Xe qua An Nhơn, tôi bỗng nhớ các nhà thơ “Tứ hữu Bàn Thành” Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn. Bốn khuôn mặt tài hoa lịch lãm đó đã làm nên trường thơ Bình Định bất hủ và chính họ đã làm nên một mùa xuân kỳ diệu và vầng trăng huyền ảo của thi ca Việt Nam, thi ca Bình Định.
|
Cửa Đông thành Bình Định. Ảnh: Phạm Văn Chai
|
Nhà thơ Lưu Trùng Dương có lần đã từng thốt lên “Trăng Hà Nội cũng như trăng Bình Định, trăng có dừa mới thật là trăng”. Vầng trăng và mùa xuân Bình Định trong thơ của các nhà thơ Tứ hữu Bàn Thành mới diễm huyền và hư ảo làm sao, như bóng dáng tiên nga, ẩn hiện trong cung đền, trong cung bậc u huyền của vũ trụ và con người.
Từ buổi chiều đưa khách thuận dằm
Trông chừng bến cũ biệt mù tăm
Cảm thương chiếc lá bay theo gió
Riêng nhớ tình xưa ghé đến thăm
(Tình Xưa)
Hay:
Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách
Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách
Ông lái buồn để gió đến mơn râu
(Bến My Lăng)
Trước Tết năm 1989, tôi được gặp Chế Lan Viên, Yến Lan ở nhà Quách Tấn tại chợ Đầm Nha Trang, mới biết cái bến cũ trong “Tình Xưa” là bến đò An Thái, bên kia sông là quê hương của tác giả và bến My Lăng là bến đò Trường Thi, phía Nam thành Bình Định.
Người Bình Định thường tâm sự với nhau “chỉ vài câu thơ, một bài tứ tuyệt, một bài thơ hay bài từ khúc, các nhà thơ xứ “nẫu” đã vẽ nên một giang sơn cẩm tú đầy vẻ kiêu sa với đền đài, lăng tẩm, thành quách, núi sông, di tích làm xao động lòng người”. Thiên nhiên, đất nước quyện với lòng người tạo nên một tâm hồn cao đẹp, giàu có, mã thượng và đa tình. Bài thơ “Bình Định 1935” của Yến Lan đã miêu tả được nét đặc sắc đó của người Bình Định.
Đây là chốn nương hoa và cậy nguyệt
Đang chờ xe non nước ước mong thuyền
Tịch dương liễu không biết mình đang biếc
Tương tư trời tương tư nhạc triền miên…
Ở nước ta, nhiều nơi có đá vọng phu, song vọng phu ở núi Bà Bình Định với hai bài vịnh của thi sĩ Quách Tấn, có thể nói đã trở nên bất hủ, tuyệt vời trong kho tàng thi ca của đất nước.
Chồng đi biệt tích tự bao giờ
Một góc trời riêng, một dạ chờ
Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp
Tóc thề mây núi bạc phơ phơ
Non chồng nghĩa nặng cao vòi vọi
Nước vướng tình sâu chảy lững lờ
Dâu bể đã bao đời kiếp trải
Lòng son một tấm mãi trơ trơ
Người đã không về tin cũng không
Đầu non dắt trẻ đứng trông chồng
Nước mây quạnh vắng tròng khô lệ
Mưa nắng phôi pha má lợt hồng
Lời thề vững ghi lòng sắt đá
Khối tình riêng nặng gánh non sông
Nỗi niềm ai biết không ai biết
Gương nguyệt nghìn thu rạng biển Đông
Có lẽ tình cảm chân thành sâu sắc và sự rung động mãnh liệt của thi nhân đã dệt nên những vần thơ tuyệt tác và đọng mãi với thời gian. Nó chính là màu thời gian của thi nhân Bình Định.
Đọc Quách Tấn, ta mới hiểu vì sao Yến Lan viết được bài thơ “Bình Định 1935” hay đến như vậy. Nếu đất nước và con người Bình Định trong thơ của họ Quách kiêu sa, mộng ảo và huyền hoặc như một vết nhòe dưới ngòi bút tài hoa của một họa sĩ thiên tài; thì trong thơ Yến Lan, lại được khắc họa tinh tế từng nét, từng mảng của một nhà điêu khắc tài ba đầy ấn tượng trên đá hoa cương.
Khi viết giới thiệu tập thơ Mùa Cổ Điển của Quách Tấn, nhà thơ Tản Đà đã so sánh ông ngang với thơ Yên Đỗ; còn Văn Cao đánh giá Yến Lan có nghệ thuật thơ vào loại số một của Việt Nam. Năm 1984, nhạc sĩ Văn Cao đã nói với tôi “Trong bài thơ Quy Nhơn 2, tôi xếp Yến Lan trên các nhà thơ khác, là có dụng ý của tôi”.
|
Một góc thị trấn Bình Định. Ảnh: V.T
|
Không phải Quy Nhơn đẹp
Các nhà thơ tôi đọc
Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Xuân Diệu…
Ôi Quy Nhơn hằng mơ
(Văn Cao, Quy Nhơn 2)
Còn tôi thì hiểu, không phải ngẫu nhiên trong những năm tháng khổ đau, dằn vặt của bậc thiên tài, năm 1984, Văn Cao đến Quy Nhơn lại viết nên một lúc ba khúc ca về Quy Nhơn hay đến thế.
Một nửa hình con trai
Ngày
Lấp lánh sắc cầu vồng
Một nửa mình trăng
Đêm
Nằm nghiêng trên bãi cát
Chỉ có thiên tài mới vẽ được Quy Nhơn có 21 từ mà sống động, mà kiêu sa, mà hấp dẫn, mà lịch lãm dường ấy.
Trường thơ Bình Định còn là nơi hội tụ và mời gọi những thi nhân chân chính tài hoa. Một Bích Khê đã đến Quy Nhơn và bị mê hoặc bởi vầng trăng và mùa xuân xứ “nẫu” để cùng Tứ hữu Bàn Thành làm nên một trường thơ Bình Định vừa hiện thực, vừa lãng mạn, siêu thực. Sau này, các nhà thơ của Tứ hữu Bàn Thành vẫn tiếp tục cuộc hành trình đi tìm cái mới. Dưới ánh sáng cách mạng, họ được tự do bay bổng và sáng tạo trong bầu trời nghệ thuật, đưa thi ca đến những đỉnh mới đầy sáng tạo và hấp dẫn. Đó là những tác phẩm của Chế Lan Viên, của Yến Lan trong thời kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Các nhà thơ của Tứ hữu Bàn Thành đã góp phần làm nên một Bình Định xứ sở của thi ca.
|