KỶ NIỆM 33 NĂM GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT TỔ QUỐC (30.4.1975 - 30.4.2008)
Nhớ những ngày ở Đồi Chè
20:16', 1/5/ 2008 (GMT+7)

Đi một buổi đường, tôi mới tìm được nhà bác Trần Văn Tuân (thôn Tân Hiệp, xã Tân An, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai). Ngôi nhà tọa lạc trên một vùng đất cao, thoáng mát, trước nhà là bàu sen, sau lưng khoảng vài hécta mía xanh mát giữa một vùng nắng gió cao nguyên.

 

Ông Trần Văn Tuân, nguyên đội trưởng Đội Chiếu bóng đầu tiên tỉnh Bình Định.

 

Năm nay, bác Tuân bước sang tuổi 87, nhưng người vẫn còn khỏe, chỉ tai hơi nặng do ảnh hưởng bom đạn thời chiến tranh; đặc biệt, giọng nói vẫn âm vang, trầm bổng, dìu dặt... như tiếng anh chiếu bóng đọc thuyết minh phim thuở nào.

Uống một cốc trà, bác đi ngay vào chuyện: Ngày ấy, cả một vùng Đồi Chè (xã Cát Sơn, huyện Phù Cát) thật đẹp và nên thơ. Những tàu lá chè xòe tán che mát và che khuất đề phòng máy bay địch phát hiện khu nhà làm việc của Đội Chiếu bóng Bình Định thuộc Điện ảnh Khu V và Ban Tuyên huấn tỉnh Bình Định.

Tháng 3 năm 1968, theo đề nghị của Ban Tuyên huấn, Đội Chiếu bóng tỉnh Bình Định được thành lập tại Đồi Chè. Đội gồm 5 đồng chí: Trần Văn Tuân (đội trưởng), Lý Hồng Xum, Đỗ Hữu Lý, Bùi Quang Châu và Hồ Văn Hòa. Về phương tiện chiếu bóng, đội chỉ có một máy chiếu phim 16 ly, loa, tăng âm và máy phát điện. Buổi chiếu đầu tiên tiến hành tại “Rẫy phụ nữ” thuộc khu Đồi Chè với bộ phim “Khúc ruột miền Trung”, được Ban Tuyên huấn và các chiến sĩ tấm tắc khen ngợi. Cuối năm 1968, Ban Tuyên huấn cử hai đồng chí Châu và Hòa đi học cách sử dụng máy chiếu và máy nổ tại Điện ảnh Khu V trong vòng 6 tháng. Tháng 2. 1969, đội được Ban Tuyên huấn bổ sung các đồng chí: Duyệt, Ánh và Nam. “Lúc này, chúng tôi ra quân đi phục vụ khắp các nơi như: các cơ quan thuộc Tỉnh ủy, trại thương binh, bộ đội và đồng bào ở vùng giáp ranh thuộc các huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn... Nhiều buổi chiếu phim được tổ chức ngay trong lòng địa đạo, với các bộ phim “Chung một dòng sông”, “Kim Đồng”, “Nguyễn Văn Trỗi”, “Nổi gió”, “Đường ra phía trước”, “Tuổi nhỏ chí cao”... Bác Tuân kể: Phương tiện vận chuyển của đội lúc đó chỉ là: gùi, xe đạp và bì nylon. Mỗi lần máy hư, đội lại cử đồng chí Hòa cõng ra Điện ảnh Khu V để sửa chữa hoặc đổi máy khác. Mãi đến năm 1973, khi không khí cuộc đấu tranh chống lại chiến dịch “bình định nông thôn” của địch trở nên quyết liệt, Đội Chiếu bóng được lệnh trở về căn cứ để sản xuất. “Một hôm, nắng đẹp trời, tôi cùng đồng chí Hòa đi cuốc cỏ, máy bay của ngụy phát hiện được, nó rà một vòng rồi sau đó thả bom nát cả vùng đất, may mà tôi và anh Hòa chạy nhanh kịp trốn vào kẽ đá bên dòng suối. Các kho thóc chôn dưới đất bị ném tung khắp nơi, bộ phận hậu cần buồn thiu, riêng chúng tôi mừng thầm vì đã kịp chuyển máy móc đi nơi khác” - bác Tuân nhớ lại.

Đời sống vật chất lúc này tuy kham khổ, nhưng đời sống tinh thần ở Đồi Chè thật sung sướng, bởi mỗi tuần, đội tổ chức chiếu phim một lần và các đợt chiếu được Ban Tuyên huấn tỉnh đánh giá cao.

Sau ngày giải phóng, những anh em trong đội, có người nghỉ hưu, có người chuyển sang ngành khác... nhưng tất cả họ đều tự hào đã có nhiều đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển điện ảnh Bình Định thuở ban đầu.

Bác Tuân chợt ngừng lại, nhấp một ngụm trà, rồi nhẹ giọng: “Bốn mươi năm qua, có những đêm khó ngủ, tôi lại nhớ khu Đồi Chè những đêm trăng sáng. Ánh trăng soi qua kẽ lá vẽ nên những bức tranh cảnh chiến khu kỳ ảo. Đêm hôm ấy đã thật khuya. Gió và sương núi lạnh thêm. Mảnh trăng đã khuất hẳn sau tán cây si bên mé sườn đồi. Trên rừng tiếng nai đang gọi bạn và tiếng suối chảy yên ả vọng về. Tập thể anh em chiếu bóng đốt lửa lên nướng củ mì, vừa ăn, vừa tính chuyện tương lai. Người hát khe khẽ, người ngâm thơ say sưa, người im lặng, bồi hồi suy tư và hy vọng vào ngày đất nước hoàn toàn giải phóng”.

Chia tay trong lưu luyến, đi được một đoạn, tôi quay lại bất ngờ bắt gặp ánh mắt nheo và vầng trán mỏi mệt của bác Trần Văn Tuân như vẫn còn ẩn giấu bao điều trong ký ức.

  • Võ Văn Tiễn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làng nghề đón Festival  (01/05/2008)
Về thăm đất nghề An Nhơn  (01/05/2008)
Qua cầu Trường Thi, đi tìm những bến nước con đò  (01/05/2008)
Tuyển chọn nhiều giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng tốt  (01/05/2008)
Rau sạch lại… chết !  (01/05/2008)
Trộm chó thời nay  (01/05/2008)
Khôi phục nghề truyền thống, tạo việc làm cho người dân  (01/05/2008)
“Xì trét” nơi công sở  (01/05/2008)
“Văn hóa clip” lan rộng trên Internet  (01/05/2008)
Thơ  (01/05/2008)
Hãy lao lên phía trước  (01/05/2008)
Chăm sóc SKSS - chuyện không của riêng ai  (01/05/2008)
Những người giữ hồn của núi  (01/05/2008)
Kết thúc điều tra vụ cướp giật trên đường phố  (01/05/2008)
Vạn chài mở hội  (01/05/2008)