Người hay quên
16:20', 5/4/ 2008 (GMT+7)

* Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Hoạt

Bố mẹ đặt tên ông là Khỏe. Ấy là ước mong của các cụ đối với đứa con ốm đau, dặt dẹo từ lúc mới lọt lòng. Ai dè, khi tuổi đời xế bóng, ông bị đám “tiểu yêu” trong cơ quan gán cho hỗn danh “Anh Khỏe Không”. Ông tức sặc máu mỗi khi nghe gọi thế, kèm theo chuỗi cười trêu ngươi của đám nhân viên thuộc quyền. Tất nhiên, bọn “hậu sinh khả ố” kia (như ông thường rủa) chỉ dám kêu chùng, gọi lén, nhưng lòng vòng rồi cũng đến tai ông.

Căn nguyên của danh xưng không giống ai ấy bắt nguồn từ thiện ý hay quan tâm đến người khác của ông. Đơn giản là ông hay hỏi thăm gia cảnh, sức khỏe; thường hạ cố ban phát tình thân cho thuộc cấp bằng những câu cửa miệng. Gặp nhau, tay bắt mặt mừng, sau nụ cười là lời ông: “Anh khỏe không?” hoặc “Quê cậu ở đâu nhỉ?”, “Cậu có vợ chưa?”… Điệp khúc ấy cứ dày đặc và như được tuôn ra vô thức. Nhiều người bảo ông sâu sát, chịu khó tìm hiểu tâm tư anh em trong cơ quan; kẻ nói thủ trưởng vui tính, dễ gần. Nghe những lời khiến ông hả dạ ấy, Duy - Trưởng phòng Hành chính, chỉ cười, tặc lưỡi rồi quay đi lắc đầu quầy quậy. Thỉnh thoảng, Duy đính chính cảm nhận người khác bằng giọng nhừa nhựa: “Trông dzậy mà không phải dzậy!”. Anh nhại cả thói quen của sếp để mua cười miễn phí cho thiên hạ. Lúc rỗi việc, phỡn chí, Duy nghênh mặt, nhịp chân, giả giọng ông gọi điện thoại “Alô, xin chào, anh khỏe không? Công việc vẫn tốt đấy chứ? Anh em cơ quan thế nào?...”. Nghe giọng thánh thót như rót mật vào tai, với cách hỏi thăm cấp tập như bắn liên thanh, cốt cho có chứ chẳng chờ trả lời của người đối thoại, đích thị là phong cách của sếp Khỏe rồi. Liền đó, cả đám vén miệng, cười như dại.

Trở lại cơ quan sau kỳ nghỉ phép, anh em trong sở thường đến diện kiến ông, mở đầu là màn chào hỏi sau những ngày đi vắng: “Thế nào, mùa màng năm nay ở quê tốt chứ?”, “Các cụ và vợ con vẫn khỏe hả?” - những câu hỏi như khẳng định dồn dập của ông khiến người nghe không kịp trả lời. Có lần, nghe ông hỏi thế, anh nhân viên tròn mắt, đứng sững. Duy đang thập thò trình ký cũng ngẩn người, ngay đơ như nuốt phải cây đinh sắt vào bụng. Nhanh trí đúng lúc, anh bước vào, hạ giọng, gỡ khó cho sếp: “Bố mẹ anh ấy mất năm trước rồi, anh ạ!”. Ông ngớ người, méo miệng, lắp bắp: “Xin lỗi”. Khi tứ thân phụ mẫu của cán bộ, nhân viên qua đời, dù xa mấy, cơ quan cũng cử người đi viếng. Từ lâu sở đã thực hiện quy định ấy, sao ông chóng quên thế nhỉ?

Khoản ông hay quên nữa là tên người. Anh em ở sở gặp thường xuyên, cán bộ ngành dọc dưới huyện không nhiều, nhưng phó giám đốc chẳng nhớ là bao. Nếu là người ta, lâm vào tình cảnh ấy sẽ kiên trì “mật phục”, chờ “đối phương” tự bộc lộ hoặc đợi người thứ ba vô tình gợi nhớ. Còn ông thì trực diện: “Cậu tên gì nhỉ?”. Có người, bị hỏi nhiều lần quá mà tên mình vẫn bị “bộ nhớ” của sếp từ chối, đâm cùn: “Em vẫn tên cũ ạ”. Ông cụt hứng, tẽn tò.

Sinh hoạt cơ quan, phó giám đốc thường giáo huấn mọi người phải không ngừng học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Ông bảo lười học tập, nghiên cứu cũng là biểu hiện của sự thoái hóa, tụt hậu. Ông phê phán một số cán bộ trẻ cứ dán mắt vào những chuyện vụ án giật gân, mà chẳng chịu đọc xã luận hay gương người tốt, việc tốt trên báo. Ông trề môi dè bĩu rằng, nhiều người coi tờ báo, quyển sách giống như liều thuốc ngủ, thì đầu óc sáng ra sao được.

Hồi đó, Duy mới về sở, nghe thế, anh đặt mua cho thủ trưởng rất nhiều sách, tạp chí nghiên cứu. Anh khấp khởi mừng, đinh ninh được sếp cho là mau hiểu, biết đi tắt đón đầu ý lãnh đạo. Cuối năm, sếp cho nhân viên thu dọn hết báo chí trong phòng làm việc của mình và phân loại, số đưa vào thư viện, số khác, gọi bà đồng nát vào chuyển mục đích sử dụng. Tần ngần đứng bên đống tạp chí bị thủ trưởng thải ra, Duy lật xem từng cuốn. Anh ngạc nhiên thấy nhiều tờ đôi bị gấp trong đó chưa rọc ra, chứng tỏ nó chưa được đọc bao giờ! Đầu óc lóe lên nhưng lòng lắng lại, Duy ngẩn ngơ trong nỗi buồn chợt đến.

Cuối năm, sở làm lịch treo tường tặng cán bộ nhân viên và làm quà đối ngoại. Duy khệ nệ ôm cả chồng catalogue, nào là mẫu lịch phong cảnh, công trình kiến trúc di sản văn hóa… về cho phó giám đốc duyệt. Sếp cầm tập lịch mẫu in hình người đẹp, nheo mắt nhìn anh, cật vấn: “Cậu định đưa mấy cô ăn mặc te tua như người tiền sử này lên lịch hả?”. Duy ú ớ gãi đầu, lảng đi nơi khác, tránh ánh mắt “mang hình viên đạn” của sếp. “Dẹp!” - ông lạnh lùng ném tập lịch mẫu qua bên. Lần khác, ông ghé phòng hành chính, thấy Duy và mấy nhân viên đang xem phim, ông hỏi: “Các cậu xem gì đấy?”. “Xem đĩa về thi hoa hậu thế giới, thủ trưởng ạ”. Sau lời đáp, kẻ đứng lên nhường lối, người kéo ghế mời phó giám đốc cùng tham gia “bồi dưỡng” cho mắt. Ông vẫn chắp tay sau lưng, mắt lơ đãng nhìn màn hình, ra chiều chẳng mấy hào hứng “Các cậu không tìm được phim nào có ý nghĩa giáo dục hơn sao?” - ông lộ vẻ không hài  lòng. Cả đám im re, bảo nhau vặn nhỏ âm lượng tivi. Duy tự giải vây bằng cách chơi khó sếp: “Anh thấy sao?”. Chỉ những người đẹp đang lượn qua màn hình phô bày vẻ đẹp của ngọc thể, rồi anh liếc nhìn sếp, chờ sự lúng túng. Nhưng người lúng túng lại là anh, khi nghe: “Mình thấy chúng nó như con cháu trong nhà”. Duy chưng hửng, cái miệng chực cười của anh bỗng mất đà, chuyển sang méo xệch.

Mãi sau này, nhờ Hưng chỉ giáo, Duy mới thấu tầng ngầm trong lòng sếp. Là lái xe cho phó giám đốc Khỏe nên Hưng không lạ những trò giải trí “ngoài luồng”, những “quả lẻ” của nhân vật số hai trong sở. Nhớ lần đầu đưa nhóm quyền lực của cơ quan đi ăn nhà hàng, khi đến độ tưng tưng, nghe phó giám đốc hỏi giữa trời: “Còn gì nữa không?”, Duy ngớ ra. Hưng biết ý, kéo anh ra ngoài, ghé tai, khai sáng. Thì ra, sau ăn nhậu là mát-xa, hát karaoke, nói gọn lại là thư giãn. Bấy giờ, anh mới té ngửa khi ngộ ra sếp phó chỉ khoái uống bia có người rót bê tận mồm, còn tay thì bận làm… việc khác. Nhớ hình ảnh sếp hờ hững những hoa hậu trên màn hình tivi ngày nào, anh ngao ngán, rùng mình.

Hôm bố Hưng mất, cơ quan cử phó giám đốc Khỏe đi viếng. Hai thầy trò gắn bó đã gần mười năm, cùng có mặt trên từng cây số, đến với nhau trong lúc đau thương, thật là hợp lẽ. Tất nhiên, người lái xe đưa sếp đi lần này không phải là Hưng. Duy chuẩn bị cho chuyến đi làm việc hiếu của thủ trưởng, chu đáo từ vòng hoa, phong bì, lại điện trước cho tang chủ để họ đưa vào lịch viếng. Khi xe đã chuyển bánh, phó giám đốc vẫy anh lại: “Nhà Hưng ở đâu nhỉ?”. Duy giật mình tròn mắt: “Ảnh cùng xã với anh kia mà - Duy chưa hết sửng sốt - Anh em như hình với bóng mà anh không biết nhà anh Hưng thật sao?”.

Không lời đáp, phó giám đốc Khỏe lúng túng, quay đi.

  • N.T.H
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xã hội hóa giáo dục ở Phù Mỹ  (05/04/2008)
Đua đòi, ăn chơi trở thành những tên cướp cạn  (05/04/2008)
Nét “mềm” của sắt  (05/04/2008)
Điểm nhấn nào cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 ?  (05/04/2008)
Thương hoài tiếng “nẫu”  (05/04/2008)
Tuyệt chiêu Phi Long của một dòng họ võ “Tứ đại đồng đường”  (05/04/2008)
Năm của người Anh?  (05/04/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/04/2008)
Một số lễ hội mùa xuân ở Bình Định  (09/03/2008)
Khắc ghi lời Bác dạy!  (09/03/2008)
Mùa xuân hành hương  (09/03/2008)
Sẽ phát huy tác dụng đa chức năng  (09/03/2008)
Sáng lên nghề mới  (09/03/2008)
Điểm sáng chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp  (09/03/2008)
Hương xuân ở những mái ấm mồ côi  (09/03/2008)