Mẹ chồng thời nay
16:31', 5/4/ 2008 (GMT+7)

Thời nào cũng vậy, mối mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu luôn tồn tại ở nhiều gia đình. Ngày xưa thì mẹ chồng lấn lướt nàng dâu còn giờ đây xu thế có chiều ngược lại…

 

Thương con, cháu, nhiều mẹ chồng gánh vác thay con dâu mọi việc nhà (ảnh có tính chất minh họa).

 

* Nỗi lòng của mẹ chồng

Trong mắt nhiều người, bà Sáu Tâm (phường Lê Lợi, TP. Quy Nhơn) là người hạnh phúc. Chị Hồng Hạnh, con dâu của bà Tâm xuất thân gia đình khá giả, có nhan sắc, ăn nói có duyên, học đến thạc sĩ và giữ chân trưởng phòng của một công ty nước ngoài. Những ai thân thiết mới biết được nỗi lòng của bà Tâm. Gần 3 năm làm dâu, chị Hạnh chưa nấu cho gia đình một bữa cơm. Mọi việc chăm sóc chồng, con… chị đều “khoán” hết cho mẹ chồng. Bà Tâm tâm sự: “Thôi thì vì sự nghiệp và hạnh phúc của con, cháu. Tuy có vất vả một chút”.

Những mẹ chồng lâm vào hoàn cảnh như bà Tâm không phải là hiếm. Hiện nay, có nhiều cô dâu không phải làm việc nhà. Họ bận rộn với công việc cơ quan nên công việc nhà hoặc là giao cho người giúp việc hoặc cho mẹ chồng. Trường hợp của bà Xuân (Hoài Thanh, Hoài Nhơn) cũng vậy. Bà lặn lội vào thành phố chăm lo, quán xuyến mọi việc giúp con dâu theo “yêu cầu” của con trai. Bà vừa lo cơm nước vừa chăm sóc, đưa đón hai đứa cháu đi học. Vậy mà, cô con dâu vẫn lắm khi nhăn mặt khi thấy khẩu vị không vừa ý hoặc những va vấp khi sử dụng những phương tiện hiện đại trong nhà. “Phụ giúp con, cháu mà mình có cảm giác như mình là của nợ, khổ tâm lắm nhưng vì thương các cháu nên ngậm “bồ hòn làm ngọt””. Bà Xuân tâm sự.

Những gia đình “cây độc một trái” thì mẹ chồng càng khốn khó nếu gặp phải người con dâu vụng. Nhà chỉ có hai mẹ con, khi con lấy vợ, cứ tưởng bà Viễn (phường Lý Thường Kiệt, TP. Quy Nhơn) sẽ được nhờ, ai ngờ lại vất vả hơn trước. Cô con dâu quá vụng về. Từ nấu cơm, rửa bát, đi chợ, chẳng làm nên chuyện gì. Sau khi sinh xong, toàn bộ công việc gia đình, con cái, bà Viễn phải gánh vác. Dù vất vả thế nào, bà Viễn cũng chẳng dám than thở. Bà tâm sự: “Hai đứa đều có thu nhập hàng tháng khá cao; vừa mới mua thêm nhà, đất. Mình trách móc nhiều, chúng hờn giận dọn ra riêng thì buồn lắm”.

* Hạt giống yêu thương

Thời nay, phụ nữ đã phần nào được giải phóng khỏi công việc gia đình để đảm đương việc xã hội. Họ không biết rằng mình có thể hiểu biết và thu nhập cao hơn mẹ chồng ngày xưa, nhưng kinh nghiệm làm vợ, làm mẹ chưa nhiều, nếu có cũng nghiêng về lý thuyết. Phần lớn mẹ chồng giờ đây không còn cay nghiệt với nàng dâu. Trái lại có lúc họ còn sợ con dâu. Chuyện nhà bà Tâm sẽ chẳng có gì thay đổi nếu không có ngày bà bị ngã, trật chân, nằm một chỗ cả tháng trời. Mặc dù, cô dâu đã thuê người giúp việc nhưng mọi chuyện trong nhà vẫn rối tinh cả lên. Riêng bà Xuân thì sau một thời gian chịu “ấm ức”, bà bỏ về quê, không thèm nhìn mặt con dâu với lời nhắn dành cho con trai: “mọi chuyện nên nông nỗi này cũng tại vì con không biết dạy vợ vụng”. Trường hợp của bà Viễn thì tồi tệ hơn. Khổ tâm trong một thời gian dài mà không thể bày tỏ cùng ai chuyện gia đình, bà Viễn ngày càng lẩn thẩn hơn. Đến khi anh con trai đưa mẹ đi khám bệnh thì mới “tá hỏa” rằng bà bị bệnh trầm cảm.

Phụ nữ trẻ hiện đại thường bận rộn và căng thẳng, lại không muốn mình bị tụt hậu trong công việc và cuộc sống nên “đảm việc nhà” và “giỏi việc nước” đôi lúc khiến họ quá sức. Nhiều mẹ chồng thông cảm cho con dâu nên gánh vác giúp nhưng không phải vì thế mà nàng dâu cứ phó thác mọi thứ cho mẹ chồng. Mẹ chồng thời nay cũng cần có sự thông cảm về những khó khăn, những áp lực tâm lý của phụ nữ trẻ hiện đại, để có thể trò chuyện với con dâu. Và chỉ khi trò chuyện cởi mở được với nhau, các thế hệ mới xóa dần được khoảng cách tuổi tác.

Với nàng dâu phải biết rằng, dâu thảo thời nào cũng cần quan tâm, chăm sóc cha mẹ chồng lúc khỏe cũng như lúc đau ốm. Nhà thơ Xuân Quỳnh cũng đã từng viết rằng: “Chắt chiu từ những ngày xưa- Mẹ sinh anh, để bây giờ cho em”…

  • Ngân Sa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (05/04/2008)
Người hay quên  (05/04/2008)
Xã hội hóa giáo dục ở Phù Mỹ  (05/04/2008)
Đua đòi, ăn chơi trở thành những tên cướp cạn  (05/04/2008)
Nét “mềm” của sắt  (05/04/2008)
Điểm nhấn nào cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 ?  (05/04/2008)
Thương hoài tiếng “nẫu”  (05/04/2008)
Tuyệt chiêu Phi Long của một dòng họ võ “Tứ đại đồng đường”  (05/04/2008)
Năm của người Anh?  (05/04/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/04/2008)
Một số lễ hội mùa xuân ở Bình Định  (09/03/2008)
Khắc ghi lời Bác dạy!  (09/03/2008)
Mùa xuân hành hương  (09/03/2008)
Sẽ phát huy tác dụng đa chức năng  (09/03/2008)
Sáng lên nghề mới  (09/03/2008)