Một phần ba trong cuộc đời công chức dành cho công sở. Mỗi ngày đều phải hít thở, phải sống trong bầu không khí công sở đã sản sinh ra một căn bệnh mang tính thời đại - Stress.
|
Hội chứng “tự mình làm khổ mình!” thường gây di chứng nặng nề với người phụ nữ (ảnh chỉ có tính chất minh họa).
|
* Hội chứng “tự mình làm khổ mình!”
Dạo này chị Tuyết - nhân viên một ngân hàng quốc doanh - thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng. Gặp mọi người trong cơ quan, chị đều tỏ thái độ không vui, nhất là khi cấp dưới làm không đúng kế hoạch đã đề ra. Lâu ngày, chị bị trầm cảm, mệt mỏi kéo dài, mất hứng thú trong cuộc sống lẫn công việc.
Khác với chị Tuyết, chị Mai còn rất trẻ là nhân viên kế toán của một công ty khá tiếng tăm ở TP Quy Nhơn. Công việc ổn định, thu nhập khá nhưng lúc nào chị cũng căng thẳng với công việc. Ngày thường công việc vốn đã nhiều, những ngày giao dịch với khách hàng, hàng hóa ồ ạt xuất, nhập thì công việc của chị dày thêm, nhiều lúc phải làm thêm buổi tối. Là người trẻ tuổi, chị luôn phải cố gắng phấn đấu, “gồng mình” hoàn thành công việc, tối về lại phải dọn dẹp nhà cửa. Sự căng thẳng kéo dài trong khi đó chị không nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý nên bị rơi vào chứng trầm cảm.
Luôn luôn phải tự đặt ra mục tiêu, luôn luôn phải phấn đấu, luôn luôn phải bắt buộc mình hoàn thành công việc một cách tốt nhất, có khi là vượt qua cả khả năng thực - áp lực vượt qua chính mình, vượt qua tư tưởng an phận là áp lực lớn nhất nhưng cũng là áp lực lành mạnh nhất mà một nhân viên văn phòng phải đối mặt. Một nhân viên văn phòng càng thăng tiến, càng gánh nhiều trọng trách thì khoảng cách với các đồng nghiệp lớn dần, thời gian rảnh rỗi cũng bị thu hẹp. Lâu ngày, họ cảm thấy không ai có thể chia sẻ công việc hoặc cũng không muốn chia sẻ công việc với ai nên stress ngày một nặng.
Các nhà chuyên môn gọi đây là hội chứng “tự mình làm khổ mình”. Căn bệnh này thường gây di chứng nặng nề với người phụ nữ hơn nam giới bởi sự quá tải trong công việc xã hội lẫn gia đình.
Bác sĩ Châu Văn Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Bình Định, cho biết: “Cuộc sống hiện đại khiến người phụ nữ rất dễ rơi vào trạng thái stress, nhẹ thì mệt mỏi, đau đầu…; nặng thì có thể dẫn đến chán ăn, rối loạn giấc ngủ, rối loạn phân ly, rối loạn chức năng tình dục. Đặc biệt, khi càng stress nặng thì người bệnh càng có ít thời gian và sức lực để tập luyện, ăn uống kém, ngủ ít và sử dụng nhiều chất kích thích như thuốc lá, cà phê… khi ấy stress lại gây hại nhiều hơn.
* Liều thuốc chống stress
Theo các chuyên gia y tế, cách tốt nhất để chống stress là phải biết mình là ai và đang ở vị trí nào. Mỗi người đều có một vai trò nhất định tại cơ quan. Bác sĩ Châu Văn Tuấn lưu ý: “Để cuộc sống không căng thẳng và mệt mỏi, mọi người nên sống nghiêm túc và độ lượng với người xung quanh khi họ mắc lỗi. Luôn sống một cuộc sống giản dị, thanh đạm, chi tiêu tiết kiệm. Mặt khác, luôn yêu công việc mà mình đang làm, nhìn thấy những điểm tốt ở người khác, luôn vui vẻ, lạc quan và làm chủ bản thân… như thế tâm hồn sẽ luôn thanh thản, bình yên và hiệu quả làm việc cũng tốt hơn”.
Sống hòa đồng với đồng nghiệp, với mọi người xung quanh là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu trong công việc và có được những mối quan hệ tốt đẹp. Stress - xét cho cùng cũng chỉ là một phần của cuộc sống. Cuộc sống không thể thiếu những áp lực, những thử thách. Nhưng đối diện với nó như thế nào mới là quan trọng.
|