Không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mọi gia đình, nhưng người tiêu dùng lại không thể yên tâm với tình trạng có thể bị ngộ độc rau bất cứ lúc nào…
|
Mô hình trồng rau an toàn ở phường Nhơn Phú (TP. Quy Nhơn) sôi động một thời, nhưng hiện nay khó phát triển. Ảnh: Thu Hiền
|
* “Mốc” và “trắng”
Đó là cách gọi những loại thuốc làm cho rau xanh mướt và lớn nhanh của một số người trồng rau ở thôn Phú Vinh, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn. Họ cho rằng, chỉ cần dùng hai loại phân hóa học “mốc” và “trắng” để tưới thì chỉ cần khoảng 5 ngày sau rau xanh mướt, tươi ngon và có thể đem bán dù thời gian cách ly chưa đủ (10-15 ngày) cho một lần tưới. Nếu tưới phân hóa học mà sâu vẫn không chết thì chỉ cần phun loại thuốc sâu bán trên thị trường loại 3.000-4.000 đồng/gói, ngay lập tức sẽ phát huy tác dụng.
Khảo sát tại vùng trồng rau ở tổ 1, khu vực 8, phường Nhơn Phú, chúng tôi cũng được bà con nông dân ở đây cho biết, họ vẫn thường sử dụng một loại phân hóa học có tên gọi là “trắng” để bón cho rau xà lách. Họ cũng cho biết, loại phân “mốc” và “trắng” này có thể dễ dàng mua ở bất kỳ đại lý thuốc bảo vệ thực vật nào trên địa bàn tỉnh với giá 9.000 đồng/kg.
Ông Đặng Quang Tám, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: “Có đến 80% số người trồng rau chưa đảm bảo kỹ thuật sử dụng thuốc đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Phần lớn nông dân sử dụng phân hóa học để tưới cho rau nhưng không đảm bảo đủ thời gian cách ly. Đặc biệt, một số người còn tăng thêm liều lượng phân hóa học tưới cho rau, để sâu có thể chết nhanh hơn, do vậy dư lượng thuốc trừ sâu còn tồn đọng khá cao sau khi thu hoạch. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất, một số người vẫn sử dụng loại thuốc cấm (như thuốc 158 do Trung Quốc sản xuất) để phun cho rau vì giá thành rẻ, sâu chết nhanh và rau tươi xanh hơn. Mặt khác, thực tế trên thị trường hiện nay, các chủng loại thuốc sinh học rất ít, giá thành đắt và khi bón cho rau sâu chỉ chết từ từ nên người nông dân khó lựa chọn”.
Rau là một loại thực vật rất dễ bị gây hại bởi sâu bệnh, người trồng rau thường có xu hướng sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu khác nhau, kể cả những thuốc đang bị cấm sử dụng, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng rau về mặt cảm quan: rau xanh mướt, tươi ngon… Bên cạnh đó, để cung ứng kịp thời cho nhu cầu tiêu thụ của người dân, họ đã bán ngay các sản phẩm rau này ra thị trường mà không đảm bảo đủ thời gian cách ly cần thiết sau lần phun thuốc cuối cùng nhằm loại bỏ tối thiểu những độc chất có trong rau. Do đó, nguồn “rau sạch” thật sự an toàn cho sức khỏe là nhu cầu cần thiết.
|
Rau xanh, nguồn thực phẩm không thể thiếu của mọi gia đình. Ảnh: Thu Phương
|
* Chờ... rau sạch
Thực tế cho thấy, nơi sản xuất rau ở tỉnh ta đa số mang tính nhỏ lẻ, hộ gia đình, chỉ vài sào, thậm chí vài chục mét vuông nêân thời gian chuyển giao công nghệ cho người trồng rau rất khó, đồng thời kinh phí để xây dựng mô hình rau sạch cũng không có.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Trân, cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Hiện tại, lượng rau sạch trên toàn tỉnh chỉ chiếm khoảng 1%. Thật ra, năm 2003, 2004, chúng tôi đã có đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất rau sạch tại Hợp tác xã nông nghiệp số 2 phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn và đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất rau sạch công nghệ cao ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước. Bước đầu, mô hình rau sạch đã đạt những kết quả nhất định nhưng lại không thể duy trì và nhân rộng ra cả tỉnh vì không có kinh phí để thực hiện. Hơn nữa, thực tế đầu ra cho rau rạch cũng không rộng rãi, đa số người nông dân thường chỉ trồng những loại rau như rau cải, rau cúc trong khi thị trường lại đòi hỏi rất nhiều loại rau như cải bắp, súp lơ… nên không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Chi phí cho rau sạch quá cao, người tiêu dùng lại không thật sự đặt niềm tin nên mô hình này không phát triển được”.
Năm 2007, qua thanh kiểm tra 317 cơ sở sản xuất, cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã phát hiện 96 cơ sở vi phạm: kinh doanh thuốc ngoài doanh mục, thuốc quá hạn sử dụng, không đủ định lượng, kém chất lượng, không có đủ điều kiện sản xuất kinh doanh, không có chứng chỉ hành nghề… |
Sắp tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng đề án phát triển rau sạch dựa vào cộng đồng; đồng thời thực hiện Quyết định số 379 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi an toàn tại Việt Nam về những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất thu hoạch, sơ chế bảo quản an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.
Tất nhiên, đó là kế hoạch trong tương lai, còn hiện tại người dân vẫn phải cùng sống chung với nguồn rau bị “ô nhiễm” bởi thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, để góp phần thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, thiết nghĩ ngành quản lý cần phải tuyên truyền, vận động nâng cao trình độ nhận thức và trách nhiệm của người sản xuất, đặc biệt đối với các cơ sở kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm. Ngoài ra, cũng nên xây dựng hệ thống kiểm soát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản thực phẩm để phục vụ công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có hiệu quả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp…
|