Lễ hội cầu ngư là một lễ hội quan trọng nhất đối với ngư dân miền biển, thể hiện những giá trị văn hóa truyền thống được tích tụ và biểu đạt qua nghi thức tế lễ gắn với quan niệm tín ngưỡng cổ truyền. Do vậy, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định đã tiến hành dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể năm 2008 đối với hát múa Bả trạo trong lễ hội cầu ngư ở làng Bình Thái…
|
Đội Bả trạo làng Bình Thái biểu diễn trong lễ nghinh Ông.
|
* Ngày hội lớn của vạn chài
Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Định hiện có trên 15 lăng Nam Hải, là nơi diễn ra lễ hội cầu ngư, gắn với tục thờ cúng cá voi cùng nhiều truyền thuyết còn ghi đậm nét trong dân gian. Ở một số làng ven biển của các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn đều tổ chức lễ hội cầu ngư với quy mô lớn, nhỏ khác nhau cùng nhiều điểm tương đồng, dị biệt trong cách thức tổ chức. Tuy nhiên, làng Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) nằm ven đầm Thị Nại, là một trong những vạn chài lâu đời ở Bình Định. Ở đây, có kiến trúc lăng Ông được xây dựng từ năm 1786, cũng là nơi tổ chức lễ hội cầu ngư với quy mô rất lớn hằng năm. Vì vậy, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã quyết định chọn làng Bình Thái là địa điểm thực hiện dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể hát múa Bả trạo trong lễ hội cầu ngư.
Diễn trình lễ cầu ngư lăng Nam Hải vạn chài Bình Thái tùy từng giai đoạn, thời kỳ cũng có những thay đổi, nhưng đều được diễn ra trong hai ngày 16 và 17 tháng 2 âm lịch hàng năm. Năm nay, với việc được chọn để thực hiện dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể, lễ hội được tổ chức lớn hơn, nên không khí chuẩn bị trong làng đã bắt đầu rộn ràng từ cả tuần trước.
Sáng sớm ngày 15 tháng 2 âm lịch (22.3), nghi thức đầu tiên của lễ hội cầu ngư được bắt đầu, với mục đích cáo thần, xin thần ngư Nam Hải báo ứng cho vạn chài điềm lành dữ trong năm. Chiều cùng ngày là lễ di thỉnh chư vị tiền hiền vãn ngự các nơi trong vạn chài về lăng cùng thụ hưởng.
Hoành tráng nhất trong các nghi thức lễ hội là lễ nghinh thần (nghinh thủy lục) vào sáng 16.2 âm lịch (23.3). Một chiếc thuyền lớn (được ghép từ ba chiếc thuyền nhỏ) chở đội Bả trạo và các cụ cao niên trong làng xuất phát từ lăng Ông tiến ra đầm Thị Nại để thực hiện nghi thức nghinh Ông về ngự tại lăng. Hộ tống xung quanh là hàng chục chiếc thuyền của ngư dân. Khi thuyền ra đến giữa đầm Thị Nại, sau nghi lễ cúng tế, đội Bả trạo bắt đầu biểu diễn. Đội hình trình diễn gồm các con trạo (tay chèo) dưới sự chỉ huy của các tổng sanh, tổng thương, tổng lái và tổng khậu. Tất cả được xếp theo hình một chiếc thuyền rồng- thuyền linh để đưa hồn cá Ông phiêu diêu miền cực lạc. Nội dung xuyên suốt hát múa Bả trạo là tạ ơn và ca ngợi đức cá Ông, xin Ông ban cho vạn chài cuộc sống bình an, no đủ. Sau khi linh Ông được rước về, lễ tế tại lăng được tiến hành trang trọng…
|
Các cụ cao niên rước vong Ông vào Điện lăng Nam Hải. |
Ngoài nghi lễ, lễ hội cầu ngư còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như đua thuyền, hát bội, thi các trò chơi dân gian… khiến vạn chài những ngày này thực sự đắm chìm trong không khí lễ hội. Cụ Nguyễn Có, 80 tuổi, người làng Bình Thái, tâm sự: “Tôi rất vui khi lễ cầu ngư truyền thống được gìn giữ. Năm nay, con cháu trong làng ở xa biết tin tìm về tham dự rất nhiều, nên mấy ngày này, không khí ở đây còn đông vui hơn cả ngày Tết”.
* Bảo tồn văn hóa phi vật thể
Theo dự kiến, sản phẩm của dự án văn hóa phi vật thể sẽ gồm báo cáo khoa học (50 trang) với các nội dung: các lễ thức trong chu kỳ đánh bắt thủy, hải sản ở vạn chài Bình Thái; xuất xứ diễn trình nghi thức hát múa Bả trạo và lễ hội cầu ngư ở lăng Ông Nam Hải vạn chài Bình Thái; nghệ thuật biểu diễn hát múa Bả trạo ở Phước Thuận và ở vạn chài Bình Thái; ứng xử của thế hệ trẻ đối với hát múa Bả trạo và lễ hội cầu ngư ở vạn chài Bình Thái… Đồng thời, dự án cũng đưa ra những đánh giá và nhận định về hát múa Bả trạo trong xã hội hiện nay, những yếu tố ngoại tác quan trọng đối với nghệ thuật hát múa Bả trạo, định hướng và khai thác những nét đẹp truyền thống qua diễn trình Bả trạo. Ngoài ra, sản phẩm của dự án còn có một chương trình phim tư liệu về những nghi thức lễ cơ bản, hát múa Bả trạo và một số hoạt động văn hóa dân gian trong lễ hội cầu ngư vạn chài Bình Thái năm 2008; tập ảnh khảo tả (120 ảnh).
Sau khi hoàn thành, sản phẩm của dự án sẽ được nộp về Viện Văn hóa - Nghệ thuật (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) để nạp dữ liệu; đồng thời, đưa vào lưu trữ tại Ngân hàng Dữ liệu Phi vật thể của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh.
Ông Nguyễn An Pha, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, Chủ nhiệm Dự án, cho biết: “Dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể được thực hiện nhằm góp phần gìn giữ giá trị một loại hình lễ hội dân gian chuyển tải những nét văn hóa bản địa, thể hiện tinh thần nhân văn, cầu an, cầu phúc. Các sản phẩm dự án sẽ phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, lưu giữ và định hướng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc trong lễ hội cầu ngư, mà tiêu biểu nhất là hát múa Bả trạo”.
|