Về thăm đất nghề An Nhơn
20:26', 1/5/ 2008 (GMT+7)

An Nhơn là địa phương tập trung các làng nghề truyền thống nhiều nhất tỉnh, và đây cũng là địa phương có nhiều làng nghề được chọn trình diễn, giới thiệu tại Hội làng nghề truyền thống và ẩm thực trong Festival Tây Sơn - Bình Định 2008. Chúng tôi đã về An Nhơn, đến thăm các làng nghề nơi đây để ghi nhận hoạt động sản xuất cũng như công tác chuẩn bị đón Festival của đất nghề.

 

Một cơ sở rèn của làng rèn Tây Phương Danh.

 

1. Làng rèn Tây Phương Danh (thị trấn Đập Đá) là một trong những làng nghề được chọn tham gia trình diễn tại Hội làng nghề truyền thống và ẩm thực trong Festival Tây Sơn - Bình Định và sẽ là một trong những làng nghề thu hút khá nhiều khách du lịch đến tham quan trong những ngày diễn ra lễ hội. Hiện nay, công tác chuẩn bị đón Festival đã được chính quyền địa phương triển khai xuống tận các hộ dân trong làng nghề và các nghệ nhân nơi đây cũng đang tập trung mọi hoạt động để chào đón sự kiện trọng đại của tỉnh nhà.

Về thăm làng rèn Tây Phương Danh vào những ngày này, chúng tôi đã bắt gặp không khí làm việc rất khẩn trương, từ sáng sớm tinh mơ cho đến tối mịt, tiếng búa, tiếng đe, tiếng sè sè của quạt lửa... vang vọng khắp làng. Các con đường dẫn vào làng nghề cũng đã được phát dọn thật phong quang, sạch sẽ. Ông Nguyễn Đình Long - khu vực trưởng khu vực Tây Phương Danh, một nghệ nhân lâu năm trong làng rèn - cho biết: “Chúng tôi vừa tổ chức lễ hội làng rèn để tưởng nhớ công ơn của Tổ sư cùng các bậc tiền hiền. Sau lễ hội, chính quyền địa phương đã triển khai kế hoạch phối hợp tổ chức Hội làng nghề truyền thống và ẩm thực trong Festival Tây Sơn - Bình Định, nên công tác chuẩn bị cũng được thuận lợi hơn. Hiện nay, chính quyền địa phương đã lựa chọn 4 cơ sở sản xuất nông cụ, với 12 thợ của làng nghề để tham gia trình diễn tại hội chợ và đã có chương trình cụ thể để tái hiện lại giỗ tổ làng rèn”.

Trong những năm qua, người thợ rèn Tây Phương Danh không chỉ dựa vào vốn nghề truyền thống mà còn áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, biết sáng tạo và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Cả làng nghề có 2/3 số hộ đầu tư trang bị các loại máy móc, thiết bị như: búa máy, máy cán dập, máy cắt sắt, máy dập xẻng, bàn mài... phục vụ sản xuất, nên năng suất lao động tăng cao, chất lượng sản phẩm tốt hơn, giá thành thấp hơn. Nhờ đó, thời gian gần đây làng rèn Tây Phương Danh có sự phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, làng rèn có 217 hộ sản xuất, với trên 600 lao động, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/năm, tăng hơn gấp đôi so với năm 2000.

2. Đời truyền đời, cái đẹp tinh xảo, sắc nét của nghề khảm xà cừ Cẩm Văn (Nhơn Hưng) đã được các nghệ nhân lưu truyền và ngày một phát huy. Đây là một trong những làng nghề truyền thống chứa đựng chiều sâu văn hóa của huyện An Nhơn cũng như của tỉnh, nên đã được lựa chọn để tham gia trình diễn tại Hội làng nghề truyền thống và ẩm thực trong chương trình Festival Tây Sơn - Bình Định 2008.

Anh Trần Văn Hà, chủ cơ sở khảm xà cừ Hồng Hà, cơ sở được chọn đại diện cho làng nghề khảm xà cừ Cẩm Văn tham gia trình diễn tại Hội làng nghề truyền thống và ẩm thực trong Festival, đang tập trung khảm những sản phẩm để trình diễn tại lễ hội. Anh Hà tâm sự: “Tôi học nghề của cha từ khi còn rất nhỏ. 13 tuổi tôi đã khảm được những sản phẩm có hoa văn đơn giản như: khay, đèn, đài, lư hương... Bài học nhập môn cha tôi dạy là: Làm nghề này phải khéo léo và chịu khó học hỏi, nếu không thì dễ thất bại, bỏ nghề. Do vậy, mặc dù bây giờ tôi đã có thể khảm được nhiều loại sản phẩm, nhưng không lúc nào tôi ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề”. Không biết bao nhiêu lần anh Hà đi tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các làng nghề khảm ở Hà Tây cũng như từ sự chịu khó đọc sách lịch sử, văn hóa để có được kiến thức, ý tưởng mà đưa các hoa văn cổ và truyền thuyết lịch sử, thắng cảnh vào tác phẩm. Những sản phẩm có mẫu mã mới, mang đậm nét văn hóa Việt Nam, do chính tay anh tạo tác đã lần lượt ra đời. Giá trị của những sản phẩm này không thể đo bằng vật chất, mà là sự kết tinh từ tinh hoa của bao thế hệ cha ông để lại, cộng với sự miệt mài lao động sáng tạo của các nghệ nhân tài hoa, tâm huyết.

 

Anh Trần Văn Hà đang hoàn thành một sản phẩm khảm xà cừ.

 

Hiện nay, sản phẩm lẫn tiếng tăm của làng nghề khảm xà cừ Cẩm Văn không chỉ những người trong tỉnh, trong huyện biết đến mà nhiều người ở các địa phương khác như Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Yên, Sài Gòn và nhiều người Việt ở nước ngoài cũng tìm đến mua. Nhờ vậy mà thời gian qua làng nghề có điều kiện phát triển. Cách đây chừng bảy tám năm, cả làng nghề chỉ còn một vài gia đình còn giữ nghề, nhưng hiện nay đã phát triển lên trên 10 hộ với hơn 100 lao động, thu nhập bình quân 1,8 triệu đồng/người/tháng.

3. Không chỉ 2 làng nghề truyền thống nói trên, đất nghề An Nhơn còn có 14 làng nghề được tham gia trình diễn tại Hội làng nghề truyền thống và ẩm thực trong Fastival Tây Sơn - Bình Định 2008. Đó là làng tiện gỗ mỹ nghệ Vân Sơn (Nhơn Hậu) chuyên sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ bằng gỗ, tiêu thụ khắp trong nước và xuất ra nước ngoài; làng rượu Bầu Đá truyền thống ở Nhơn Lộc, nổi tiếng cả trong và ngoài nước; nghề điêu khắc đá mỹ nghệ ở thị trấn Bình Định là nghề truyền thống yêu cầu kỹ thuật cao, đang phát triển mạnh mẽ, có thị trường tiêu thụ khá rộng…

Đến thăm các làng nghề truyền thống An Nhơn vào những ngày này, chúng tôi dạt dào cảm xúc trước những nghệ nhân tài hoa, thợ thủ công truyền thống nơi đây đang nỗ lực chuẩn bị các sản phẩm để trưng bày, giới thiệu với du khách trong ngày hội lớn của tỉnh nhà. Chúng tôi cũng đã ghi nhận được sự nỗ lực của chính quyền địa phương, người dân trong làng nghề trong việc chỉnh trang lại cơ sở, cải tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp để chào đón du khách...

  • Nhơn Thiện
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Qua cầu Trường Thi, đi tìm những bến nước con đò  (01/05/2008)
Tuyển chọn nhiều giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng tốt  (01/05/2008)
Rau sạch lại… chết !  (01/05/2008)
Trộm chó thời nay  (01/05/2008)
Khôi phục nghề truyền thống, tạo việc làm cho người dân  (01/05/2008)
“Xì trét” nơi công sở  (01/05/2008)
“Văn hóa clip” lan rộng trên Internet  (01/05/2008)
Thơ  (01/05/2008)
Hãy lao lên phía trước  (01/05/2008)
Chăm sóc SKSS - chuyện không của riêng ai  (01/05/2008)
Những người giữ hồn của núi  (01/05/2008)
Kết thúc điều tra vụ cướp giật trên đường phố  (01/05/2008)
Vạn chài mở hội  (01/05/2008)
Lãng đãng với Quy Nhơn  (01/05/2008)
Còn chút phân vân  (30/04/2008)