33 năm sau ngày giải phóng, nhìn lại thành phố thân yêu này, hẳn mỗi người Quy Nhơn, không ít thì nhiều, đều cảm thấy tự hào về những đổi thay của nó. Sức trẻ của thành phố, hiện hình qua những con đường như nối dài thêm bước chân, với những khu phố mới dần mọc lên. Những sự đổi thay tuy âm thầm nhưng bền bỉ ấy, đã và đang diễn ra, trên mỗi phân vuông diện tích đất này.
|
Một góc thành phố Quy Nhơn. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
* Chắt chiu trên mỗi cung đường
Quy Nhơn kể ra là một thành phố đã ôm trọn đủ cả núi, non, sông, biển vào lòng mình. Phường Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu nằm trên thung lũng hẹp kẹp giữa núi Vũng Chua và Hòn Chà. Phía Nam là tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu lượn quanh những dãy núi đang vươn mình về phía biển. Và cũng đã không ít lần, tôi men theo những con đường Quy Nhơn - Nhơn Hội, tận hưởng cái gió quất lạnh từ phía đầm Thị Nại yên ả sóng và thấm đượm cảm thức sông nước. Chính trong không khí ấy, ta cảm nhận thấy sự tần tảo khôn nguôi, của những hạt phù sa để vun đắp lên mảnh đất quy tụ nhân - nghĩa này. Ở đó, có mảnh đất này, dấu trầm tích của thành phố có lịch sử hơn 400 tuổi. Hội tụ những con người, để rồi trên chốn phiên trấn này, thành hình nên những làng mạc, xã thôn, để có phủ Hoài Nhơn thế kỷ XV. Rồi từ một vùng cát ven biển, một thôn Vĩnh Khánh được tạo lập từ thế kỷ XVIII về trước và nhanh chóng lan tỏa thành làng Chánh Thành và Cẩm Thượng từ thế kỷ XIX về sau. Từ những đình Cẩm Thượng đến các hội quán Triều Châu, Phước Kiến… đã là những di tích ít ỏi còn lại ghi dấu chặng đường của thành phố thân yêu này.
Rồi một thời gian không xa nữa, thành phố sẽ phát triển vươn mình qua bên kia mặt đầm Thị Nại, trên bán đảo Phương Mai. Khu đô thị mới Nhơn Hội khi ấy, sẽ tạo cho Quy Nhơn một vóc dáng vừa hiện đại, vừa bình yên bên mép sóng. Thành phố sẽ soãi đôi cánh, ấp ôm hai bờ đầm Thị Nại, một lá phổi xanh, cũng là một di sản ngàn tuổi, gắn bó mật thiết với lịch sử mảnh đất này. Tôi cứ nghĩ, đây mới chính là yếu tố có thể tạo nên dáng vẻ riêng của Quy Nhơn trong chuỗi các đô thị Việt Nam. Chẳng thế mà PGS-TS Hoàng Đạo Kính đã từng nhận xét rằng: “Quy Nhơn đã có dấu hiệu của một đô thị có thương hiệu”.
|
Bình minh trên biển Quy Nhơn. Ảnh: Hoàng Tuấn
|
* Và tìm thương hiệu cho Quy Nhơn
Tất nhiên, để đi đến việc định hình thương hiệu của một thành phố biển, Quy Nhơn còn rất nhiều việc phải làm. Từ việc quy hoạch để sớm tìm ra một dáng hình đô thị hiện đại, có nét riêng không lẫn lộn, đến những quy định cụ thể hơn về kiến trúc trong thành phố, những dự án đầu tư mạnh hơn cho cơ sở hạ tầng… Rồi làm sao để giữ lại những nét thiên nhiên ngay trong lòng đô thị, vừa tạo cho đô thị tính bản địa - cốt lõi của bản sắc kiến trúc đô thị - vừa mang tính hiện đại. Việc Quy Nhơn phát triển không gian trên tài nguyên cảnh quan của mình chính là dấu hiệu đầu tiên để tạo lập thương hiệu. Tuy nhiên, để tạo lập được thương hiệu, quy hoạch của thành phố phải hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên hơn nữa.
Khôi phục hệ sinh thái đầm Thị Nại với nỗ lực trả lại môi trường sinh thái cho đầm Thị Nại là một ví dụ. Thật ra, ý tưởng về khôi phục hệ sinh thái nước trong đô thị đã được triển khai và tiếp thu ở rất nhiều nước trên thế giới. Hệ sinh thái nước sẽ gắn kết lại mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên; rồi phát triển nông nghiệp trong đô thị tại một diện tích giới hạn nào đó cũng sẽ đem con người gần hơn với đất. Hồi sinh của những hệ sinh thái tự nhiên như vậy, sẽ phát triển sức sống, thể chất sinh thái và sự phát triển bền vững tổng quan lâu dài của đô thị. Và Quy Nhơn, một thành phố vốn có cảnh quan đẹp, với những đường nét thiên nhiên vừa lãng mạn, vừa hoành tráng, sẽ phát triển bền vững, nếu ngay từ bây giờ, chúng ta toan tính cho những dự án như vậy. Để rồi ngay giữa lòng thành phố Quy Nhơn, sẽ là một lá phổi xanh, một di sản xanh. Đô thị Quy Nhơn khi ấy, không những xanh hơn, đẹp hơn mà sẽ hấp dẫn hơn với du khách bằng những hoạt động du lịch sinh thái trên đầm Thị Nại.
Đồng thời, thành phố cần phải có những công trình kiến trúc, tạo thành điểm nhấn, điểm nhìn, những trục đường, những phối cảnh có duyên. Điều này thì Quy Nhơn vẫn thiếu. Nghĩa là vẫn thiếu một nét duyên đô thị. Chỉ khi nào tất cả những yếu tố trên gắn kết trong một tổng thể chung thì Quy Nhơn mới ghi vào bộ nhớ con người, trở thành một đô thị biển có thương hiệu.
|