Yêu cầu đặt ra với Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 là cần được đầu tư, tổ chức quy mô, hoành tráng, đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện được truyền thống thượng võ và những nét đặc trưng tiêu biểu nhất về lịch sử, văn hóa, kinh tế, du lịch của tỉnh Bình Định…
|
Bảo tàng Quang Trung, một trong những địa điểm sẽ diễn ra Festival Tây Sơn - Bình Định 2008. Ảnh: Hoàng Tuấn
|
* Hoạt động nhiều, quy mô hoành tráng
Theo kế hoạch tổng thể Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 vừa ban hành, Festival sẽ chú trọng khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, khai thác các không gian, địa danh lịch sử, văn hóa truyền thống tiêu biểu của Bình Định, tập trung địa điểm chính tại thành phố Quy Nhơn và mở rộng ra các vùng lân cận như Bảo tàng Quang Trung, thành Hoàng Đế, hệ thống tháp Chàm, khu Nhơn Hội - Phương Mai - Núi Bà, tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu... Tất cả những việc làm này nhằm hướng đến mục tiêu là đưa Festival Tây Sơn - Bình Định trở thành một lễ hội mang thương hiệu: “Văn hóa du lịch Bình Định”.
Các hoạt động của Festival được tổ chức tập trung từ khu Trung tâm Thương mại Quy Nhơn đến Ghềnh Ráng, khu vực Đầm Thị Nại, Tháp Đôi và một số hoạt động lễ hội tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn). Bên cạnh đó, tại các điểm du lịch trọng yếu, các di tích, danh thắng tiêu biểu thuộc các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn cũng có các hoạt động mang tính hưởng ứng, phục vụ yêu cầu quảng bá giới thiệu văn hóa - du lịch của tỉnh.
* Để tạo dấu ấn riêng
Trong công tác tổ chức Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, việc vận dụng các yếu tố để Festival mang dấu ấn riêng của văn hóa, con người Bình Định được các nhà tổ chức đặc biệt quan tâm. Chẳng hạn, đưa trống trận Tây Sơn, hát bội và võ Bình Định vào chương trình khai mạc, liên hoan võ, liên hoan tuồng… rồi các chương trình như hội làng nghề truyền thống và ẩm thực Bình Định... đều với hy vọng sẽ tạo thêm nét độc đáo cho Festival.
Yêu cầu là vậy, nhưng nhìn vào các hoạt động cụ thể của Festival, chúng ta không khỏi băn khoăn. Trước hết, là do tính ôm đồm. Cần nói ngay rằng, Festival càng có nhiều hoạt động thì càng phong phú; nhưng vấn đề đặt ra là ngay trong lần đầu tiên tổ chức, chưa có kinh nghiệm, thì việc trải ra với quá nhiều hoạt động, công tác tổ chức sẽ vất vả. Tổ chức dàn trải mà không có điểm nhấn, không tạo được nét riêng cho từng hoạt động, thì Festival sẽ không những không ấn tượng, mà có nguy cơ biến thành một thứ “hòn non bộ”, nghĩa là cái gì cũng sẽ có một ít.
|
Tuồng cổ - một nét đặc trưng văn hóa của Bình Định. Ảnh: Hoàng Vân |
Hoạt động thì nhiều, nhưng nhìn vào các chương trình của Festival, đâu sẽ là điểm nhấn chính. Nếu là lễ khai mạc và bế mạc ta sẽ thấy băn khoăn, vì kịch bản lễ khai mạc và bế mạc vẫn chưa thoát ra cái khuôn của các lễ hội vẫn được tổ chức đều đặn ở các tỉnh, thành phố khác, cũng như chưa ra khỏi tư duy sân khấu, nặng tính truyền thống.
Theo chúng tôi, trong nhiều hoạt động như vậy của Festival, có mấy hoạt động đáng chú ý để đầu tư. Thứ nhất là Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền lần thứ hai và cuộc thi Người đẹp những miền đất Võ. Cuộc thi Người đẹp những miền đất Võ thì hiện đang chuẩn bị kịch bản; còn Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền lần thứ hai nếu chỉ tổ chức như lần thứ nhất, tức là mời các đoàn đại diện cho các môn phái của võ cổ truyền Việt Nam về biểu diễn võ thì cũng chưa thật ấn tượng. Một hoạt động khác là Liên hoan Tuồng Đào Tấn cũng có cách tổ chức na ná như vậy, tức là mời các nhà hát, các đoàn tuồng ở Trung ương và các tỉnh về biểu diễn tuồng Đào Tấn theo phong cách của mình.
* Xác lập điểm nhấn chính
Nếu Festival Đà Lạt, điểm nhấn chính là lễ hội hoa và mục tiêu mà Đà Lạt hướng đến là xây dựng thương hiệu của một thành phố tình yêu; thì với Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, theo chúng tôi, cần nhấn vào nét đặc sắc của văn hóa võ Bình Định.
Tuy nhiên, đây lại là phần chưa được quan tâm nhiều trong Festival lần này. Có 4 hoạt động về võ được tổ chức trước và trong Festival là Giải Võ Cổ truyền các Câu lạc bộ tỉnh Bình Định (tại huyện Tây Sơn hoặc Quy Nhơn), Giải Vô địch Võ cổ truyền Toàn quốc (tại Quy Nhơn), Giải Quyền Anh trẻ (tại Hoài Nhơn) và Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền lần thứ II tại Quy Nhơn. Trong đó, ba hoạt động đầu tiên tổ chức trước khi Festival chính thức diễn ra.
Tuy nhiên, muốn tạo được ấn tượng về thương hiệu “miền đất Võ” thì chí ít, Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền và Giải Võ Cổ truyền các Câu lạc bộ tỉnh Bình Định cần được tổ chức liên hoàn. Trong đó, một hoạt động sẽ hội tụ các môn phái, dòng võ cổ truyền Việt Nam đến từ các nước trên thế giới nhằm tôn vinh võ Việt; hoạt động còn lại là để giới thiệu sâu về truyền thống võ Bình Định qua việc quy tụ các võ sư thuộc các làng võ trong tỉnh. Hai hoạt động này nếu được đầu tư kỹ, tức là có kịch bản hoàn chỉnh, có ý tưởng chủ đạo, có một đạo diễn dàn dựng thống nhất theo ý tưởng riêng, thì sẽ có tác dụng lớn hơn. Trong kịch bản này, cần kết liền các làng võ Bình Định lại, nhằm giới thiệu một nét rất đặc trưng của truyền thống võ nghệ ở đất Võ, gắn với hàng loạt các giá trị văn hóa phi vật thể của võ Bình Định như giỗ tổ võ, thiệu võ, võ y, võ đạo… Khi đó, cuộc thi Người đẹp các miền đất Võ cũng có thêm điểm tựa từ chiều sâu văn hóa thượng võ.
Nếu được chuẩn bị kỹ và quảng bá tốt, võ Bình Định sẽ là “đặc sản tinh thần”, tạo cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 một nét riêng khó lẫn.
|