Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển đi lên, đời sống người dân ngày càng được cải thiện thì người ta chú ý hơn đến nhu cầu lễ lạt gia đình để vui vầy với người thân, bạn bè. Bên cạnh những mâm cỗ gia đình thì một chiếc bánh kem ghi lại ngày kỷ niệm là điều không thể thiếu. Do đó ngày càng có nhiều tiệm bánh kem ra đời, cạnh tranh với nhau lành mạnh về chất lượng và giá cả, cùng nhau thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.
|
Chiếc bánh kem đã hoàn thiện.
|
Hiện nay, ở Quy Nhơn có hàng chục tiệm bánh kem đã có thương hiệu và hấp dẫn một lượng lớn khách hàng. Chẳng hạn các tiệm bánh lớn như: Ngọc Nga, Tinh Hoa, AB, Hồng Ân, Hoàng Yến và rất nhiều tiệm bánh kem khác nữa đều cùng một mục đích là phục vụ “thượng đế” của mình. Nghề làm bánh kem đã có từ những năm về trước được làm bằng nguyên liệu kem bơ, nhưng vào khoảng mười năm trở lại đây khi Tập đoàn Rich’s – một tập đoàn chuyên làm bánh kẹo của Mỹ – đưa loại kem đặc chủng gọi là kem Rich’s vào Việt Nam thì nghề làm bánh kem vụt phát triển và chiếm lĩnh thị trường, vì loại kem này có rất nhiều ưu thế.
Chiếc bánh kem được làm ra là cả một công trình nghệ thuật mà người làm bánh là một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Với trí tưởng tượng phong phú, họ đã tạo nên những chiếc bánh gắn với nhiều hình ảnh thật bắt mắt, hấp dẫn khách hàng đủ mọi lứa tuổi.
Chị Yến, chủ một tiệm bánh kem trên đường Tăng Bạt Hổ, cho biết: “Lúc trước làm bánh chủ yếu là bằng thủ công, ngày nay thì tất cả các công đoạn đều hoàn thành nhờ máy móc. Chẳng hạn một chiếc máy đánh kem khoảng 20 lít (loại trung bình) giá khoảng 15 triệu đồng có thể giúp chị hoàn thành việc đánh kem một cách dễ dàng và nhanh chóng, đồng thời bột nhuyễn và rất đều, không phải tốn nhiều thời gian như trước. Bánh kem thường được làm bằng kem bơ và kem sữa tươi. Dùng kem bơ để làm bánh thì giá cả rẻ hơn nhưng ăn không ngon nên khách hàng ít đặt, họ chỉ chọn loại bánh kem sữa tươi. Và hiện nay trên thị trường, hầu hết các tiệm bánh đều dùng loại kem sữa tươi Rich’s (kem Rich’s là loại kem được tinh chế từ nguyên liệu đậu nành bằng công nghệ vừa gia truyền độc đáo vừa hiện đại tinh vi của ông Rich, một người Mỹ) để chế biến, vì thế giá cả có thể đắt hơn một chút nhưng khách hàng vẫn chấp nhận vì nó ngon hơn kem bơ.
Chị Yến còn cho biết, với nghề làm bánh bông lan đã được học từ quê nhà, chị còn phải cất công vào TP. Hồ Chí Minh để học công nghệ làm bánh kem kiểu mới tại một chi nhánh của Tập đoàn Rich’s. Để vượt qua giai đoạn thủ công ít hiệu quả vì chất lượng kém, ngoài công nghệ đã học được, chị phải đầu tư mua sắm những thiết bị để cơ giới hóa các công đoạn trong quá trình làm nên một chiếc bánh. Đó là máy trộn bột, máy đánh kem, lò hấp bánh, bàn xoay kiểu làm gốm sứ dùng để thao tác bọc, phủ kem lên chiếc bánh đơn hay nhiều tầng, nhiều dạng. Trong các thiết bị nói trên thì máy đánh kem giữ vai trò quan trọng nhất. Nó có nhiệm vụ chuyển sữa Rich’s ở dạng lỏng thành kem có độ nhuyễn mà với cách chế biến thủ công không thể đạt tới. Tất cả những mẫu hình, lớp phù điêu và các họa tiết hoa văn trang trí trên chiếc bánh đều được nặn từ chất kem thơm ngon và nhuần nhuyễn này.
Tất nhiên cái cốt của bánh kem phải là một chiếc bánh bông lan. Một loại bánh xốp ngọt được làm bằng những chất liệu như ta đã biết (bột tinh chế của một loại ngũ cốc cộng với trứng gà, sữa, đường, dầu bơ và một số gia vị và hương liệu cần thiết). Và cốt bánh bông lan cũng gồm nhiều kích cỡ và đường kính to nhỏ khác nhau. Chúng có thể nhỏ bằng miệng chén và rộng hơn vành nón, đường kính có thể đạt tới cả thước, và chúng có thể chồng lên nhau tạo độ cao của một tháp bánh và những kiểu dáng theo yêu cầu của khách hàng.
Bánh kem có rất nhiều hình dáng, mẫu mã khác nhau, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, từ những bữa tiệc sang trọng như lễ cưới, lễ hỏi… đến những bữa tiệc nhỏ như sinh nhật, đầy tháng, thôi nôi… Khách hàng chuộng sử dụng bánh kem vì nó xuất hiện trong hầu hết các buổi tiệc mà giá cả lại hợp với túi tiền của nhiều người. Có nhiều loại bánh kem với nhiều loại kích cỡ khác nhau từ 1 tấc đến 7 hay 8 tấc (tùy theo yêu cầu của khách hàng), giá cả mỗi chiếc bánh từ 10 ngàn đến 100 ngàn đồng và có chiếc trên 1 triệu đồng. Chẳng hạn tiệc sinh nhật thì khách hàng yêu cầu tạo hình ảnh trong 12 con giáp theo tuổi của mình; còn lễ mừng thọ thì có thể hình ảnh những tiên ông, tiên bà đầu tóc bạc phơ cùng nhau chúc thọ hoặc hình ảnh những quả đào tiên xuất hiện rất bắt mắt; nếu là lễ cưới hỏi thì tạo hình những phù dâu, phù rể xinh xắn… Theo từng yêu cầu của khách hàng, người làm bánh sẽ phối hợp thêm nhiều chi tiết nhỏ như chạy viền, chạy chỉ, kẻ chữ, phối màu tạo nên một chiếc bánh kem hài hòa và đẹp mắt.
|
Trang trí hoa văn cho chiếc bánh.
|
Được biết, sở dĩ khách hàng ưa chuộng bánh kem là vì người làm bánh luôn đặt mọi yêu cầu của họ lên hàng đầu. Người đến đặt hàng có thể lựa chọn mẫu mã hợp ý và thỏa thuận giá cả, sau đó nhân viên sẽ giao hàng đến tận nơi. Hiện nay các tiệm bánh còn khuyến mãi thêm nhiều dụng cụ kèm theo như dây hoa, nến… và đặc biệt dịch vụ phát thẻ giảm giá cho những khách hàng thân thiết, còn nếu giới thiệu người quen, bạn bè đến thì được giảm 5 hay 10% trên mỗi chiếc bánh. Một chiếc bánh ngon là nhờ vào độ xốp, dẻo của kem và màu sắc trắng sáng của bánh; nếu khách hàng không thích màu mè sặc sỡ thì tiệm bánh sẽ pha màu nhạt và đơn giản hơn.
Nghề làm bánh kem chủ yếu là lấy công làm lời, hiện nay dù giá cả leo thang vùn vụt nhưng một số tiệm bánh vẫn lấy giá cũ, nếu tăng giá thì số lượng đặt bánh ít dần. Thường người làm bánh muốn thu hút khách nên lấy giá hơi mềm, phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là học sinh, sinh viên các trường đại học và cao đẳng trong thành phố. Họ thường tổ chức sinh nhật, nên có thể đặt làm bánh bất cứ lúc nào qua điện thoại.
Nghề làm bánh kem đã góp phần giải quyết công việc làm cho nhiều người với thu nhập ổn định. Thùy Linh, một thợ làm bánh ở Quy Nhơn, tâm sự: Quê em ở tận Phù Mỹ, quanh năm lao động vất vả, ba mẹ không đủ điều kiện cho em vào đại học, do đó em quyết định chọn cho mình một con đường khác là học nghề làm bánh. Em cho biết, học nghề mới chỉ một năm mà đã được nhận làm thợ tại chỗ với mức lương cũng sống được (khoảng 700 đến 800 ngàn đồng một tháng). Vừa được trả lương hàng tháng, lại vừa được ăn cơm tại tiệm nên số tiền ấy em dành dụm gởi về cho ba mẹ một ít, phần còn lại em có thể chi tiêu và tích góp để sau này có thêm ít vốn về quê mở tiệm. Em nói nghề nào cũng thế, nếu yêu nghề thì chúng ta sẽ thành công, dù em không đi tiếp con đường học vấn của mình nhưng em sẽ thành một thợ làm bánh thực thụ có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
|