Theo dấu Bát quái côn
20:15', 3/6/ 2008 (GMT+7)

Võ sư Trương Vương Dương luyện Bát quái côn.

Bát quái côn là một trong 10 bài thi đấu bắt buộc của Liên đoàn Võ Cổ truyền Việt Nam. Theo dấu Bát quái côn, tôi tìm về thôn Đông Phước (xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên), tìm gặp võ sư Trương Vương Dương, một trong những truyền nhân còn lại của bài võ độc đáo này…

* Bát quái côn xuất xứ từ đâu

Theo võ sư Trương Vương Dương, tổ sư của Bát quái trận tại Việt Nam là ông Huỳnh Dzềnh, ông dượng thứ sáu của ông. “Cả nhà tôi không ai biết dượng gốc gác từ đâu. Tôi chỉ nghe kể rằng dượng may mắn thoát chết sau khi thuyền bị sóng lớn đánh tan tành ngoài biển, dạt vào đất Phú Yên và tình cờ gặp được cô sáu của tôi rồi nên nghĩa vợ chồng”.

Sinh thời, võ sư Huỳnh Dzềnh đã dạy cho ông Trương Hường, cha ông Dương, một bài võ rất đặc biệt, đó chính là Bát quái côn hay Bát quái trận đồ. Đêm nào, ông cũng bắt ông Hường tập bài võ này, mục đích chính là để phòng thân. Ông Hường được rèn luyện với rất nhiều binh khí trong Bát quái trận, nhưng tuyệt chiêu của Bát quái trận chính là Bát quái côn thì ông mê mẩn và miệt mài luyện tập. Không những vậy, ông Hường còn sáng tạo thêm những chiêu thức mới để phát triển Bát quái côn.

Mười sáu tuổi, ông Hường mở lớp võ. Lúc này, ông đã rành rỏi Bát quái côn. Cũng năm đó, người anh của ông Hường là Trương Long A, học võ Bình Định, cáp độ một trận thượng đài tại Phú Yên. Vậy nhưng, ông A lại có người yêu ở Quy Nhơn, nên mấy hôm trước ra Quy Nhơn chơi. Đang trên đường về, xe đò hư, thành ra ông A không kịp tham gia trận đấu. Ban Tổ chức gọi võ sĩ Trương Long A thượng đài mãi mà vẫn chẳng thấy anh đâu, thế là ông Hường nóng ruột, nhảy lên thượng đài đấu thay. Đối thủ là võ sư Châu Long (Quảng Ngãi), biệt hiệu “Lân Hổ”. Ông này dùng Bàng Long cước tấn công ông Hường, nghe thấy cả tiếng gió phựt phựt; tay đâm ra, xé toạc cả da thịt ông Hường. Còn ông Hường thì lấy nhu thắng cương, tận dụng quyền thuật trong Bát quái trận mà đánh. Khi đối phương tung đòn, ông né, chờ đến hiệp thứ sáu, đúng vào thời điểm đối phương thấm mệt, ông mới tung đòn quyết định hạ gục đối thủ. Khi đó, võ sư kia dùng ngón tay đâm ngay vào mắt, ông Hường nghiêng người tới trước, dùng tay đấm thẳng vào huyệt Đan điền của đối phương, rồi vặn người đập chỏ trúng vào huyệt Nhân trung. Đối phương bị hạ gục tức thì.

Từ trận đó, võ sư Hường thực sự nổi danh và ông quyết định dạy võ để kiếm sống. Năm võ sư Trương Hường 20 tuổi, ông mới chính thức biểu diễn Bát quái côn trong các kỳ thi đấu võ thuật. Nhìn Bát quái côn biến hóa lanh lẹ, đẹp mắt và có những cú đánh ngoạn mục, hấp dẫn, mọi người yêu cầu ông khi có đại hội võ thuật thì phải diễn Bát quái côn. Năm 22 tuổi, võ sư Hường vào thị xã Tuy Hòa, thì gặp một đám đông vây kín cả đường. Hiếu kỳ, ông dừng chân ghé xem. Mới hay có một võ sĩ người Nhật, Tứ đẳng huyền đai, đã đánh một người dân đến bất tỉnh nhân sự. Võ sư Hường nhảy vào can. Tay Nhật túm lấy tay võ sư định quăng luôn. Khi đang bị quăng ở trên không, võ sư Hường thả lỏng người bay theo. Tay người Nhật kia giật lại, định kéo xuống đất, vậy là võ sư Hường mượn lực đối phương vật lại. Tay người Nhật lộn mấy vòng…

Kể đến đây, gương mặt võ sư Dương rạng ngời. Ông tâm sự: “Cha tôi từng nói, đúng ra thì ông học võ để tự vệ thôi, chứ không thượng đài làm chi. Thế nhưng thời thế tạo anh hùng là vậy. Cha tôi có đến 12 người con, tui là đứa thứ 7 và cả 12 anh chị em chúng tôi, người nào cũng được cha truyền cho Bát quái trận để phòng thân”.

 

Huấn luyện Bát quái trận cho thế hệ sau.

 

* Tuyệt chiêu Bát quái côn...

Ba tuổi đầu, võ sư Trương Vương Dương được cha dạy võ và đến năm 12 tuổi, ông đã bắt đầu đứng lớp dạy võ. Số là hồi ấy, võ sư Hường có mở một lớp võ nằm cạnh một hóc núi ở Đồng Lãnh. Một tuần, võ sư Hường lên lớp hai lần. Hồi ấy, Dương vừa học, vừa thay cha chỉ lại những gì mình đã học cho những võ sinh ở đó.

Võ sư Dương tâm sự : “Hồi trước, ba tôi dạy mục đích cho học trò tự vệ, chứ không muốn đi hành nghề và vẫn cố dành lại một vài bí quyết. Mà không riêng gì cha tôi, đa số các võ sư ngày ấy đều có suy nghĩ đó. Họ sợ rằng truyền dạy hết, lỡ gặp trúng người không có đạo đức, thì sinh chuyện… Còn thời tôi bây giờ, nói chuyện khổ luyện võ rất khó. Người học võ được, hành võ được thì không làm kinh tế được. Cho nên, nếu gắn bó với nghiệp võ thì phải biết hi sinh…”.

Khi bóng nắng buổi sáng đã len tới giữa sân, võ sư Dương quyết định biểu diễn cho tôi xem tuyệt kỹ của Bát quái côn. Cây côn gia truyền được làm bằng gỗ xay nặng 6kg, dài 1,7m. Những nét roi ông đưa ra uyển chuyển, phức tạp, linh hoạt, biến hóa khôn lường và rất đẹp mắt. Võ sư Dương giải thích, rằng Bát quái côn có 24 thế, học đúng thầy, đúng bài bản thì dễ, bộ pháp hoàn hảo sẽ làm được, trong vòng 10 ngày là xong. Nhưng còn học sai, bộ pháp không linh hoạt, không biến hóa, thì không cách nào học được. Bí quyết của Bát quái trận là lấy nghịch chế thuận, lấy cương thắng nhu. Cương mà chậm thì không đến cường; cường vừa dũng mãnh vừa nhanh cho nên đối phương có thể bị phản công, dính đòn hiểm mà không hay …

Năm 1994, Phú Yên đăng cai Hội diễn Võ thuật Cổ truyền Toàn quốc, võ sư Trương Hùng, anh con bác ruột của võ sư Trương Vương Dương đã biểu diễn Bát quái côn . Từ đó, Bát quái côn chính thức được chọn là một trong mười bài thi đấu bắt buộc của Liên đoàn Võ Cổ truyền Việt Nam. Năm 2005, tại Hội diễn Võ thuật Cổ truyền Toàn quốc, con trai võ sư Trương Hùng là Trương Mạnh Phương đã đạt HCV với bài Bát quái côn, và một người con lớn của ông là Trương Mạnh Cường cũng đoạt nhiều huy chương khu vực và quốc gia.

  • Tường Thành
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/06/2008)
Trường Lâm đất anh hùng  (01/05/2008)
Nhớ những ngày ở Đồi Chè  (01/05/2008)
Làng nghề đón Festival  (01/05/2008)
Về thăm đất nghề An Nhơn  (01/05/2008)
Qua cầu Trường Thi, đi tìm những bến nước con đò  (01/05/2008)
Tuyển chọn nhiều giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng tốt  (01/05/2008)
Rau sạch lại… chết !  (01/05/2008)
Trộm chó thời nay  (01/05/2008)
Khôi phục nghề truyền thống, tạo việc làm cho người dân  (01/05/2008)
“Xì trét” nơi công sở  (01/05/2008)
“Văn hóa clip” lan rộng trên Internet  (01/05/2008)
Thơ  (01/05/2008)
Hãy lao lên phía trước  (01/05/2008)
Chăm sóc SKSS - chuyện không của riêng ai  (01/05/2008)