảnh những ngày cuối tháng Chạp âm lịch cho đến mùng một tháng Giêng, trên khắp các nẻo đường đất nước, dân Việt Nam lũ lượt dắt díu nhau về quê ăn Tết mà đa số lại là những người nghèo đã phải làm lụng vất vả quanh năm. “Không có ai bắt buộc họ cả. Nhưng ăn Tết mà không về quê thì không phải là ăn Tết thực sự… Một năm chỉ có ba ngày Tết để trở về với họ hàng, thôn xóm, mồ mả ông bà, bàn thờ tổ tiên, nghĩa là trở về nguồn cội”.

Hình ảnh những con người dắt díu nhau về quê chạp mả, ăn Tết ấy làm ta nhớ đến hình ảnh những con cá hồi cứ đến mùa sinh nở là phải từ biển cả, vượt thác băng ngàn để trở về nguồn. Nhưng có điều là không có một bản năng nào, hay một định luật nào bắt buộc người Việt phải làm như vậy. Về quê chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó là sự trở về với nguồn cội, cũng là tìm lại sức sống trong sự hợp nhất với tiền nhân, gia đình, thôn xóm…

Về quê, ắt hẳn không còn chỉ mang cái ý nghĩa hạn hẹp của làng quê nơi mình sinh thành. Đó có thể là cái nơi đã nuôi dưỡng mình, nơi mình gắn bó và rộng hơn, là cả nước Việt mến yêu. Về quê, cũng không đơn thuần nằm trong cái nghĩa của động từ về đơn thuần, mà còn là tìm về với thẳm sâu cội nguồn, để cùng hòa nhịp với những trăn trở, thao thức và chia sẻ những nghĩ suy về tương lai quê hương, đất nước… Ở đó, thắp một nén tâm hương. Cúi đầu trước những hình bóng tiền nhân, ta như tự cảm, trong tâm hồn mình dòng mạch nguồn cội đang lên tiếng. Ở đó, mọi buồn vui, thăng trầm của đời người hãy chỉ còn như một giấc mơ, hư ảo. Ở đó, ta chắp thêm những niềm tin để cùng đồng vọng về một mùa xuân mới.

2. Chẳng phải ngẫu nhiên vậy thay, mà bất cứ người Bình Định nào đi xa, xuân về, lại nhớ đến những phiên chợ Tết: Gò Chàm, Đập Đá, Cảnh Hàng… rồi tiếng trống hát bội dập dồn ngoài sân đình, hay nhịp bài chòi cắc cụp. Nhớ nhất vẫn là những lễ hội (LH) xuân: LH chợ Gò mùng một, LH Đống Đa mùng 5 Tết, Hội vía Bà Nhơn Phong vào mười sáu, mười bảy tháng Giêng, rồi lễ giỗ Tổ nghề dệt Phương Danh vào 21 tháng Giêng… Kỷ niệm như dòng phù sa, dưỡng nuôi nên cái gọi là truyền thống, bền bỉ và âm thầm chảy trong tâm hồn của mỗi một con người.

Khai màn cho những hội xuân trên đất Bình Định chính là Hội chợ Gò (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước). Chợ Gò chỉ họp mỗi năm một phiên, vào mùng một Tết. Người ta đi chợ không chủ yếu để bán - mua mà đi chợ chính là đi hội, là xuất hành đầu năm, mong cho vạn sự như ý… Theo câu chuyện dân gian thì dưới thời Cảnh Thịnh, mùa hè năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Ánh cho quân đánh chiếm Quy Nhơn. Mùa xuân năm Canh Thìn (1800) hai dũng tướng của nhà Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng được lệnh đem ba vạn quân vào Quy Nhơn. Quân Tây Sơn trấn giữ và tiến công trên cả hai mặt trận, nhiều lần đánh lui thủy quân của địch vốn được trang bị bằng tàu thuyền và khí giới phương Tây. Trong đội quân vây thành và trấn giữ cửa biển Quy Nhơn này, chủ yếu là người Đàng Ngoài vào. Để cổ vũ tinh thần quân sĩ nguôi đi nỗi nhớ nhà, hai võ tướng đã cho tổ chức hội vui xuân trong ba ngày Tết. Địa điểm được chọn là gò đất nằm sát núi Trường Úc bên bờ sông, địa thế đẹp, ở khoảng giữa Thị Nại lên thành Hoàng Đế, tiện cho quân sĩ cả hai nơi đến chơi hội.

 

Một góc Hội chợ Gò (Tuy Phước) vào mùng 1 Tết Mậu Tý. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

Ngày nay, đi Hội chợ Gò, vẫn là một phong tục đẹp đầu năm của người dân quanh vùng. Đi một vòng quanh chợ, chịu một tuổi mới, với bao ước nguyện và hy vọng. Mua một vài món đồ, thường là mua trầu cau, chính là để cầu lấy cái may mắn đầu năm. Bên cạnh những hàng quán bán - mua lao xao, là một chương trình hội náo nức. Sau các tiết mục ca nhạc, võ dân tộc, là những màn thi múa lân đặc sắc. Thu hút nhất vẫn là trò chơi đậm chất dân gian như: múa lân, chọi gà, đập niêu… Những trò vui dân gian, như hồn vía dân tộc, hãy còn hiện hình giữa không gian xuân hiện đại. Tết này, đi Hội chợ Gò lại được xem thi chuyền bánh tráng như gợi nhớ cho khách hành hương về hình ảnh nghĩa quân Tây Sơn hành binh năm nào.

Nói đến những LH xuân trên đất Bình Định hẳn không thể không nhắc đến LH Đống Đa. LH được tổ chức vào mùng 5 tháng Giêng hàng năm tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Năm nay, LH được tổ chức đơn giản nhưng không kém phần long trọng. Tuy nhiên, ngoài việc trẩy hội vào sáng mồng 5 Tết, cảm nhận không khí mùa xuân đang về với dòng người nô nức vào Bảo tàng Quang Trung, bạn hãy đến dự lễ vào mồng 4 Tết. Dự lễ dâng hương, thành kính tưởng niệm ba anh em Tây Sơn, trầm ngâm bên cây me cũ, bến trầu xưa, đó chẳng là lúc tâm hồn ta đang trở về với mạch nguồn tâm thức dân tộc. Lại nữa, lòng mình lắng trong những lời văn tế của các bô lão làng Kiên Mỹ, bạn sẽ kính phục xiết bao khi biết rằng, chính những người dân Kiên Mỹ bình thường ấy, với lòng tự hào và tôn kính những người anh hùng quê hương, đã bằng cách này hay cách khác giữ gìn và lưu truyền hình ảnh đẹp đẽ về những người con yêu dấu của quê hương mình. Dưới thời Nguyễn, họ phải bí mật thờ Ba Ngài, hàng năm, vào dịp Tết cơm mới (15 tháng 11 âm lịch) người dân vẫn cúng giỗ Ba Ngài nhưng chỉ có mật cáo truyền miệng chứ không có văn tế. Hóa ra, đâu chỉ là một ngôi điện thờ phụng bình thường, điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt còn là một minh chứng cho tinh thần của người Tây Sơn vậy. Bên điện thờ, ta vui hơn khi được biết, Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh đang xây dựng đề án nâng ngày giỗ vua Quang Trung hằng năm thành quốc giỗ.

3. Ra Tết, bạn cũng đừng quên ghé thăm một số LH dân gian được tổ chức trong tháng Giêng. Đó là Hội vía Bà ở Nhơn Phong (huyện An Nhơn) vào hai ngày 16 và 17 tháng Giêng; lễ Tổ nghề dệt Phương Danh (Đập Đá - An Nhơn) vào 21 tháng Giêng; LH làng rèn Phương Danh tổ chức vào ngày 12 tháng 2 âm lịch; Lễ hội đô thị Nước Mặn vào đầu tháng 2 âm lịch…

Về với những LH dân gian, đắm mình trong không khí xuân và cảm thức cội nguồn, ta như được tiếp thêm trong tâm hồn mình bằng những mạch nguồn mới, từ tâm thức và tình tự dân tộc.

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sẽ phát huy tác dụng đa chức năng  (09/03/2008)
Sáng lên nghề mới  (09/03/2008)
Điểm sáng chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp  (09/03/2008)
Hương xuân ở những mái ấm mồ côi  (09/03/2008)
Làng “nối” hai tỉnh  (09/03/2008)
Chị và em và... người tình  (09/03/2008)
Mồng một tết cha…  (09/03/2008)
Thơ  (09/03/2008)
Eveline  (09/03/2008)
Chống nguy cơ học sinh bỏ học  (09/03/2008)
Một hành vi phải nghiêm trị  (09/03/2008)
Mỹ có thật sự mang lại ổn định cho Baghdad ?  (09/03/2008)
Phô diễn vẻ đẹp làng nghề truyền thống  (09/03/2008)
Makara trong điêu khắc Chămpa  (09/03/2008)
NSƯT Hoài Huệ và những ký ức về vai Quang Trung  (09/03/2008)