Cuối tháng 3 năm 1975, tôi- đứa bé 10 tuổi- đang là học sinh ở thị xã Quy Nhơn. Má tôi bán cá ở chợ Khu Sáu, ba tôi là y tá quân đội ngụy. Trưa hôm ấy, ba tôi hổn hển chạy về nhà như một cơn gió, cởi bộ đồ ngụy quân vứt xuống đất, giọng mừng rỡ nhưng dứt khoát:
|
Họp bàn chiến dịch chuẩn bị giải phóng Quy Nhơn. Ảnh tư liệu
|
- Cả nhà chuẩn bị nhanh lên. Đi khỏi đây ngay!
Từ dười bếp, má hốt hoảng chạy lên hỏi dồn:
- Đã đến mức này rồi sao? Đi liền hay đợi xe đến chở? Mà ông tính đưa gia đình mình đi tới đâu vậy?
- Về quê chứ còn đi đâu nữa. Bà muốn di tản tới Sài Gòn chắc?
Má bàn với ba:
- Nhà mình đông con phải tìm nơi yên ổn ở một thời gian rồi tính tiếp. Hay là mình vô nhà cậu trong Phan Rang. Đó là quê hương ông Thiệu, dù sao ổng cũng phải giữ cho bằng được…
- Có trời xuống đây cũng không giữ được! Không đi đâu hết, cả gia đình về quê!
Sau này có dịp, tôi hỏi ba:
- Sao lúc đó ba vui mừng và quyết định nhanh như vậy?
Ba nhìn mấy anh em tôi một lượt, giọng trầm ngâm:
|
Mít tinh mừng giải phóng Quy Nhơn. Ảnh tư liệu
|
- Trong số các con, có đứa không biết hoặc không nhớ. Riêng ba, ba nhớ như in một buổi sáng cuối năm 1966. Vừa mới hừng đông, ba đang đổ đó bắt cá ngoài đìa. Bỗng đâu, hàng loạt pháo từ quận lỵ nối đuôi bay xuống, pháo từ ngoài biển nã vô, máy bay L.19 vòng vèo, trực thăng phành phạch đổ quân… Ba vừa ôm con Út chưa đầy tháng vào lòng, vừa xua mọi người chạy ra bờ suối sau nhà. Hôm ấy, một gia đình gần nhà mình dính trọn trái 105 li, cả nhà chỉ có một người may mắn còn sống do đã đi chợ từ sớm. Bấy giờ nội con đã yếu lắm rồi, các con thì quá nhỏ. Ba không đủ can đảm trụ lại quê hương như những gia đình khác. Đến nơi tản cư được mấy ngày, ba bị bắt lính ngay. Có bao nhiêu vàng của nội để lại, má con gom hết lo lót bọn chỉ huy để giữ mạng sống của ba đến hôm nay. Tuy đi lính cho ngụy nhưng ba biết chắc sẽ có ngày chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, quân ngụy sẽ bị quân Giải phóng đánh bại. Từ lúc còn sự hiện diện của nửa triệu quân Mỹ ba đã thấy điều đó, huống chi bây giờ Mỹ đã rút, ngụy bị đánh tới tấp khắp nơi. Mười năm ở Quy Nhơn mà quê hương luôn trong tâm trí ba. Ba nhớ những người còn đang ở quê, nhớ cây dừa trước ngõ nhà mình…
… Chúng tôi đi ngược trở ra, về hướng Phù Mỹ. Đi ban ngày và cả ban đêm. Cứ lúc nào yên ắng là kéo nhau đi. Cái nắng chát chúa tháng Ba làm mọi người luôn cảm thấy khát và mệt. Cũng may là má tôi đã thủ sẵn lương thực cho cuộc hồi hương. Và cái may nữa là gia đình tôi chẳng có tài sản gì ngoài mấy bao sách vở, quần áo. Tận mắt tôi chứng kiến một cảnh cướp bóc rùng rợn giữa thanh thiên bạch nhật. Tình cờ toán lính thất trận phát hiện có bà cụ đem theo bên mình một ăng- gô vàng. Sau cái chết của bà cụ là hàng chục mạng người nữa. Hễ ai sở hữu được lon vàng đó lập tức bị kẻ khác bắn chết. Không biết cuối cùng có ai lấy được số vàng đó cho riêng mình hay không?
Đêm. Trời dịu lại nhưng hiểm nguy càng lớn hơn. Thỉnh thoảng tiếng súng rộ lên, những vệt đạn không biết từ đâu chíu chíu bay qua đầu, những đoàn xe chở quân cắm đầy lá ngụy trang vun vút lao qua. Chốc chốc, có mấy chiếc T.54 ầm ầm chạy tới, nhiên liệu cháy không kịp phun ra những tia sáng tung tóe. Trên trời, máy bay quân ngụy gầm rú, tung pháo sáng. Chúng có thể cắt bom bất cứ lúc nào! Thấy một xác người nhầy nhụa trên đường, tranh thủ xe sau chưa tới, ba tôi kéo cái xác xuống lề đường: một xác lính ngụy. Sau này tôi biết thêm, có nhiều gia đình đã nằm lại trên đường về quê trong những giờ khắc cuối cùng của cuộc chiến này. Vì bom rơi trên cầu, vì đạn lạc của hai phía, vì đạn của đám lính hôi của trên đường di tản…
|
Bãi biển Quy Nhơn 31.3.1975. Ảnh tư liệu
|
Đến quê hương. Trước mắt chúng tôi là một cảnh tượng hoang tàn, khét lẹt mùi chiến tranh. Rải rác đó đây những chiến xa bị bắn cháy, những vỏ đạn vàng chóe và cả những ống xương, sọ người ló lên sau nhát cuốc vỡ đất trồng khoai. Xóm làng xơ xác, cây dại um tùm. Cả rừng dừa cây cụt ngọn, cây ngã đổ, chi chít trên thân cây những vết đạn, mảnh pháo. Với những đứa trẻ như tôi thì cái gì cũng lạ lẫm. Vừa thích thú vừa sợ sệt. Trưa hè nắng gắt được tắm dưới hố bom thật mát mà sao mặt nước cứ xanh dờn dợn. Tiếng chim kêu trong đêm nghe như tiếng người đang dọa nhát trẻ con. Thằng bạn tôi nghịch ngợm đập chơi trái lựu đạn vừa nhặt được đã mãi mãi ra đi trong tiếng khóc thảm thiết của má nó.
Ban đầu, gia đình tôi phải sống trong sự xa lánh, dè bỉu của những người bám trụ. Nhưng dần dần tình làng nghĩa xóm đã làm phai đi ở họ nỗi ác cảm đó. Rồi những năm gian khó liên tiếp thời hậu chiến, ai cũng phải lo miếng cơm manh áo cho gia đình mình. Anh em chúng tôi lại đến trường, cùng học hành, vui chơi với bè bạn, cùng hát những bài hát về cách mạng, về Bác Hồ kính yêu.
|