Những năm qua, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn huyện Hoài Ân phát triển mạnh. Trong đó, nổi bật nhất là phong trào tập luyện và thi đấu bóng chuyền.
|
Một trận thi đấu trong khuôn khổ Giải Bóng chuyền Nữ CNVC-LĐ huyện.
|
Theo số liệu của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao Hoài Ân thì đến nay toàn huyện có 75 thôn có sân bóng chuyền, 15/15 UBND các xã và 30 cơ quan, cơ sở trường học có xây dựng sân bóng chuyền. Có hàng trăm đội bóng chuyền ở mọi lứa tuổi đã hình thành ở xóm, thôn; các cơ quan, trường học trong huyện.
Trước đây, người ta vẫn nghĩ bóng chuyền là môn thể thao dành cho nam giới. Tuy nhiên hiện nay, ở Hoài Ân, đã có hàng trăm chị em tham gia tập luyện và thi đấu bóng chuyền. Chính vì vậy, nhiều năm qua, giải bóng chuyền nữ CNVC-LĐ toàn huyện đã được duy trì và thu hút rất nhiều chị em tham gia. Chẳng hạn, năm 2008, Giải Bóng chuyền Nữ CNVC-LĐ huyện đã thu hút 19 đội tham gia. So với những năm trước, số lượng đội tham gia như vậy đã tăng hơn gấp đôi. Đây cũng là giải đấu được đánh giá là sôi nổi, với nhiều pha bóng hấp dẫn, nhiều trận thi đấu gay cấn. Nổi bật là các đội bóng chuyền: Trường PTTH Hoài Ân, Phòng GD-ĐT, khối Đảng, xã Ân Mỹ, xã Ân Hảo Đông. Có những đội tuy mới lần đầu tiên tham gia giải như Phòng Y tế huyện, nhưng cũng đã để lại nhiều ấn tượng cho người xem.
Điều đáng ghi nhận nhất vẫn là tinh thần tập luyện, thi đấu của chị em. Họ đã thi đấu hết mình để khẳng định: đối với chị em phụ nữ, bóng chuyền là một môn thể thao bổ ích để rèn luyện sức khỏe; đồng thời, góp phần vào sự phát triển của phong trào vì “sức khỏe cộng đồng”.
Còn Giải Bóng chuyền nam, một giải đấu được tổ chức định kỳ hàng năm, thì thực sự đã thu hút mọi lứa tuổi tham gia. Năm nay, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3) và Ngày Thể thao Việt Nam (27.3), Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao cùng với Huyện Đoàn Hoài Ân đã tổ chức giải mang tên Giải Bóng chuyền Thanh niên. Giải có số lượng VĐV tham gia đông nhất từ trước đến nay, với 19 đội đăng ký. Đáng chú ý là có ba đội bóng ở ba xã vùng cao Bok Tới, Đak Mang, Ân Sơn lần đầu tiên tham gia thi đấu.
Ngay từ vòng bảng, giải đã diễn ra hấp dẫn, gay cấn trên bốn cụm sân: Ân Tín, Ân Phong, Ân Tường Tây và Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện. Điểm nổi bật là giải năm nay đã xuất hiện nhiều cá nhân xuất sắc trong lối chơi chuyền hai, tấn công, phòng thủ. Nhiều đội bóng đã xây dựng được lối đánh kỹ thuật, chiến thuật hiệu quả, nên đã tạo ra những trận đấu đồng đều, lôi cuốn người xem. Chẳng hạn các đội: thị trấn Tăng Bạt Hổ, xã Ân Nghĩa, xã Ân Hảo Đông, Công an K18, Công an huyện. Tuy nhiên, cũng có những đội bóng không giữ được truyền thống đội mạnh như xã Ân Tường Đông, xã Ân Tường Tây, xã Ân Hữu, xã Ân Tín...
Thực tế phong trào tập luyện, thi đấu bóng chuyền ở Hoài Ân cho thấy: để đẩy mạnh phong trào tập luyện thể dục thể thao ở mọi lứa tuổi, ngoài những môn thể thao truyền thống, cần phát triển thêm những môn thể thao mới; trong đó, chú trọng xây dựng và phát triển môn bóng chuyền. Bởi bóng chuyền là một môn thể thao dễ chơi, yêu cầu cơ sở vật chất sân bãi không quá cầu kỳ, điều kiện tập luyện đơn giản, dễ tuyển chọn VĐV thi đấu. Bên cạnh đó, để phong trào phát triển rộng khắp, cần có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền địa phương. Trong đó, cần chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống sân bãi, nhất là sân bóng chuyền ở các xóm, thôn. Có thể xem sân bóng chuyền như một thiết chế bắt buộc trong các thiết chế văn hóa - thể thao khi xét chấm điểm ở các làng văn hóa hàng năm.
|