Trộm chó thời nay
16:21', 1/5/ 2008 (GMT+7)

“Trượt” theo giá của nhiều loại gia súc khác, con chó cũng nhanh chóng từ 17.000 đồng/kg tăng vọt lên 25.000 đồng/kg (hơi). Giá trị thương phẩm của con chó cao là vậy nên đã kích thích những kẻ chuyên bắt trộm chó hoạt động mạnh hơn với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.

 

Xe chở chó ra các tỉnh phía Bắc.

 

* “Chó đêm”

Dân trong nghề mua bán chó gọi tên “chó đêm” là để phân biệt những con chó được bọn “cẩu tặc” bắt trộm vào ban đêm với những con chó được người lương thiện đi rong mua hàng ngày. Hiện nay, chuyện bắt trộm chó đã trở thành vấn nạn của nhiều địa phương bởi đã xuất hiện nhiều băng nhóm bắt trộm chó chuyên nghiệp. Mặc dù ngành chức năng đã nhiều lần theo dõi, truy bắt nhưng do ham tiền nên cường độ hoạt động của bọn “cẩu tặc” chẳng những không suy giảm mà thủ pháp hành nghề còn trở nên tinh xảo với nhiều “phát minh” độc đáo!

Một lần ngồi nhâm nhi cà phê với một “cẩu tặc” chuyên nghiệp đã “giải nghệ” để cưới vợ tôi đã thấu đáo về cái nghề khá lạ lẫm và bất lương này. Phương tiện “hành nghề” của bọn “cẩu tặc” là chiếc xe máy phân khối lớn và những cái bẫy thòng lọng được làm bằng dây thắng xe honda gập đôi luồn vào 1 cái ống nhôm hoặc sắt, những chiếc gậy săn chắc và bao tải. Địa bàn hoạt động của chúng ở khắp mọi hang cùng ngõ hẽm từ thành phố đến nông thôn, cả trong các ngôi chợ về đêm và trên tuyến quốc lộ, có nhóm mở rộng địa bàn hoạt động sang các tỉnh lân cận. Muốn “đánh” vùng nào thì trước đó vài ngày, chúng đi khảo sát thực địa để xem xét địa hình và lượng “hàng” có dồi dào không. Đầu hôm, chúng tươm tất trong những bộ cánh lịch sự, ngồi quán cà phê kiếm chút “thuốc tỉnh” hoặc làm vài xị để tăng độ linh hoạt khi “tác nghiệp”. Về khuya, khi mọi ngả đường đã yên ắng, chúng lấy từ cốp xe ra những bộ đồ chuyên dụng thay cho bộ cánh lịch sự kia và lên đường…

* “Hiện đại hóa” nghề trộm chó

Theo anh bạn nguyên là cẩu tặc thì, các nhóm trộm chó chuyên nghiệp tập trung nhiều nhất ở nội thành TP Quy Nhơn, rồi đến Chợ Dinh (phường Nhơn Bình) và dốc Ông Phật (phường Bùi Thị Xuân). Khi “tác nghiệp”, chúng thường đi thành từng “tổ” 2 người trên một chiếc xe máy. Người cầm lái được chọn từ đám “quái xế” có “nguyện vọng” tham gia làm “cẩu tặc” để kiếm tiền ăn chơi. Khi gặp “đối tượng”, những “quái xế” này lập tức cho xe “lượn” một vòng, tạo điều kiện thuận lợi cho “thợ” ngồi sau ra tay. Dù chiếc xe và “đối tượng” chạy thuận hay ngược chiều nhau thì một “thợ” lành nghề cũng có thể vung thòng lọng lọt gọn vào cổ con chó. Theo đà xe chạy, dây thòng lọng siết chặt và con chó không có cơ hội kêu được tiếng nào. “Quái xế” cứ cho xe tiếp tục chạy, “thợ” ngồi sau làm tiếp những thao tác kéo thu con chó lên xe, dán băng keo vào miệng và bỏ gọn vào bao. Những con chó khôn lanh tránh được dây thòng lọng thì cũng khó tránh khỏi chiếc gậy được vung lên ngay sau đó. Chỉ cần một cái vung tay thật nhanh là chiếc gậy đập ngay vào phần dưới mõm chó. Đập chỗ này con chó bất tỉnh ngay nhưng không chết, bán không bị mất giá.

Đó là nói đến cách bắt chó chạy rông ngoài đường, còn với những con chó “kín cổng cao tường”, bọn “cẩu tặc” sẽ áp dụng cách bắt “hiện đại” hơn, đó là dùng thuốc. Thuốc có xuất xứ ở Trung Quốc có giá đến 250.000 đồng/viên to bằng đồng bạc kim loại. Mỗi viên thuốc có thể “đánh” được từ 400-500kg chó có giá trị hàng chục triệu đồng. Viên thuốc được nạo thành bột, ướp vào những miếng thịt tươi, ngon; chỉ cần xơi một miếng nhỏ là con chó lăn quay. Trước khi bị dán băng keo bịt miệng bỏ vào bao, con chó được cho uống nước để “giải”, nếu không sẽ chết thật. Cách đánh bã này cũng được bọn “cẩu tặc” dùng để bắt chó đi rông kiếm thức ăn ở chợ vào ban đêm. Mỗi đêm hành nghề, chỉ cần “đánh” được 4 con chó là bọn “cẩu tặc” có trong tay cả triệu đồng.

Đầu ra của loại “chó đêm” này rất phong phú. Chó còn mạnh khỏe được bán cho các đại lý chuyên cung cấp hàng cho các thương lái phía Bắc với giá 25.000 đồng/kg (hơi). Những con bị thương thì được bán cho các quán thịt cầy trên địa bàn với giá chỉ thấp hơn chó khỏe vài ba ngàn đồng/kg. Những con chó đã “tử nạn” cũng được tiêu thụ rất mạnh. Có nhiều đại lý chỉ chuyên thu mua “chó chết”. Mặt hàng này tất nhiên có giá khá thấp, chỉ từ 15.000-18.000 đồng/kg. Sau khi thu mua, các chủ đại lý tiến hành làm lông, mổ ruột, ướp lạnh để cung cấp cho các quán “cầy tơ” trong tỉnh và tỉnh Gia Lai. Thịt chó đã qua “sơ chế” như vậy sẽ có giá là 28.000 đồng/kg và người thưởng thức chẳng mấy ai có thể phân biệt được món nhấm đặc sản kia là của con chó loại nào. Và nó vẫn nghiễm nhiên là món đưa cay tuyệt hảo của cánh mày râu.

  • Dương Lam
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khôi phục nghề truyền thống, tạo việc làm cho người dân  (01/05/2008)
“Xì trét” nơi công sở  (01/05/2008)
“Văn hóa clip” lan rộng trên Internet  (01/05/2008)
Thơ  (01/05/2008)
Hãy lao lên phía trước  (01/05/2008)
Chăm sóc SKSS - chuyện không của riêng ai  (01/05/2008)
Những người giữ hồn của núi  (01/05/2008)
Kết thúc điều tra vụ cướp giật trên đường phố  (01/05/2008)
Vạn chài mở hội  (01/05/2008)
Lãng đãng với Quy Nhơn  (01/05/2008)
Còn chút phân vân  (30/04/2008)
Ở trọ trần gian  (30/04/2008)
Đôi điều ghi nhận  (30/04/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (30/04/2008)
“Tháng Ba nồm rộ”(1)  (05/04/2008)