KỶ NIỆM 53 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27.2.1955 - 27.2.2008)
Khắc ghi lời Bác dạy!
10:24', 9/3/ 2008 (GMT+7)

“Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy cán bộ cần phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn” (trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ làm công tác y tế, tháng 2.1958). Khắc ghi lời Bác dạy, trong thời gian qua, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn đã nỗ lực, rèn luyện “tâm” và “tài”.

 

Nhiều kỹ thuật mới được áp dụng trong khám, chữa bệnh.

 

* Có một trung tâm y tế huyện toàn diện

Trung tâm Y tế Hoài Nhơn hiện có 5 khoa, phòng với những khoa lâm sàng, cận lâm sàng mũi nhọn: liên khoa Nội-Nhi-Lây-Đông y, liên khoa Ngoại-Sản và Hồi sức cấp cứu. Nhân lực hiện nay của Trung tâm là 82 cán bộ viên chức, trong đó trình độ đại học và trên đại học là 18 người và trung cấp là 56 người. Tuy nhiên, do nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn tăng cao, nên Trung tâm đã hợp đồng thêm 55 người, nâng số cán bộ, công nhân viên lên 137 người.

Bình quân hàng năm, Trung tâm khám cho hơn 100 ngàn lượt người, điều trị nội trú trên 10 ngàn lượt người (năm 2006 là 8 ngàn lượt người), mỗi ngày có chừng 300-400 lượt bệnh nhân đến khám, tăng hơn so với năm 2006 là 250 lượt người. Chỉ tiêu giường bệnh quá thấp, chỉ có 60 giường, nhưng thực tế bệnh nhân quá đông nên Trung tâm buộc phải kê thêm 120 giường bệnh mới đủ thu dung điều trị.

Bác sĩ Hoàng Tử Nha, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Để hạn chế sai sót và nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh nhân, Trung tâm đã được tỉnh đầu tư cải tạo phòng phụ cận, đặt thêm giường bệnh, đồng thời cuối năm Sở cũng đầu tư thêm một số trang thiết bị từ nguồn dự án và kinh phí địa phương như: nồi hấp 250 lít, máy giặt… Mặt khác, Trung tâm cũng đầu tư mua sắm thêm một số trang thiết bị y tế đưa vào sử dụng phục vụ trong việc khám và điều trị người bệnh như máy điện não, máy điện tim, máy thở, máy tạo oxy, máy xét nghiệm huyết học tự động, máy nội soi tai- mũi - họng… góp phần tăng độ chính xác, hạn chế sai sót chuyên môn, làm cho người bệnh an tâm điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển viện lên tuyến trên”.

Để nâng cao trình độ chuyên môn cho các y bác sĩ trong việc khám chữa bệnh cho người dân, Trung tâm đã mạnh dạn cử cán bộ đi đào tạo về chuyên khoa ngoại, chuyên khoa mắt, chuyên khoa sản, đồng thời Trung tâm cũng đã triển khai thành công nhiều dịch vụ kỹ thuật cao trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, trẻ sơ sinh, chăm sóc người bệnh toàn diện… Các khoa cận lâm sàng đã ứng dụng thực hiện các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong công tác chuyên môn: soi cổ tử cung; kỹ thuật cấy ghép da; phẫu thuật kết hợp xương như gãy xương cánh tay, bàn chân, nối gân; cắt trĩ độ 3, 4; cắt tử cung bán phần và khâu lỗ thủng dạ dày… thu hút ngày càng đông bệnh nhân đến khám và điều trị; lượng bệnh nhân phẫu thuật loại 3 tăng 30% so với năm 2006. Do đó, người dân ở đây ít phải tốn kém tiền bạc và thời gian để đi đến các bệnh viện lớn trong tỉnh.

BS Đặng Anh Tuyền, Phó khoa Ngoại- Sản tâm sự: “Sau khi được Trung tâm cử đi học về và được triển khai những kỹ thuật mới trong việc chữa bệnh, bệnh viện đã giúp giải quyết được một phần kinh tế cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Là người thầy thuốc, khi được bệnh nhân tin tưởng, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, tự nhủ bản thân cần cố gắng hơn nữa trong khám chữa bệnh cho người dân địa phương”. Do vậy, năm 2007 lưu lượng bệnh nhân đến khám và điều trị rất đông nhưng Trung tâm đã không để xảy ra một ca tai biến nào.

Điều đáng nói, mặc dù năm 2007 là năm xảy ra nhiều dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh liên cầu khuẩn ở lợn nhưng Trung tâm đã có sự phối hợp chặt chẽ với phòng y tế trong việc chỉ đạo các trạm y tế xã, y tế thôn có trách nhiệm giám sát, nắm bắt tình hình để kịp thời báo cáo cho Trung tâm có những biện pháp xử trí kịp thời nên dịch bệnh đã không xảy ra. Trong năm xảy ra 2 đợt lũ lụt và nhiều cơn mưa lớn kéo dài gây ngập úng, ô nhiễm môi trường nhiều địa phương trong huyện nhưng Trung tâm đã chủ động kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống bão lụt tại các trạm y tế và các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Do vậy, sau đợt lụt, dịch bệnh đã không xảy ra.

 

Trung tâm thu hút bệnh nhân bằng chính tinh thần, thái độ phục vụ.

 

* Thu hút bệnh nhân bằng thái độ phục vụ

Để thu hút người bệnh đến khám, Trung tâm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ y tế đối với người bệnh, Trung tâm đã đưa các tiêu chuẩn thi đua học tập theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác sĩ Đặng Thùy Trâm vào bình bầu và khen thưởng, đồng thời vận động cán bộ thực hiện Pháp lệnh cán bộ viên chức theo tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của ngành y tế. Do đó, hàng năm Trung tâm không có cán bộ vi phạm y đức, quy chế chuyên môn, nhiều năm liền Trung tâm không có cán bộ sinh con thứ ba. Đặc biệt, hàng năm Trung tâm còn tổ chức Chương trình đào tạo giao tiếp ngắn hạn cho tất cả cán bộ, Trung tâm trực tiếp mời giảng viên của trường chính trị hoặc những nhà tâm lý giảng dạy về cách giao tiếp, thái độ phục vụ đối với người bệnh, để người bệnh ngày càng hài lòng.

Nhiều năm liền Trung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn được Bộ Y tế tặng Bằng khen đơn vị đạt tiêu chuẩn bệnh viện xuất sắc toàn diện. Năm 2007, Trung tâm được Sở Y tế đề nghị UBND tỉnh tặng Cờ thi đua “Đơn vị xuất sắc” của tuyến huyện, đồng thời đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III giai đoạn năm 2002-2007.

Ngoài ra, để rút ngắn thời gian xếp hàng chờ đợi của người bệnh, Trung tâm đã tăng thêm số ghế ngồi chờ khám cho bệnh nhân, đồng thời phân công 2 cán bộ làm nhiệm vụ hướng dẫn và tiếp đón người bệnh đi làm việc sớm trước 15 phút đầu buổi và được nghỉ sớm trước 15 phút cuối. Mặt khác, Trung tâm đã động viên bác sĩ hạn chế nghỉ bù và tăng thêm bác sĩ cho phòng khám, giảm sự quá tải cho Trung tâm. Đồng thời, để đảm bảo công tác thủ tục hành chính, Trung tâm đã cho triển khai chương trình HMIS vào công tác quản lý khám chữa bệnh. Chương trình này giúp cho cán bộ y tế tiếp cận với cách quản lý khoa học hiện đại, giảm thời gian ghi chép của cán bộ, thời gian chờ khám của người bệnh được rút ngắn hơn. Do vậy, trong 5 năm liền trung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn đạt danh hiệu đơn vị văn hóa cấp tỉnh.

Tuy nhiên, Trung tâm Y tế Hoài Nhơn nằm trong diện quy hoạch lại của huyện, khu vực phòng khám chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Cả huyện có hơn 50 ngàn người mua BHYT, để đáp ứng đủ nhu cầu KCB Trung tâm phải có đủ 150 giường bệnh. Mặt khác, nguồn nhân lực còn thiếu, đặc biệt là bác sĩ, là một khó khăn của Trung tâm.

BS Hoàng Tử Nha kể: “Mặc dù lượng bệnh nhân đến khám rất đông, song các thầy thuốc ở đây xuất phát từ lòng yêu nghề, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các cán bộ Trung tâm luôn đoàn kết và hướng về mục tiêu chung là phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu chung hàng năm”.

  • Phương Vy
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mùa xuân hành hương  (09/03/2008)
Sẽ phát huy tác dụng đa chức năng  (09/03/2008)
Sáng lên nghề mới  (09/03/2008)
Điểm sáng chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp  (09/03/2008)
Hương xuân ở những mái ấm mồ côi  (09/03/2008)
Làng “nối” hai tỉnh  (09/03/2008)
Chị và em và... người tình  (09/03/2008)
Mồng một tết cha…  (09/03/2008)
Thơ  (09/03/2008)
Eveline  (09/03/2008)
Chống nguy cơ học sinh bỏ học  (09/03/2008)
Một hành vi phải nghiêm trị  (09/03/2008)
Mỹ có thật sự mang lại ổn định cho Baghdad ?  (09/03/2008)
Phô diễn vẻ đẹp làng nghề truyền thống  (09/03/2008)
Makara trong điêu khắc Chămpa  (09/03/2008)