Hãy quan tâm nhiều hơn tới trẻ em thiếu may mắn
16:43', 5/4/ 2008 (GMT+7)

“Dành cho trẻ em tất cả những gì tốt đẹp nhất mà mình có” - đó là phương châm được cả xã hội hướng tới từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, từ phương châm đến hiện thực cuộc sống vẫn là một khoảng cách khá xa bởi những khó khăn từ nhiều phía. Tỉnh Bình Định hiện có hàng ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mồ côi, khuyết tật hoặc không nơi nương tựa. Phần lớn số trẻ em này được cộng đồng cưu mang, nhưng không phải tất cả đều được quan tâm chăm sóc một cách đúng hướng.

 

Trẻ em khuyết tật học may.

 

1. Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em xã Cát Hưng, huyện Phù Cát được thành lập từ năm 2005 nhằm giúp đỡ phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật chi, khuyết tật ngôn ngữ ở 3 xã Cát Hưng, Cát Nhơn và Cát Thắng thuộc huyện Phù Cát. Tại đây có hơn 60 trẻ khuyết tật tham gia tập luyện. Người phụ trách và các cộng tác viên ở trung tâm này làm việc rất cố gắng, nhiệt tình, nhưng một điều chưa vui là hiệu quả phục hồi chức năng của trẻ ở trung tâm chưa như mong muốn. Hoạt động đã hơn 3 năm liên tục, nhưng tại trung tâm chỉ có chưa tới 10% trẻ có tiến triển rõ rệt. Nguyên nhân chính là do nhiều bậc phụ huynh chưa thực sự phối hợp và quan tâm đúng mức trong việc tập luyện cho trẻ. Ông Võ Văn Xáng, phụ trách Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em Cát Hưng bức xúc: “Cán bộ và cộng tác viên của trung tâm thì rất nhiệt tình, nhiều khi phải đến tận nhà các em để hướng dẫn gia đình luyện tập cho con em, nhưng khi để các gia đình tự thực hành ở nhà thì hiệu quả lại không cao do không duy trì thường xuyên đều đặn”. Đặc biệt có trường hợp của em Nguyễn Thị Kiều Như, 15 tuổi bị bại não thể co cứng. Mẹ của Kiều Như bị khuyết tật chi nhẹ, nên toàn bộ việc tập luyện cho em đều giao phó cho các cộng tác viên vật lý trị liệu của trung tâm. Kiều Như đã từng có vài cơ hội được phẫu thuật chỉnh hình miễn phí nhưng gia đình đều từ chối vì không sắp xếp được công việc và bé gái đáng thương này đành chấp nhận số phận bởi gia đình không quyết tâm cùng em vượt khó(!). Cũng giống như em Kiều Như, em Nguyễn Thanh Hương 15 tuổi đến tập luyện tại Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em Cát Hưng từ cách đây 3 năm trong tình trạng co cứng. Tuy nhiên do gia đình quan tâm đặc biệt, liên tục tập luyện, đưa đi phẫu thuật chỉnh hình, đến nay Hương đã có thể mang nẹp và bắt đầu tập đi trong niềm hy vọng tràn trề của gia đình. Ông Nguyễn Thanh Bình, cha em Hương xúc động: “Thật may mắn cho những đứa trẻ như con tôi, từ khi trung tâm này ra đời, được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị luyện tập, lại thêm các kỹ thuật viên VLTL nhiệt tình, yêu trẻ nên cháu tiến bộ trông thấy, gia đình tôi quyết tâm dành sự quan tâm đặc biệt cho cháu, mong một ngày cháu sẽ trở lại cuộc sống bình thường”.

Bé trai Trần Thanh Tùng ở thôn Đại Hào, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát bị hở hàm ếch bẩm sinh. Khuyết tật ở vòm họng làm cho Tùng không nói năng được bình thường như các bạn đồng lứa. Dù còn nhỏ nhưng Tùng đã sớm mặc cảm vì sự thiếu may mắn của mình. Chính ông ngoại là người đã đem đến cho Tùng niềm tin được hòa nhập với cộng đồng khi ngày đầu tiên vào lớp một, Tùng được ông đưa đến lớp, gởi gắm nhà trường, dặn dò các bạn không trêu chọc sự khiếm khuyết của Tùng. Chính môi trường sống chan hòa, không kỳ thị đã giúp cho Tùng có được một cuộc sống bình thường và hai năm liên tiếp đều đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến. Hằng ngày, ngoài giờ đi học, Tùng lại đến Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em Cát Hưng để được trị liệu ngôn ngữ.

2. Từ năm 2007, ở Trung tâm bảo trợ xã hội An Nhơn đã có được một phòng học vi tính đầu tiên dành cho trẻ em. Đây là kết quả của quá trình vận động toàn xã hội tham gia giúp đỡ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà Trung tâm đã tiến hành nhiều năm qua. Trẻ em ở đây gồm những đối tượng đặc biệt khó khăn như mồ côi, không nơi nương tựa, khuyết tật. Ngoài việc được nuôi dưỡng, các em còn được khuyến khích học văn hóa, học nghề và học các kỹ năng sống hòa nhập với cộng đồng. Từ trung tâm này, nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã theo học lên đến bậc cao đẳng, đại học, tốt nghiệp ra trường, tìm được việc làm và có cuộc sống như những người bình thường khác. Như anh Nguyễn Hồng Sơn mồ côi cha mẹ, quê ở Vĩnh Thạnh, sống ở trung tâm từ nhỏ đến năm 18 tuổi, được trung tâm cùng các nhà hảo tâm giúp đỡ, Sơn tiếp tục học lên đại học, nay đã tốt nghiệp ra trường và trở thành phó giám đốc một công ty tin học ở Bình Dương. Ông Nguyễn Thanh Châu - Giám đốc Trung tâm - rất phấn khích khi đề cập đến những hoạt động giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hòa nhập cộng đồng: “Tất cả các trẻ em ở trung tâm đều được khuyến khích đi học văn hóa, ngoài ra chúng tôi còn tạo điều kiện tối đa để dạy một số nghề thủ công cho các cháu như nghề may, nghề dệt chiếu… để sau này hòa nhập với xã hội, các cháu đỡ lúng túng trong bước đầu tìm việc. Hằng tháng, trung tâm đều dành các ngày Chủ nhật để tổ chức những hoạt động bồi dưỡng kỹ năng sống cho các cháu. Thường xuyên nhất là các hoạt động văn nghệ, thể thao, học tập nội quy, học nghề và thực hành tổ chức bữa cơm gia đình... Chúng tôi hy vọng sẽ bù đắp được phần nào những thiếu hụt trong đời sống tinh thần của các cháu, giúp các cháu có thêm điều kiện vượt khó vươn lên, hòa nhập với cộng đồng”.

 

Trẻ em khuyết tật ở cơ sở Đồng Tâm hoạt động vui chơi.

 

3. Cách đây 13 năm, một cơ sở nuôi dưỡng, dạy nghề cho trẻ mồ côi, khuyết tật đã ra đời tại TP. Quy Nhơn. Đó là Cơ sở Đồng Tâm, trực thuộc Ban từ thiện - xã hội Báo Bình Định. Cơ sở này hoạt động, phát triển ngày càng lớn mạnh và từ đầu năm 2008 đã trở thành đơn vị độc lập mang tên Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm. Đây là một trong những cơ sở chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do tư nhân đảm nhiệm. Tại đây, các em mồ côi, khuyết tật được học chữ, học nghề, phục hồi chức năng giao tiếp. Tại các lớp học dành cho trẻ câm điếc của trung tâm hiện có gần 20 em đang theo học. Không nghe, không nói được, các em được học tập cách giao tiếp bằng ngôn ngữ riêng, để được tiếp cận và hòa nhập với cộng đồng. Để giúp các học viên có thể tự kiếm sống sau khi đủ tuổi thành niên, trung tâm đã tổ chức dạy nghề thủ công và giới thiệu việc làm cho các học viên. Có khoảng 50% số học viên sau khi rời trung tâm đã có việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân và hòa nhập với cộng đồng. Ông Lê Bá Du, Giám đốc trung tâm cho biết: “Chúng tôi rất tự hào khi được góp sức nhỏ bé của mình vào việc chăm sóc những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chỉ có sự đồng lòng giúp sức của cả cộng đồng thì mới có thể làm nổi công việc khó khăn này”.

4. Ở trường PTTH Cát Hưng, Phù Cát ai cũng biết em Châu Thị Ngọc Thẩm, học sinh lớp 7. Nhìn Ngọc Thẩm rất tự tin, mạnh dạn và linh hoạt trong giờ học ít ai biết rằng chỉ mấy tháng trước đây thôi, Ngọc Thẩm chưa bao giờ đứng được trên đôi chân của mình. Ngay từ lúc mới chào đời, cha mẹ Thẩm đã phát hiện con gái yêu của mình mắc chứng bệnh khuyết tật chi, không thể tự ngồi hoặc vận động. 13 năm có Thẩm trên đời là 13 năm cha mẹ em phải theo sát con trong từng bữa cơm, giấc ngủ và cả lúc đến trường. Từ năm lớp 1 đến năm lớp 6, ngày nào cha Thẩm cũng bế con đi học và mong ước cánh cửa học đường sẽ là nơi giúp bé Thẩm bước vào cuộc đời rộng lớn. Không phụ công lao và sự quan tâm của gia đình, thầy cô, bè bạn, năm 2007, sau 12 năm vất vả kiên trì luyện tập và được phẫu thuật chi, Thẩm đã tự đứng lên, bước đi những bước đầu tiên trong sự vui sướng tột cùng của cả gia đình. Trong niềm hạnh phúc ấy có sự đóng góp công lao rất lớn của cả gia đình, nhà trường, xã hội và của chính Ngọc Thẩm.

Trong số vô vàn những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như Ngọc Thẩm có bao nhiêu em tìm thấy sự may mắn? Có bao nhiêu em vượt qua khó khăn để vươn tới một tương lai tươi sáng? Thật khó để tìm ra những công thức hay lời giải cho bài toán khó này. Chỉ biết rằng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn nhiều lắm và sự may mắn sẽ chỉ đến với các em khi toàn thể xã hội, cộng đồng và gia đình dành cho các em sự quan tâm thường xuyên và đặc biệt.

  • Ngọc Diên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghề làm bánh kem  (05/04/2008)
Mẹ chồng thời nay  (05/04/2008)
Thơ  (05/04/2008)
Người hay quên  (05/04/2008)
Xã hội hóa giáo dục ở Phù Mỹ  (05/04/2008)
Đua đòi, ăn chơi trở thành những tên cướp cạn  (05/04/2008)
Nét “mềm” của sắt  (05/04/2008)
Điểm nhấn nào cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 ?  (05/04/2008)
Thương hoài tiếng “nẫu”  (05/04/2008)
Tuyệt chiêu Phi Long của một dòng họ võ “Tứ đại đồng đường”  (05/04/2008)
Năm của người Anh?  (05/04/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/04/2008)
Một số lễ hội mùa xuân ở Bình Định  (09/03/2008)
Khắc ghi lời Bác dạy!  (09/03/2008)
Mùa xuân hành hương  (09/03/2008)