KỶ NIỆM 33 NĂM GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT TỔ QUỐC (30.4.1975 - 30.4.2008)
Trường Lâm đất anh hùng
20:11', 1/5/ 2008 (GMT+7)

Thôn Trường Lâm thuộc xã Hoài Thanh - một địa chỉ đỏ của phong trào cách mạng huyện Hoài Nhơn. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vùng đất khô cằn sỏi đá này có hàng trăm căn hầm bí mật được nhân dân đào sâu dưới tầng đá ong để chở che nuôi giấu cán bộ cách mạng bền bỉ đấu tranh đến ngày thắng lợi. Dấu tích của một thời khói lửa ấy đã trở thành huyền thoại... và không phải ngẫu nhiên mà năm 1985 Đoàn quân sự cấp cao nước bạn Cu Ba đã về thăm trận địa lòng dân này.

 

Đường về “Trường Lâm Đỏ” qua thôn Mỹ An 1.

 

* Một vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Mặc dù chiến tranh đã đi qua 1/3 thế kỷ, nhưng mỗi khi nhắc đến Trường Lâm - mảnh đất nhỏ gắn liền với những năm tháng hào hùng của thời chống Mỹ đầy gian khổ hy sinh nhưng rất đỗi tự hào của nhân dân xã Hoài Thanh nói chung - người Trường Lâm nói riêng! Gò Dương, Gò Thành, Hòn Nhọn, Gò Gai, Gò Tháp, Gò Nghiêm... mỗi địa danh đều gắn liền với những chiến công hiển hách của quân và dân Hoài Thanh. Và, cũng chính trên mảnh đất này, tháng 2.1967 Đội du kích quyết tử mang tên Chim Én được thành lập với những trận đánh khiến quân thù nhiều phen “thất điên, bát đảo”, khiếp sợ trong từng giấc ngủ - những đội viên mà sau này đã trở thành những người con anh hùng của đất mẹ Hoài Thanh như các chị Phạm Thị Đào, Võ Thị Huy, Nguyễn Thị Ngân, các anh Nguyễn Trọng, Võ Văn Phước...

Thời đó bọn địch coi Trường Lâm là “làng cộng sản chìm” nên bọn chúng “chăm sóc” khá kỹ nơi đây bằng nhiều trận địa hỏa lực từ biển cũng như trên đất liền nhằm tàn phá, cày xới mảnh đất này thành bình địa để du kích và quân giải phóng không còn nơi trú ẩn. Tháng 5.1964 bọn địch mở trận càn khốc liệt với 20 xe tăng M113 và một đại đội bảo an từ Đệ Đức- Hoài Tân tràn về hòng san bằng Trường Lâm. Thế nhưng, chúng đã bị chặn đứng trước sự tấn công quyết liệt đầy mưu trí của du kích địa phương và Đại đội 3- Sư đoàn 3 Sao Vàng. Trận này ta đốt cháy và phá hủy 12 xe bọc thép, tiêu diệt gần như toàn bộ đại đội bảo an địch. Bị tổn thất nặng nề, hôm sau địch quay lại lùng sục và bắt đi 32 người dân Trường Lâm đem ra bãi biển Lâm Trúc tra khảo và bắn chết 14 người. Ngày 28 tháng Chạp năm 1967, hơn một tiểu đoàn quân Mỹ đổ bộ xuống Gò Dương - Gò Thành, du kích địa phương phối hợp với Tiểu đoàn 21 Tỉnh đội, bộ đội Sư đoàn 3 Sao Vàng chống trả quyết liệt. Trận đánh diễn ra dữ dội và vô cùng ác liệt. Đến 6 giờ chiều hôm đó trận địa của Mỹ tan rã, được sự yểm trợ của hỏa lực và trực thăng, những tên còn sống sót tháo chạy về trung đoàn 40 ở sân bay Đệ Đức, bỏ lại chiến địa 121 xác lính Mỹ, lính cộng hòa.

Do nhiều lần thất bại thảm hại tại Trường Lâm, địch điên tiết dội xuống mảnh đất này hàng trăm tấn bom đạn. Những năm tháng ấy vùng đất Trường Lâm chín đỏ vì khói lửa chiến tranh nhưng người dân vẫn gan lì bám trụ quê hương, giữ vững phong trào cách mạng. Với những chiến công đó, cuối năm 1970 Trường Lâm được phong tặng danh hiệu “Thôn Thành Đồng” và 3 năm sau - vào tháng 4.1973 - Trường Lâm được cấp trên phong tặng danh hiệu Anh hùng, trở thành thôn đầu tiên của huyện Hoài Nhơn đón nhận danh hiệu cao quý này. Khi chiến tranh kết thúc, nước nhà thống nhất, Trường Lâm có 159 liệt sĩ, 11 mẹ Việt Nam anh hùng (hiện còn sống 3), 210 thương binh, 153 gia đình có công cách mạng! Thật là một sự hy sinh cống hiến vô cùng to lớn không gì bù đắp được...

 

Một  góc trung tâm xã Hoài Thanh.

 

* Trường Lâm hôm nay và những điều còn trăn trở

Người ta bảo rằng, đất Trường Lâm trồng mì thì phải dùng chồ gỗ đóng hom mới cắm sâu vào đất được. Bởi đất ở đây toàn là sỏi cơm và những mảng - vạt đá ong dày đặc, lại bị bom đạn chiến tranh cày đi, xới lại nhiều lần, gò đồi thiếu vắng những bóng cây cổ thụ làm cho đất đai nơi đây vốn đã bạc màu lại càng thêm khô cằn hoang hóa. Thế nhưng, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và truyền thống chịu thương chịu khó của người dân Hoài Thanh, Trường Lâm hôm nay đã khác xưa nhiều lắm. Năm 1986 Trường Lâm được chia lại làm thành 4 thôn: Trường An 1, Trường An 2, Lâm Trúc 1 và Lâm Trúc 2. Hồi tưởng lại chuyện cũ, ông Võ Thanh Sơn, 65 tuổi - người du kích năm xưa nay là trưởng thôn Trường An 2 - chỉ tay về phía Gò Tháp, Gò Nghiêm nói: Trước kia 2 gò này là cứ điểm của địch được bố trí hàng rào công sự kiên cố với một khẩu đội pháo binh của chúng để trấn giữ hòng chặn đứng con đường liên lạc của ta từ đông đường lên tây đường. Địch san ủi 2 ngọn đồi này trơ trụi, gần giống như 2 nồi đất nung đỏ quánh, cho dễ bề quan sát các hoạt động chuyển quân và tiếp tế của ta. Bây giờ các vùng đồi này, kể cả các vùng bên kia của Trường An 1, Lâm Trúc 2 đã phủ kín một thảm xanh của keo lai, đào ghép, mì và những vườn dừa xanh trải dài trên khắp một vùng quê rộng lớn. Phía đông gần đường 4 (Tam Quan - Hoài Hương) là thôn Lâm Trúc 1. Ông Trương Kim Hùng- Trưởng thôn cho biết: Nơi đây là một vùng đầm nước, những năm chiến tranh cá nhiều vô kể nhưng người dân đâu dám đánh bắt. Đã có không ít người chết oan uổng trên vùng đầm nước này bởi địch cho rằng đó là cộng sản hoạt động thám thính. Vùng đầm nước này nay đã quy hoạch thành vùng nuôi cá, tôm, cua có khoảng trên 12 ha mặt nước. Phần lớn dân Lâm Trúc 1 và Lâm Trúc 2 sống chủ yếu bằng nghề khai thác biển, nuôi trồng thủy sản và làm một số dịch vụ nhỏ như buôn bán xăng dầu, nước đá; chế biến nước mắm, cá cơm; sửa chữa tàu, ghe.... Cả xã Hoài Thanh hiện có 256 tàu đánh bắt xa bờ thì riêng Trường Lâm đã có khoảng 70 tàu công suất từ 39CV trở lên.

Hiện nay về cơ bản, đời sống của nhân dân Trường Lâm so với trước năm 1975 đã có nhiều đổi thay và từng bước phát triển, nhất là về đời sống văn hóa tinh thần. Cả 4 thôn mới của Trường Lâm đều đã được công nhận Làng văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm có hơn 95% số hộ trong thôn đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Thu nhập bình quân người dân hàng năm (kể cả hộ làm ngư nghiệp) tăng 4 triệu đồng so với năm 2002, 85% hộ gia đình có nhà xây từ cấp 4 trở lên và các phương tiện nghe nhìn, đi lại. Tuy vậy, Hoài Thanh nói chung và Trường Lâm nói riêng vẫn là một vùng quê thuần nông, lại ở xa trung tâm huyện nên khó có điều kiện để phát triển nhanh như những địa phương khác.

Để đưa xã Hoài Thanh nói chung và thôn Trường Lâm nói riêng thoát dần thế thuần nông, độc canh cây lúa, nhiều năm qua Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xã chú trọng phát triển mạnh đàn bò lai, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân được vay vốn đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cụ phục vụ tốt hơn cho công việc ra khơi khai thác hải sản. Cùng với việc chuyển đổi 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa, từ năm 2006 đến nay, xã đã mạnh dạn chỉ đạo sản xuất theo mô hình lúa- cá. Để thực hiện mô hình này có hiệu quả, xã hỗ trợ cho bà con con giống, kỹ thuật nuôi và miễn thu bất cứ một khoản lợi nhuận nào của mô hình. Đồng thời xã vận động nhân dân tận dụng tiềm năng dồi dào sẵn có của địa phương là cây mì để phát triển nghề tráng bánh, chế biến bột mì, vừa tăng thêm nguồn thu nhập lại vừa có lương thực hỗ trợ cho phát triển chăn nuôi.

Hiện cả xã Hoài Thanh có 1 trường THCS, 2 trường tiểu học và 6 trường mẫu giáo đảm bảo cho gần 2.800 em học sinh các cấp học tập. Thế nhưng, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy, vui chơi của giáo viên và học sinh nơi đây vẫn còn thiếu thốn nhất là các điểm trường mẫu giáo. Riêng ở Trường Lâm, tuy đường làng ngõ xóm có mở mang nhưng phần nhiều là đường đất; lại chưa có một công trình lịch sử - văn hóa nào để ghi nhớ những chiến công vang dội của một thời đấu tranh bất khuất năm xưa. Nhân dân xã Hoài Thanh nói chung và thôn Trường Lâm nói riêng rất mong các ngành, các cấp cần có sự đầu tư thiết thực hơn nữa về sự nghiệp y tế- giáo dục, hệ thống giao thông nông thôn; quan tâm đến việc xây dựng một số cơ sở chế biến nông - lâm - hải sản, tạo điều kiện cho người dân nơi đây có công ăn việc làm tăng thu nhập tại chỗ để thoát nghèo.

Chia tay Trường Lâm, một chiều se lạnh nhưng trong lòng tôi bỗng ấm lên những giai điệu tình cảm thiết tha từ bài ca gợi nhớ về một thời bi tráng của đất mẹ Trường Lâm: “Nơi đây một thời giặc gọi là Trường Lâm đỏ. Dân ta tự hào gọi đó Trường Lâm yêu thương. Đằng đẵng mười năm lặng thầm giấu nuôi cán bộ. Trong những căn hầm chìm sâu dưới tầng đá ong... Tình người Trường Lâm một vùng đất thép! Đã khảm vàng lên Hoài Thanh hai chữ thành đồng... Xưa qua Trường Lâm đất dày bom đạn. Một vùng hoang trắng máu thắm đường vào. Nay về Trường Lâm xanh xanh mở lối. Người mong người đợi mừng vui tái tê...”.

  • Diệp Bảo Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhớ những ngày ở Đồi Chè  (01/05/2008)
Làng nghề đón Festival  (01/05/2008)
Về thăm đất nghề An Nhơn  (01/05/2008)
Qua cầu Trường Thi, đi tìm những bến nước con đò  (01/05/2008)
Tuyển chọn nhiều giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng tốt  (01/05/2008)
Rau sạch lại… chết !  (01/05/2008)
Trộm chó thời nay  (01/05/2008)
Khôi phục nghề truyền thống, tạo việc làm cho người dân  (01/05/2008)
“Xì trét” nơi công sở  (01/05/2008)
“Văn hóa clip” lan rộng trên Internet  (01/05/2008)
Thơ  (01/05/2008)
Hãy lao lên phía trước  (01/05/2008)
Chăm sóc SKSS - chuyện không của riêng ai  (01/05/2008)
Những người giữ hồn của núi  (01/05/2008)
Kết thúc điều tra vụ cướp giật trên đường phố  (01/05/2008)