BÁC SĨ NGUYỄN THỊ BÍCH - GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM CHĂM SÓC SKSS TỈNH BÌNH ĐỊNH:
Chăm sóc SKSS - chuyện không của riêng ai
11:45', 1/5/ 2008 (GMT+7)

Xã hội hóa dịch vụ dự phòng chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) là cụm từ hãy còn mới mẻ với nhiều địa phương, nhưng với Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh Bình Định, đây không phải là lần đầu tập thể này dám nghĩ, dám làm. Trong đó bác sĩ Nguyễn Thị Bích - Giám đốc Trung tâm - là người tiên phong vận động thực hiện ý tưởng đó. Phóng viên Báo Bình Định có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Bích chung quanh vấn đề này.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích (đứng) đang tư vấn, hướng dẫn cán bộ y tế cơ sở.

 

* Thưa BS, nghe nói Trung tâm Chăm sóc SKSS Bình Định sắp triển khai một gói dịch vụ mới phải không?

- Vâng, một dự án mà tập thể chúng tôi đã ấp ủ nhiều năm liền, đến nay mới trở thành hiện thực, đó là dịch vụ phát hiện sớm (tầm soát) ung thư vú ở phụ nữ bằng kỹ thuật chụp nhũ ảnh.

* Có gì đặc biệt trong dự án này?

- Điều đặc biệt nhất là lần đầu tiên chị em phụ nữ sẽ được kiểm tra phát hiện ung thư vú ngay tại Trung tâm Chăm sóc SKSS Bình Định. Điều này rất có ý nghĩa khi hiện nay ung thư vú là loại bệnh thường gặp ở phụ nữ và có tỉ lệ mắc phải và tỉ lệ tử vong chiếm hàng đầu trong các loại ung thư ở nữ giới, nhưng nếu được phát hiện sớm, điều trị sớm thì người bệnh lại có nhiều cơ hội ngăn chặn căn bệnh, phục hồi sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Trước đây nếu chị em muốn làm xét nghiệm ung thư vú thì thường phải vào tận TP. Hồ Chí Minh hoặc ra Đà Nẵng (gần đây), rất tốn kém thời gian và tiền bạc. Còn bây giờ, những xét nghiệm này hoàn toàn có thể được thực hiện tại chỗ với chi phí không lớn lắm (160 ngàn đồng/ cas) nên chị em phụ nữ có nhiều điều kiện để phát hiện phòng ngừa bệnh sớm, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đầu tháng 4.2008 chúng tôi đã triển khai gói dịch vụ này (tại 85 - 87 Lê Hồng Phong, TP. Quy Nhơn). Còn một điều đặc biệt nữa, chương trình tầm soát ung thư vú tại Bình Định này chính là dự án xã hội hóa dịch vụ dự phòng chăm sóc sức khỏe đầu tiên của chúng tôi.

* Như thế có nghĩa rằng đây không phải là chương trình do Nhà nước bao cấp ?

- Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của cơ quan hành chính sự nghiệp ra đời đã giúp chúng tôi thực hiện một ý tưởng nung nấu đã lâu, đó là tự trang bị cho đơn vị một máy chụp nhũ ảnh để phát hiện ung thư vú. Chúng tôi đã vận động các thầy thuốc thuộc tuyến chăm sóc SKSS trong tỉnh góp tiền để mua một máy chụp nhũ ảnh trị giá khoảng 1 tỉ đồng để đưa vào phục vụ, nếu hoạt động tốt thì sau 5 năm sẽ hoàn được vốn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã xác định mục đích phục vụ cộng đồng là chính và kết hợp với dịch vụ phát hiện sớm ung thư cổ tử cung phụ nữ đã thực hiện từ mấy năm nay. Chúng tôi hy vọng sẽ bổ sung, làm hoàn thiện thêm các gói dịch vụ dự phòng chăm sóc SKSS của trung tâm bằng phương án xã hội hóa này.

* BS vừa nói đến dịch vụ dự phòng chăm sóc SKSS, hoạt động này hình như ít quan trọng ?  

- Ồ! Quan trọng chứ! “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là quan điểm của y học thế giới có từ lâu đời, giờ vẫn nguyên giá trị đấy. Ở trung tâm chúng tôi có rất nhiều hoạt động dự phòng mang lại hiệu quả cao, được nhiều người tham gia, như: phát hiện sớm ung thư cổ tử cung; dự phòng điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục; sàng lọc bệnh lý sơ sinh qua xét nghiệm…, đặc biệt là dịch vụ tư vấn SKSS được rất nhiều người tìm đến, kể cả nam giới. Ngày nay, phòng bệnh tốt chính là cách thức để giảm tải cho điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân.

* Trước kia, khi nói đến Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em- kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) là mọi người nghĩ ngay rằng đây chỉ là nơi cung cấp các biện pháp để hạn chế sinh đẻ, nơi chỉ dành riêng cho phụ nữ, còn bây giờ thì sao?

- Tên gọi của chúng tôi bây giờ đã được đổi thành Trung tâm Chăm sóc SKSS, nhưng mục tiêu hoạt động vẫn không thay đổi. Chức năng chính vẫn là tổ chức triển khai các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về chăm sóc SKSS trên địa bàn tỉnh. Trước kia, do nhận thức của người dân còn hạn chế nên đã đánh đồng việc thực hiện các biện pháp giảm sinh với chăm sóc SKSS, còn bây giờ nhiều người đã hiểu chăm sóc SKSS là một lĩnh vực rất rộng lớn và SKSS là một phần quan trọng làm nên giá trị của cuộc sống, đem lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân, gia đình, nên đã quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực này. Ngày nay, nói đến KHHGĐ không có nghĩa là chỉ nói đến việc tránh thai, mà là nói đến việc lập kế hoạch xây dựng một gia đình có quy mô phù hợp, chất lượng sống ngày càng được nâng cao, trong đó việc chăm sóc SKSS cho mọi thành viên trong gia đình được đặt lên hàng quan trọng.

Ở Trung tâm của chúng tôi ngày càng có nhiều khách hàng là nam giới. Có người đến để đưa người thân đi khám chữa bệnh, cũng có người đến để được tư vấn về SKSS, hiện chúng tôi đang chuẩn bị triển khai phòng Nam học để giải quyết những vấn đề về SKSS của nam giới. Điều đó có nghĩa là ngày càng có nhiều người quan tâm và hiểu đúng về giá trị của SKSS, về KHHGĐ. Ngay cả bản thân tôi, sau gần 20 năm công tác trong lĩnh vực này, nhận thức cá nhân cũng thay đổi khác xưa nhiều lắm.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích tập huấn kiến thức dinh dưỡng, chăm sóc SKSS cho cán bộ cơ sở.

 

* Có nghĩa là lúc mới vào nghề, BS chưa quan tâm đến lĩnh vực này ?

- Tôi phải quyết định chọn học chuyên khoa vào năm cuối đại học y. Dịp thực hành đỡ đẻ tại bệnh viện, tôi thấy lòng rất vui mỗi khi được đón em bé ra khỏi lòng mẹ, thế là chọn học sản khoa, những tưởng công việc sau này sẽ gắn với những cuộc sinh nở của phụ nữ. Nào ngờ, khi ra trường lại được phân công về làm việc tại Trạm Bảo vệ bà mẹ và Sinh đẻ có kế hoạch, với công việc chủ yếu là hoạt động quản lý thai nghén và thực hiện các biện pháp hạn chế sinh đẻ, nên ước mơ làm cô đỡ tạm gác lại. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, tiếp xúc với nhiều trường hợp phụ nữ mắc bệnh liên quan đến sản khoa, tôi mới bắt đầu có ý thức cụ thể hơn trong định hướng chuyên môn. Phần lớn các đề tài nghiên cứu khoa học của tôi đều thuộc nội dung chăm sóc SKSS, chọn thực hiện đề tài từ những phát hiện trong thực tế. Bây giờ thì tôi biết rằng: thế giới sản khoa rất mênh mông và SKSS là lĩnh vực vô cùng phong phú, cần thiết cho cuộc sống. Ngày trước tôi thích vui lây với các bà mẹ khi đón con chào đời như thế nào thì bây giờ cũng cảm thấy lòng hân hoan như vậy mỗi khi giúp được khách hàng phát hiện sớm bệnh phụ khoa hiểm nghèo, điều trị thành công, kéo dài thời gian sống.

* Mong ước của BS?

- Chúng tôi mong muốn mọi người dân quan tâm nhiều hơn nữa đến việc chăm sóc SKSS cho bản thân và gia đình. Mặt khác, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngày càng có thêm nhiều dịch vụ dự phòng chăm sóc SKSS đến được với người dân để hoạt động chăm sóc SKSS thực sự là một biện pháp quan trọng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

* Cảm ơn BS !

  • Ngọc Diên (Thực hiện)

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Bích, sinh năm 1963; Tốt nghiệp Đại học Y Huế năm 1988;

Tháng 11.1988 công tác tại Trạm Bảo vệ bà mẹ và Sinh đẻ có kế hoạch tỉnh Nghĩa Bình; tháng 8.1991 đổi thành Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em -  KHHGĐ tỉnh Bình Định; tháng 4.2006 đổi thành Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh Bình Định;

- Năm 1997, được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em - KHHGĐ;

- Năm 1999, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em - KHHGĐ;

* Trong 20 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Nguyễn Thị Bích đã tham gia và làm chủ hơn 10 đề tài nghiên cứu khoa học, như: Một số kinh nghiệm về quản lý trẻ em tại xã Phước Nghĩa (Tuy Phước); Tình hình viêm nhiễm phụ khoa thông thường của phụ nữ tỉnh Bình Định; Nhận xét tình hình thiếu máu ở phụ nữ có thai của tỉnh Bình Định; Tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, nguyên nhân, các yếu tố liên quan và các giải pháp nhằm giảm tử vong; Đánh giá tình trạng tử vong mẹ ở Bình Định; Đánh giá khả năng chấp nhận thuốc tiêm tránh thai tại Bình Định; Đánh giá hiệu quả sử dụng các thuốc tiêm tránh thai đối với phụ nữ độ tuổi sinh đẻ tỉnh Bình Định;…

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những người giữ hồn của núi  (01/05/2008)
Kết thúc điều tra vụ cướp giật trên đường phố  (01/05/2008)
Vạn chài mở hội  (01/05/2008)
Lãng đãng với Quy Nhơn  (01/05/2008)
Còn chút phân vân  (30/04/2008)
Ở trọ trần gian  (30/04/2008)
Đôi điều ghi nhận  (30/04/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (30/04/2008)
“Tháng Ba nồm rộ”(1)  (05/04/2008)
Những nỗ lực trong công tác giữ gìn trật tự ATGT  (05/04/2008)
Ký ức 31 tháng 3  (05/04/2008)
Tuổi trẻ Quy Nhơn với công trình “Bóng mát vì đàn em thân yêu”  (05/04/2008)
Nhớ những ngày đầu hát bài ca cách mạng  (05/04/2008)
Qua Bình Định nhớ Tứ hữu Bàn Thành  (05/04/2008)
Ngày mới ở Công ty Lam Sơn  (05/04/2008)