Nét “mềm” của sắt
16:4', 5/4/ 2008 (GMT+7)

Ông Nguyễn Thành Đạt bên các sản phẩm sắt của cơ sở. 

Những sản phẩm sắt mỹ nghệ của Công ty TNHH Thành Đạt (03 Đặng Văn Chấn, TP. Quy Nhơn), gây ấn tượng bởi đã tôn được vẻ đẹp của sắt bằng những chi tiết, họa tiết mềm mại…

* Vẻ đẹp của đồ sắt

Thực ra, những chi tiết trang trí nội, ngoại thất có giá trị mỹ thuật dùng trong nhà hay ngoài trời, theo phong cách châu Âu, không mới, nhất là với các nhà biệt thự. Tuy nhiên, ở Quy Nhơn, mới chỉ có Thành Đạt là sản xuất sản phẩm loại này.

Ông Nguyễn Thành Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Thành Đạt, cho biết: “Trước đây, tôi sản xuất các sản phẩm từ đá granite, nên cũng có dịp ra nước ngoài. Tôi thấy những sản phẩm trang trí làm bằng sắt đẹp, độc đáo, có phong cách rất riêng, lại có thể kết hợp với các sản phẩm đá, nên tôi để tâm tìm hiểu, nghiên cứu từ nhiều năm nay. Sau này, một người bạn tôi ở TP. Hồ Chí Minh mở cơ sở sản xuất loại này, và khuyến khích tôi mở cơ sở sản xuất tại TP. Quy Nhơn. Thấy ở miền Trung, chưa có ai làm, nên tôi quyết định sản xuất thử”.

Công ty TNHH Mỹ nghệ Thành Đạt ra đời từ cuối năm 2006. Tính đến nay, mới được hơn một năm, nhưng sản phẩm của cơ sở đã khá đa dạng. Theo ông Đạt, hiện nay, doanh nghiệp này đã sản xuất hàng trăm chủng loại sản phẩm, từ cầu thang, lan can ban công, cổng ngõ, giá treo tường, khung trang trí… với nhiều mẫu hoa văn khác nhau. Có những sản phẩm khá lớn, như cổng biệt thự, bộ bốn chiếc, mỗi chiếc rộng gần 1m, cao 2,8m, trên có vòm trang trí; lại có những khung trang trí hình dây nho, gắn đèn thủy tinh màu, khi thắp đèn cầy hoặc bật bóng điện nhỏ bên trong, màu thủy tinh phối cùng màu hoa văn trên sắt, trông khá bắt mắt…

Những mẫu sản phẩm, hoa văn này, đều do ông Đạt thiết kế, sau đó, đưa cho thợ thể hiện, nên có nét riêng. Thêm vào đó, với mỗi ngôi nhà đặt hàng, ông Đạt đều suy nghĩ để tìm phong cách thể hiện riêng nhưng thống nhất về tổng thể, từ hàng rào, cổng, đến các chi tiết bên trong, vừa tạo nét khác biệt so với các ngôi nhà khác, vừa tạo sự thống nhất cho một ngôi nhà.

* Tạo “hồn” cho sắt

Để cho ra đời những sản phẩm mỹ nghệ từ sắt, hóa ra không đơn giản. Nó đòi hỏi những thợ sắt phải có tay nghề cao, vừa biết nghề rèn, vừa có sự khéo léo để thổi “hồn” cho sắt. Hiện Thành Đạt có 6 thợ chính và 4 thợ phụ. Những thợ này, lúc đầu cũng chỉ là thợ sắt có trình độ, sau khi nhận về, mới được hướng dẫn thêm kỹ thuật uốn, tạo hình cho sắt theo đúng thiết kế.

Sắt nguyên liệu phải là loại sắt đúc dày 2,5 ly trở lên, nhập ngoại, được dập sẵn, có độ cứng cao, để không nứt khi nung, không bị dập khi rèn. Riêng với các hoa văn nhôm như hoa mai, lá nho, trái nho… thì thợ kỹ thuật vẽ kiểu, sau đó, đưa cho thợ mộc đục khuôn, rồi ra Đà Nẵng thuê đúc. Bởi vậy, các chi tiết bằng nhôm, nhưng vẫn rất bền, và có nét riêng, khác với các chi tiết bán sẵn trên thị trường, vừa đơn điệu về mẫu mã, lại chỉ đúc bằng gang, nên rất dễ gãy.

 

Một sản phẩm sắt trang trí của cơ sở Thành Đạt.

 

Mỗi sản phẩm sau khi rèn xong, phải qua 4, 5 lớp sơn. Đầu tiên là một lớp hóa chất để tẩy hết các chất dơ bám trên bề mặt; sau sẽ được quét thêm hai lớp sơn lót, rồi một lớp sơn chính; tiếp tục dùng dũ đồng (màu đỏ, xanh, vàng) phủ lên; cuối cùng mới phủ một lớp sơn bảo vệ và tạo độ bóng. Làm kỹ như vậy, nên dù để ở ngoài trời, nhưng các sản phẩm vẫn khá bền và đẹp. “Vào mùa mưa, sẽ có những chỗ do sơn chưa kỹ, nên sẽ lộ lớp rỉ. Khi đó, chúng tôi sẽ có thợ sơn đến bảo dưỡng lại. Sau lần bảo dưỡng này, phải vài năm sau, sản phẩm mới cần sơn lại” - ông Đạt nói.

Hiện nay, do vừa làm hàng, vừa hoàn chỉnh mẫu mã, luyện tay nghề cho thợ, nên mỗi tháng, cơ sở chỉ nhận thực hiện một công trình hoàn chỉnh, từ cầu thang, cổng ngõ, hàng trang trí trong nhà. Mỗi bộ sản phẩm hoàn chỉnh như vậy có giá hàng chục triệu đồng.   

Cũng do bởi làm kỹ vậy, nên các sản phẩm hiện nay có giá thành hơi cao so với các sản phẩm làm sẵn bằng sắt hộp trên thị trường. Chẳng hạn, hàng rào giá khoảng 1,5 triệu đồng/mét tới; cầu thang từ 700.000 đến 1,3 triệu đồng/mét tới, hàng trang trí trong nhà khoảng 700.000 đến 1 triệu đồng/m2… Nhưng mức giá này, theo ông Đạt, vẫn thấp hơn 1/3 so với giá do một cơ sở ở TP. Hồ Chí Minh sản xuất. Giá thành cao, nhưng nhờ có giá trị mỹ thuật, nên các sản phẩm của Thành Đạt đang dần được thị trường chấp nhận, nhất là những biệt thự mới xây dựng, không chỉ ở Quy Nhơn, mà cả Phú Yên, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Công ty cũng đã xuất khẩu ba chuyến sang châu Âu với mục đích thăm dò thị trường.

Hiện tại, Thành Đạt mới chỉ có một góc trưng bày nhỏ tại Trung tâm Thương mại Quy Nhơn và vẫn liên hệ với khách hàng chủ yếu qua trang web. Thời gian tới, Thành Đạt sẽ tìm mặt bằng, để hình thành một showroom chuyên về đồ sắt; sau đó, quảng bá trên catalogue, biển quảng cáo… “Tôi tự tin ở tiềm năng của thị trường sắt mỹ nghệ trong thời gian tới” - ông Đạt khẳng định vậy.

  • Khải Nhân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Điểm nhấn nào cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 ?  (05/04/2008)
Thương hoài tiếng “nẫu”  (05/04/2008)
Tuyệt chiêu Phi Long của một dòng họ võ “Tứ đại đồng đường”  (05/04/2008)
Năm của người Anh?  (05/04/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/04/2008)
Một số lễ hội mùa xuân ở Bình Định  (09/03/2008)
Khắc ghi lời Bác dạy!  (09/03/2008)
Mùa xuân hành hương  (09/03/2008)
Sẽ phát huy tác dụng đa chức năng  (09/03/2008)
Sáng lên nghề mới  (09/03/2008)
Điểm sáng chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp  (09/03/2008)
Hương xuân ở những mái ấm mồ côi  (09/03/2008)
Làng “nối” hai tỉnh  (09/03/2008)
Chị và em và... người tình  (09/03/2008)
Mồng một tết cha…  (09/03/2008)