* Đi hội vía Bà
Hai ngày 16 và 17 tháng Giêng âm lịch hàng năm, con đường từ bến xe ngựa ở thị trấn Đập Đá (An Nhơn) xuống chợ Cảnh Hàng (xã Nhơn Phong) lại tấp nập người xe: người ta trẩy hội vía Bà…
|
Chùa Bà (xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn) trong ngày hội vía Bà. Ảnh: V.T
|
Chuyện dân gian kể rằng, cách nay chừng ba thế kỷ, ngày đó, vùng quanh chợ Cảnh Hàng có một người đàn bà tên là Đỗ Thị Tân. Bà sống một mình trong túp nhà tranh (vị trí ngôi miếu hiện tại), trước mặt nhà là hồ nước. Bà buôn gánh bán bưng và đỡ đẻ cho người dân trong vùng. Mỗi khi có ai cần, chẳng quản đêm hôm, mưa gió, bà đều có mặt để giúp cho những sinh linh ra đời được “mẹ tròn con vuông”. Hổ dữ ở chốn rừng sâu cũng nghe tiếng bà đến cào cửa đón bà đi đỡ đẻ. Thậm chí, bà còn xuống đỡ cho cả công chúa con vua Thủy Tề… Về sau, vua Tự Đức đã ban sắc Ân đức độ nhân (trước còn treo trong miếu). Rồi một hôm, hồ nước trước mặt nhà bà dợn sóng, dân làng không còn thấy bà đâu nữa. Các cụ già bèn lấy quả bưởi, ghi tên bà thả xuống hồ nước. Quả bưởi được nước xoáy xuống sâu rồi mất hẳn, sau mới thấy nổi lên ở ngoài cửa Đề Gi… Những câu chuyện đậm chất dân gian, pha thêm khí vị huyễn hoặc.
Trước đây miếu Bà chỉ là ngôi miếu làm bằng tranh. Trong chiến tranh, ngôi miếu bị tàn phá, cả tấm sắc cũng bị cháy hết. Năm 1991, người dân địa phương đóng góp dựng nên ngôi miếu hiện tại. Gần đây, cũng bằng hình thức đóng góp, miếu đã được dựng lại, khang trang, to đẹp hơn.
Những ngày lễ hội, cả khu chợ Cảnh Hàng, hàng quán lao xao và những bãi giữ xe đã nêm kín. Phố chợ về đêm rực rỡ với những chiếc đèn lồng được các gia đình treo trước cửa nhà, dọc theo hai bên những đường trục tạo nên một không khí thật đặc biệt. Trong miếu Bà, người đứng xếp lớp lễ bái, khói nhang nghi ngút. Kẻ thì cầu được may mắn, bình an trong năm mới, người thì cầu cho con dâu, con gái “nở nhụy khai hoa” được “mẹ tròn con vuông”, còn lớp thanh niên thì nhiều khi đi chỉ để xem hội. Theo lời một cụ ông người Cảnh Hàng, việc đến miếu Bà cầu mẹ tròn con vuông vừa là niềm tin, vừa là một phong tục không chỉ của người Nhơn Phong mà cả các vùng lân cận.
Lễ chính thường bắt đầu vào 11 giờ khuya. Ban tế lễ gồm 1 chánh tế, 1 tả phân hiến, 1 hữu phân hiến, 1 khỉ cổ và 4 học trò gia lễ, trong trang phục tế lễ, thực hiện theo nghi lễ truyền thống. Hành lễ xong, đội lân đã túc trực để khai phần xướng hát lễ, với hai vị cầm chầu, múa lân, sư tử, rồng để cúng Bà. Sau màn biểu diễn lân là hát án vở Cổ thành. Đến quãng 3 giờ sáng ngày 17, phần khai lễ kết thúc.
Sáng ngày 17, người đến xem hội rất đông. Ngoài biểu diễn các vở tuồng cổ, đây cũng là lúc diễn ra nhiều trò chơi dân gian rất sôi động như đập ấm, kéo co, xổ cổ nhơn; hay thi đấu bóng chuyền của thanh niên trong xã.
Trước đây, trong đêm hội ngày 17, còn có tục chưng cộ và đốt cây bông. Kiệu Bà được trang hoàng rực rỡ, hai bên có hai em bé một trai, một gái tượng trưng cho những sinh linh nhỏ bé khi ra đời được Bà cứu giúp đi theo cùng với 7 chiếc kiệu đại diện cho 7 thôn của xã Nhơn Phong. Kiệu khởi hành từ miếu Bà đến gò Trại cách miếu chừng 500m về hướng Đông sẽ đốt cây bông 12 tầng, tượng trưng cho 12 con giáp. Trên đường kiệu Bà về, các gia đình thiết bàn thắp hương, mong đón kiệu Bà và lân vào nhà để được hưởng phước.
* Lễ hội chùa Ông Núi
Ngày 24 và 25 tháng Giêng hàng năm là ngày Hội chùa Ông Núi (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát). Chùa Ông Núi (tên chữ là Linh Phong thiền tự) tọa lạc ngay lưng chừng đỉnh Chóp Vung - đỉnh cao nhất của dãy núi Bà, về phía Đông Nam. Đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan, đi khỏi ngã ba Cát Tiến chừng vài trăm mét là tới lối vào chùa dưới chân núi.
|
Du khách tham quan chùa Ông Núi (Cát Tiến, Phù Cát). Ảnh: Văn Lưu
|
Sách xưa chép lại, năm Nhâm Ngọ (1702), có một người tên gọi là Lê Ban (tức thiền sư Tịnh Giác - Thiện Trì) đến núi này tu hành. Sư dựng một mái chùa bằng cỏ tranh, sống thanh bần trên núi, dùng vỏ cây làm quần áo. Dân trong vùng gọi sư là Mộc Y Sơn Ông (ông núi mặc áo vỏ cây). Do vậy, ngôi chùa này có tên chùa Ông Núi. Sư mất năm Thái Đức thứ 8, đời vua Nguyễn Nhạc.
Lễ hội chùa Ông Núi chính là ngày giỗ của Hòa thượng Thích Trừng Tịnh, một trong những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của chùa. Hai ngày hội, cả đoạn đường ven biển ngang qua Cát Tiến chật hẳn với xe ô tô, xe máy từ các nơi đổ về, có cả những tấm biển xe từ tận Gia Lai, Phú Yên. Từ chân núi, theo dòng người men theo con đường đất mà hai bên là những bụi duối khá lớn, đi thêm một đoạn, gặp những bậc đá dẫn lên đến lưng chừng núi. Đi hết hơn trăm bậc đá, cảnh chùa đã hiện ra. Ngôi chùa cổ, ngày mới tạo lập, chỉ là một mái tranh, năm 1733 được chúa Nguyễn Phước Chu sắc cho quan địa phương dựng lại bằng ngói, đổi tên là Linh Phong thiền tự. Năm 1895, cụ Đào Tấn đã cho tu bổ lại ngôi chùa khang trang và viết bài ký bằng chữ Hán (Linh Phong tự ký). Năm 1965, trong chiến tranh, chùa bị cháy. Hiện nay, ngôi chùa vừa được xây dựng lại, cảnh trí thật khang trang.
Trước khi bước chân vào hang Tổ, nơi ngày xưa sư ông từng sống và tu luyện, dường như ai cũng mua một chai nước nhỏ được những người bán hàng rong chào mời trên đường lên hang. Khách hành hương đặt những chai nước lên bàn thờ và thầm khấn nguyện. Người ta khẽ bảo nhau: để lấy lộc đầu xuân.
Hang đá được tạo ra bởi một khối đá núi thật to nằm nhô trên những phiến đá khác. Từ chùa, băng qua suối, ngược lên thêm vài chục bậc đá nữa, là đến. Trước và trong hang, hàng loạt những phiến đá bằng phẳng, như những chiếc bàn, chiếc giường thiên tạo. Người ta vẫn kể rằng, sinh thời, sống trong hang, bên cạnh nhà sư còn có hai chú cọp mun. Tuy hình hài hung dữ nhưng tính khí hai chú cọp lại khá lành hiền. Chúng chỉ ăn trái cây mà sống. Nay trong hang, có thiết bàn thờ sư ông với tượng thể hiện hình tướng một thiền sư mang áo vỏ cây, tay cầm thiền trượng làm bằng nhánh cây rừng, ung dung, tự tại.
Về Hội chùa Ông Núi, khách hành hương học thêm bao điều về lẽ xuất xứ của cuộc đời. Sách vở còn chép, năm 1885, giữa bao giằng xé tâm can, Đào Tấn đã tìm đến đây để ẩn dật. Gần một năm trời sống nơi cửa Thiền, chính là thời gian Đào Tấn tìm lại sự thanh thản trong tâm hồn giữa một thời đại bao biến động. Tâm tư ông lúc này đứng giữa hai con đường: con đường đẹp nhất, cao cả nhất là cứu nước, chống địch; con đường khác là ẩn tránh. Chùa Linh Phong, nói như nhà thơ Xuân Diệu, là điểm hội tụ để tâm hồn Đào Tấn đi - về, cũng là một nhu cầu trong cái xã hội vốn đang bế tắc.
Chùa Ông Núi nay còn hang Tổ và con suối nhỏ gợi nhớ nhiều dáng nét chùa cũ. Nhưng chỉ bấy nhiêu cũng đủ sống lại trong ta hình bóng ngôi chùa cổ kính xưa nay vẫn mãi vọng trong tâm tưởng người Bình Định. Để rồi hẹn nhau, 24, 25 tháng Giêng hằng năm lại ngược đỉnh Bô Chinh đại sơn, đi Hội chùa Ông Núi.
* Lễ hội Đô thị Nước Mặn
Trong ba ngày 30 tháng Giêng và mùng 1, 2 tháng 2 âm lịch, tại thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, diễn ra Lễ hội “Đô thị Nước Mặn”. Đây là một trong những lễ hội cổ truyền có quy mô lớn và ra đời cách đây gần 4 thế kỷ, kể từ khi Cảng thị Nước Mặn còn ở thời kỳ phồn vinh.
|
Lễ hội đua thuyền ở Phước Hòa (Tuy Phước). Ảnh: Đ.T.Đ
|
Cách đây trên 500 năm, nhiều cư dân người Việt và một số cư dân người Hoa theo đường biển vào đây lập nghiệp. Các làng Vĩnh An, Lạc Hòa từ đó cũng được hình thành. Nước Mặn là một đô thị thương cảng nổi tiếng ở Đàng Trong thời bấy giờ, từng có trong bản đồ hàng hải quốc tế của người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... Lễ hội được tổ chức ở chùa Bà, vùng đất trung tâm cảng thị thuở trước. Chùa Bà là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, một nhân vật có công cứu vớt tàu thuyền mắc nạn trên biển khơi.
Thuở xưa, khi cảng thị còn phồn vinh, phố phường đông đúc, tới ngày lễ, dân cảng thị cả người Việt và người Hoa khiêng kiệu tới miếu Thành Hoàng, miếu Quán Thánh, miếu Bà Mụ, rước linh vị của các vị thần này về chùa Bà để chuẩn bị tế lễ. Nửa đêm 30 là lễ tế chính thức thần Thành Hoàng, Thiên Hậu, Quán Thánh, Bà Mụ. Sau ngày tế thần, sang ngày thứ hai và thứ ba là hội. Nghi thức đầu tiên là rước các biểu trưng hình những người có công khai sáng vùng đất này: kẻ đốn cây phá rừng ngập mặn, người vỡ ruộng đắp bờ, kẻ bủa lưới đánh cá, người chăn nuôi gia súc… được cung kính đặt lên kiệu, nối nhau khiêng đi. Còn có biểu trưng tàu thuyền viễn dương với những tay chèo vạm vỡ vượt sóng gió, làm sống lại những ngày đầu tàu thuyền bốn phương tới cảng thị buôn bán.
Sau rước biểu trưng, ban ngày thì các trò chơi dân gian nối tiếp diễn ra: đánh đu, kéo co, đấu võ, đấu vật, chơi cù, chọi gà, bắt vịt, nấu cơm thi, đập ấm, bịt mắt bắt dê… Có trò chơi tao nhã như thả thơ, xổ cổ nhơn, hô bài chòi, đánh cờ người, có trò tiếp nhận của người Hoa như: tục đổ giàn, đốt cây bông… Ban đêm, các gánh hát nổi tiếng được mời tới diễn tuồng…
Ngày nay, cảng thị Nước Mặn đã suy tàn. Vùng trung tâm cảng thị xưa gồm nhiều dãy phố chạy ngang dọc như bàn cờ, có dãy phố chuyên bán thuốc bắc, vàng bạc, tơ lụa… nay chỉ còn lưu giữ chút dấu tích ít ỏi: tảng đá to dựng đứng dưới chân hòn Kỳ Sơn là bến neo thuyền, chiếc cầu ngói vốn xưa bắc qua một nhánh của sông Cây Da, rồi chùa Bà, gò Dinh - nơi làm việc của quan trấn thủ cảng thị, dấu vết nhà thờ Nước Mặn, hai cây cổ thụ và một khu đất trống từng là chợ Nước Mặn tấp nập họp thường nhật… Tuy nhiên, Lễ hội Nước Mặn vẫn được duy trì như một gợi nhớ về một thời phồn thịnh thuở xưa.
Miếu thờ duy nhất còn lại ở vùng trung tâm cảng thị chỉ còn lại chùa Bà nên trong chùa thờ cả ba vị thần: Thiên Hậu ở gian giữa, Thành Hoàng và Bà Mụ ở hai gian hai bên. Phần tế lễ vẫn được tôn trọng và tiến hành theo ý nguyện. Ngày thứ hai mới là khai hội. Tuy nhiên, phần rước biểu trưng không còn, nhưng một số trò chơi truyền thống vẫn được tổ chức, ban đêm vẫn đón gánh hát bội về diễn trong những đêm hội. Ban Tổ chức lễ hội còn tổ chức thi đấu thể thao như bóng đá, bóng chuyền nên đã thu hút khá đông thanh niên tham gia.
Trong những ngày lễ hội, người dân khắp nơi đổ về An Hòa vừa dự lễ, đồng thời cũng là dịp đến thắp hương cầu xin một năm mới làm ăn tốt lành. Nhiều người hiếm muộn còn đến dự hội để cầu mong về đường con cái.
|