Đã có một thời Công ty Thực phẩm xuất nhập khẩu Lam Sơn, đơn vị tiền thân của Công ty TNHH Thực phẩm xuất nhập khẩu Lam Sơn (CT Lam Sơn) gặp rất nhiều khó khăn do làm ăn không hiệu quả. Thời gian gần đây, nhờ những cách làm mới, đơn vị đã dần khẳng định được vị thế, sản xuất kinh doanh (SXKD) có hiệu quả và là một trong số ít DN đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của ngành chế biến thủy sản xuất khẩu tỉnh nhà.
|
Một góc phân xưởng chế biến hàng thủy sản xuất khẩu của Công ty Lam Sơn.
|
* Năng động vượt khó
Tháng 10.2006, CT Lam Sơn chính thức hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên. Hoạt động theo mô hình mới đã đặt ra cho đơn vị nhiều thuận lợi, nhưng cũng có không ít thách thức do còn phải giải quyết những tồn tại của đơn vị tiền thân. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và năng động của ban giám đốc, của đội ngũ cán bộ công nhân viên, CT Lam Sơn cũng dần vượt qua thời kỳ bão táp vươn lên phát triển mạnh mẽ. Ngay từ những ngày đầu mới chuyển thành công ty TNHH, CT Lam Sơn đã nhanh chóng ổn định tổ chức, bố trí và sắp xếp lao động cho phù hợp với năng lực, chuyên môn của từng cá nhân sao cho bộ máy hoạt động một cách tốt nhất. Bà Huỳnh Thị Lệ Thủy - Giám đốc CT Lam Sơn - tâm sự: “Lao động cũ, nhà máy, thiết bị hầu hết là đồ cũ nhưng DN hoạt động theo phương thức mới. Bởi vậy, để hoạt động SXKD đạt hiệu quả, đòi hỏi chúng tôi phải thay đổi cách thức làm việc sao cho phù hợp với tình hình mới”.
Nhờ năng động, tiên lường khá chính xác diễn biến, nhu cầu của thị trường cũng như nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động chế biến, đơn vị đã thiết lập được quan hệ với nhiều khách hàng mới trong việc tiêu thụ cũng như thu mua nguồn nguyên liệu. Thời gian gần đây, giá xăng dầu tăng và sự sụt giảm sản lượng hải sản đánh bắt đã đẩy nguồn nguyên liệu hải sản tăng cao, dẫn đến sự cạnh tranh thu mua nguyên liệu giữa các DN ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, tỷ giá USD đang giảm mạnh, điều này gây bất lợi cho các DN xuất khẩu, vì ngoại tệ thu về phải đổi sang tiền Việt Nam để thu mua nguyên liệu. Chính từ sự chênh lệch tỷ giá của đồng USD, đã gây ảnh hưởng lớn đến DN hoạt động xuất khẩu như CT Lam Sơn. Tuy vậy, thời gian qua công ty vẫn quyết tâm đẩy mạnh hoạt động SXKD với hướng đi phù hợp và đạt hiệu quả cao.
Bà Huỳnh Thị Lệ Thủy cho biết: “Trong tình hình nguyên liệu ngày một khan hiếm như hiện nay, việc đi sâu vào chế biến những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, vừa tiết kiệm nguồn nguyên liệu, vừa nâng cao giá trị và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Bởi vậy, một mặt công ty đưa ra yêu cầu thị trường nước ngoài xem xét tăng giá để bù vào sự giảm giá của đồng USD, mặt khác, phấn đấu tăng năng suất các mặt hàng chiến lược của đơn vị để tăng tính cạnh tranh trên thị trường và ổn định hoạt động SXKD. Ngoài ra, công ty còn tìm cách tăng giá trị xuất khẩu, để tăng giá thu mua nguyên liệu cho ngư dân”.
Hiện nay, cùng với việc củng cố các đầu mối nguyên liệu trong tỉnh, công ty đã chủ động đi tìm mua nguyên liệu từ các tỉnh bạn về dự trữ ở các kho lạnh của đơn vị, đảm bảo cho nhà máy hoạt động liên tục, đúng với công suất thiết kế. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cũng được đặt lên hàng đầu. Công ty đã tích cực tham gia các hoạt động hội thảo, hội chợ, triển lãm của ngành, của tỉnh. Qua đó đã tìm kiếm thêm được nhiều khách hàng từ các nước Mỹ, Nhật Bản, EU...
* Những kết quả bước đầu
Sau gần 2 năm chuyển đổi mô hình mới, hoạt động của CT Lam Sơn dần đi vào ổn định và phát triển. Hiện nay, phần lớn sản phẩm của đơn vị đã xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường khó tính, với các mặt hàng thành phẩm, cung cấp cho các siêu thị ở nước ngoài, nên giá trị của sản phẩm cao hơn so với trước. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của đơn vị thời gian gần đây tăng trưởng khá nhanh. Năm 2007, KNXK của đơn vị đạt 4,6 triệu USD, tăng 20% so với năm 2006 và 3 tháng đầu năm 2008, đạt trên 1,5 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2007.
SXKD ổn định và ngày càng phát triển, nhờ đó đời sống của cán bộ, công nhân viên trong đơn vị ngày càng được nâng cao. Hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động khoảng 1 triệu đồng/người/tháng, tăng 400.000 đồng/người/tháng so với năm 2006, tuy chưa cao nhưng cũng là sự thay đổi tích cực. Ngoài ra, người lao động còn được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách như: được mua bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm y tế và các chế độ bảo hộ khác…
Hiệu quả đạt được của CT Lam Sơn trong thời gian qua không chỉ thể hiện qua mức lương công nhân, KNXK, mà còn ở những giá trị vô hình khác. Hiện hầu hết công nhân đều gắn bó trách nhiệm của mình với lợi ích chung của công ty, nên tình trạng biến động lao động trong đơn vị ít diễn ra. Đây chính là nét mới và là động lực quan trọng thúc đẩy hoạt động SXKD của công ty phát triển. Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động SXKD, CT Lam Sơn đang tập trung củng cố và nâng cấp, trang bị máy móc dụng cụ cần thiết, đào tạo tay nghề cho công nhân nhằm tăng chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, đơn vị cũng tăng cường công tác xúc tiến mở rộng thị trường để tăng giá trị xuất khẩu và hạn chế rủi ro trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.
Riêng trong năm 2008 này, công ty sẽ xây dựng thêm một kho lạnh và đầu tư thêm nhiều máy móc, thiết bị công nghệ mới như máy phân cỡ, dây chuyền IQF, dây chuyền cấp đông nhanh… để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, mục tiêu mà đơn vị đặt ra trong năm 2008 này là: KNXK đạt 5 triệu USD, thu nhập bình quân của nguời lao động đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng.
|