Ở trọ trần gian
19:38', 30/4/ 2008 (GMT+7)

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Cứ mỗi một lần nghe nhạc của Trịnh Công Sơn là một lần tôi lại có thêm một cảm xúc mới hơn, một chiêm nghiệm sâu xa hơn. Tôi hiểu nhạc của ông là triết lý, là hơi thở rất riêng cho mỗi con người và chung cho cuộc sống. Mỗi ca khúc là một cuộc chuyện trò với những góc khuất riêng trong trái tim mỗi con người. Thế mà vẫn giản dị lắm thay!

“Con chim ở đậu cành tre. Con cá ở trọ trong khe nước nguồn… í a… í a… ì à… a…”. Những dòng lục bát mộc mạc đem kết hợp với nhịp điệu gọn và tươi vui nghe như vừa thoảng qua một khúc đồng dao hay làn điệu dân ca nào đó. Ca từ “ở trọ”, “ở đậu” được nhạc sĩ lặp lại như ngẫu nhiên, như hữu ý.

“Sương kia ở đậu miền xa/ Cơn gió ở trọ bao la đất trời”; “Mây kia ở đậu từng không/ Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người”; “Trăm năm ở đậu ngàn năm/ Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn”… Vậy đó, sương kia sẽ không còn lưu hình hài của giọt khi cả đời chúng chỉ biết “ở đậu” thế kia. Và cơn gió nào có thể lưu lại chốn này khi trời đất bao la là vậy! Làn mây này, ngươi tượng hình nơi từng không ấy được cùng với ai, khi chẳng bao giờ thôi thú phiêu bồng nơi này, chốn nọ? Cứ như bao nhiêu mưa nắng vội vụt qua mắt người. Như bóng đêm phút chốc chợt cô liêu khi nỗi buồn tan biến.

Vậy đó, cuộc sống này, mọi thứ đều có ở trong nhau, nhưng đến trọn đời thì nào có thể. Đó cũng là chút triết lý, chút dự cảm chia xa mà ta thường bắt gặp trong những ca khúc của nhạc Trịnh Công Sơn như: “Buồn vui kia là một” (Nguyệt ca), “Trong nắng vàng chiều nay. Em nghe buồn mình trên ấy” (Nhìn những mùa thu đi), hay “Từ lúc đưa em về, là biết xa nghìn trùng” (Như cánh vạc bay)...

Vũ trụ “trọ” trong nhau như vậy, còn con người? “Nhân gian về trọ nhiều nơi/ Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng”; “Tim em người trọ là tôi/ Mai kia về chốn xa xôi cuối trời”; “Xin cho về trọ gần nhau/ Mai kia dù có ra sao cũng đành”…

Không ít người nói đến Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ của tình yêu. Và tình yêu trong “Ở trọ” được nói đến thật dung dị, nhẹ nhàng nhưng thẳm sâu và mãnh liệt. Không là muôn đời, không là mãi mãi, chỉ “trọ” vào trong nhau thì người ơi cũng xin được một lần. Bởi vì rằng chốn trần gian này, người và tôi cũng chỉ là kẻ trọ” “Tôi nay ở trọ trần gian. Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”. Và như thế, vì lẽ gì không “trọ” vào nhau khi từng ngày mai đang đến.

Vũ trụ, con người, tình yêu là thế. Mãi đi cắt nghĩa cho chúng, Trịnh Công Sơn chợt nhận ra mình đang rơi vào vòng lẩn quẩn đáng yêu “Ơ hay là một vòng xinh”. Để rồi ông nhận ra “tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời”.

Còn tôi, sau khi nghe xong “Ở trọ” tôi ước muốn rằng được trọ mãi giữa nhân gian. Và chợt thèm một ai đó nói rằng: “Tim tôi người trọ là em”.

  • Hồ Kim Chi
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đôi điều ghi nhận  (30/04/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (30/04/2008)
“Tháng Ba nồm rộ”(1)  (05/04/2008)
Những nỗ lực trong công tác giữ gìn trật tự ATGT  (05/04/2008)
Ký ức 31 tháng 3  (05/04/2008)
Tuổi trẻ Quy Nhơn với công trình “Bóng mát vì đàn em thân yêu”  (05/04/2008)
Nhớ những ngày đầu hát bài ca cách mạng  (05/04/2008)
Qua Bình Định nhớ Tứ hữu Bàn Thành  (05/04/2008)
Ngày mới ở Công ty Lam Sơn  (05/04/2008)
Cá cảnh - đằng sau một thú chơi tao nhã  (05/04/2008)
Hãy quan tâm nhiều hơn tới trẻ em thiếu may mắn  (05/04/2008)
Nghề làm bánh kem  (05/04/2008)
Mẹ chồng thời nay  (05/04/2008)
Thơ  (05/04/2008)
Người hay quên  (05/04/2008)