Những ngày đầu giải phóng, hòa trong không khí ngập tràn niềm vui chiến thắng, hoạt động văn nghệ quần chúng ở Quy Nhơn cũng nhộn nhịp và rộn ràng. Trong đó, sôi nổi nhất là phong trào tập hát những bài ca cách mạng.
|
Một buổi biểu diễn văn nghệ sau ngày giải phóng. Ảnh: T.X
|
Ở từng khóm phố, thanh niên tập hợp nhau lại để cùng tập hát những bài ca có giai điệu hào hùng rực lửa như: “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Bão nổi lên rồi”, “Giải phóng miền Nam”… Những “hạt nhân ca hát” trong học sinh, sinh viên bấy giờ, cũng như những “ca sĩ” cũ thì tìm những bài hát đơn ca để tập luyện.
Khác hẳn với dòng âm thanh rên rỉ, ủy mị phát ra rả trước đó từ những cái loa công cộng của chính quyền Sài Gòn, trong tiếng đàn ghita bập bùng, dòng âm nhạc lạc quan, yêu đời, hào hùng đậm chất “anh hùng ca” hòa với niềm vui sướng, tự hào của người dân vừa hưởng trọn những ngày hòa bình, càng làm cho phố phường thêm rộn ràng.
Hồi ấy, phương tiện nghe nhìn chủ yếu là loa truyền thanh. Đây cũng là phương tiện phổ biến chính những ca khúc cách mạng. Tuy nhiên, lối hát “cộng minh” vốn khá lạ lẫm đối với anh chị em chúng tôi. Khổ nhất là các anh chị đã quen với lối hát “bản thanh”, có âm thanh thì hát hay, không có âm thanh thì “chịu”. Do vậy, đi tìm bài ca cách mạng thời ấy đã là kỳ công, nhưng để hát thành công thì việc tập luyện cũng vô cùng vất vả. May mắn và thuận lợi cho những ai trong lứa anh chị em chúng tôi thời ấy là trước đó, đã tiếp xúc với những ca khúc cộng đồng, những ca khúc có giai điệu rộn ràng, viết về quê hương của những tác giả đã chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi những bài ca cách mạng. Những người hát dạng ca khúc ấy dễ dàng làm quen với những ca khúc cách mạng và thường được giải trong các hội diễn văn nghệ quần chúng.
Do ca khúc cách mạng lúc ấy chưa được in ấn rộng rãi, nên song song với việc đi tìm những bài ca cách mạng để tập luyện và để hát, chúng tôi phải chọn những bài ca có tiết tấu hào hùng, sôi nổi, có nội dung ca ngợi đất nước, quê hương, lịch sử hào hùng của dân tộc được viết từ thời kỳ đầu của tân nhạc như: “Bạch Đằng giang”, “Lên Đàng”, “Tiếng gọi sinh viên”… đồng thời, chọn lại những bài hát viết trong phong trào sinh viên học sinh như: “Hát cho dân tôi nghe”, “Ôi tổ quốc ta đã nghe”, “Dậy mà đi”, “Tự nguyện”, “Nối vòng tay lớn”… mà trước đó chúng tôi hát vang trong những cuộc “xuống đường” đấu tranh đòi hòa bình của sinh viên, học sinh miền Nam.
|
Hội diễn văn nghệ với những ca khúc cách mạng. Ảnh: Thục Quyên
|
Chúng tôi hòa vào những ca khúc cách mạng nhanh không thể tưởng. Đến nỗi, mấy người bạn tôi ở xa về thốt lên rằng: “…ngày xưa chúng mày hát nghe mượt mà nhưng ủy mị, vàng vọt là vậy, sao bây giờ nghe nó hùng hồn, thôi thúc làm sao?”. Người thì hát: “Sông Đakrông mùa xuân về”, người thì “Anh quân bưu vui tính”, có chị say sưa “Cánh chim báo tin vui” hay “Bóng cây Kơ nia”, có anh hát: “Lời anh vọng mãi ngàn năm” hay “Cùng anh tiến quân trên đường dài”. Những bài hát được hát nhiều nhất hồi ấy là: “Đường chúng ta đi”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Tình ca”, “Hà Nội niềm tin yêu hy vọng” hay “Cô gái vót chông”, “Người con gái sông La”, “Bến cảng quê hương tôi”, “Tiểu đoàn 307”… Bên cạnh đó, chúng tôi còn tập những bài song ca như: “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây”, “Trước ngày hội bắn”… Nhưng do điều kiện tập hát theo kiểu truyền miệng, nên nhiều khi không chuẩn xác so với bản nhạc. Vậy mà người nghe họ sẵn sàng tha thứ vì một lẽ: hát nhạc cách mạng không phải ai cũng hát được.
Mãi đến sau đó một vài năm, khi những ca khúc này mới được in và xuất bản, người hát có điều kiện tập luyện để hát chuẩn hơn. Lúc ấy lối hát “cộng minh” theo kiểu “Ôpêra Trung Quốc” đã bắt đầu nhường chỗ cho lối hát “tròn vành rõ chữ” đầy truyền cảm.
Giờ đây hơn 30 năm, kỷ niệm về những ngày đầu tập hát những bài ca cách mạng vẫn nguyên vẹn trong chúng tôi. Bây giờ tuy trong cơ chế thị trường với đa phương tiện nghe nhìn, đa chiều về những dòng âm nhạc, nhưng những bài ca cách mạng vẫn có chỗ đứng vững vàng trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, cũng như trong lòng chúng tôi và trong lòng mỗi người dân Việt. Hát được những bài ca cách mạng sau chiến thắng lịch sử 30.4 của dân tộc thật là một điều may mắn đối với chúng tôi.
|