Chậu kiểng đá mài được ưa chuộng
14:55', 4/6/ 2008 (GMT+7)

Anh Ngô Văn Thông (Nhơn Hưng) trang trí họa tiết trên sản phẩm.

Khoảng chục năm trở lại đây, các nghệ nhân, người chơi cây kiểng thiên về chơi cây cội làm thành tác phẩm sinh vật cảnh (SVC) mang dáng dấp cổ thụ. Cách chơi này đòi hỏi phải có không gian rộng; đương nhiên chậu, đôn chậu phải đồ sộ, tương xứng với gốc và tàng cây kiểng. Từ đó, dòng chậu được đúc bằng xi măng, trong có cốt thép, đắp đá mài đã trở nên đắc dụng và phù hợp trong việc trang trí, phối cảnh cho những tác phẩm SVC, được giới chơi cây kiểng nghệ thuật ở Bình Định hiện nay ưa chuộng.

1. Có 2 cách sử dụng chậu xi măng để trồng cây và trang điểm cho cây kiểng. Đối với cây có kích cỡ lớn, thường thì người ta đặt gốc xuống nền đất hoặc nền xi măng, có vị trí thích hợp, rồi xây lên mấy lớp gạch làm khung chậu và lấp đất lại, coi như một cây kiểng đã vào chậu. Khi cành lá lên xanh, bộ rễ phát triển ổn định, người chơi cây chuẩn bị một bộ chậu đẹp, bằng xi măng (có cốt thép bên trong chịu lực) đúng kích cỡ và kiểu dáng phù hợp để chuyển cây vào trồng; công việc này phải cậy đến nhiều người, hoặc phải dùng đến xe cẩu hay máy nâng. Đã có nhiều nghệ nhân Bình Định sử dụng cỡ chậu có đường kính đến 2,5m, hoặc loại chậu hình bầu dục chiều dài có khi đến hơn 3m. Có cách khác để làm chậu cho cây cỡ đại là ngay từ khi mới khai thác cây, người ta đã đo làm sẵn một tấm bê tông cốt thép để sau này làm đáy chậu, đặt cây lên và xây thành chung quanh, chiều cao của thành chậu tùy theo ngẫu hứng và thích hợp với gốc cây, sau đó vào đất trồng, chờ cây xanh tốt mới tạo hoa văn cho bộ chậu và phối đá, làm tiểu cảnh cho phần gốc rễ.

Để ra một bộ sản phẩm chậu kiểng và đôn chậu, các nghệ nhân, thợ đúc chậu phải trải qua nhiều công đoạn. Ông Trần Quốc Luận, chủ một cơ sở sản xuất chậu kiểng ở thôn Giang Nam, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước cho biết quy trình tạo ra một sản phẩm: đầu tiên phải làm cốt đất (bằng đất phù sa để đảm bảo độ mịn) theo hình thù chậu và đôn chậu định làm; đắp hỗn hợp cát và xi măng (thường dùng xi măng Kim Đỉnh, P40 để nhanh khô và đảm bảo độ cứng) chung quanh cốt đất; khi lớp thành chậu vừa tạm khô thì đắp lên khung sắt để làm cốt chịu lực; đắp tiếp hỗn hợp cát, xi măng bên ngoài, vuốt đều để cân độ chuẩn của chậu, đôn chậu, không để phần sắt lộ ra ngoài, nhưng phải đảm bảo thành chậu không quá dày; chờ khi khung chậu thật sự khô, đắp lên thành chậu một lớp hỗn hợp cát, xi măng trắng, màu (tùy chọn), đá dăm nhỏ trang trí; chờ khô khoảng vài ngày rồi dùng máy mài bằng điện, hoặc đá mài lớp ngoài của chậu, đôn chậu cho đến khi nhẵn bóng, sắc cạnh các chi tiết của chậu, đôn chậu; công đoạn cuối là đắp hoa văn nổi lên thành chậu, chỉ có nghệ nhân và các thợ khéo tay nhất cơ sở mới thực hiện được.

 

Các mẫu chậu xi măng nghệ thuật mi ni.

 

2. Các chủ đề của tranh trang trí chậu kiểng cũng rất phong phú, các nghệ nhân, thợ đúc chậu thường chọn các nội dung gắn đời sống tinh thần, với thú vui cầm, kỳ, thi, họa; với thú điền viên dân dã, những canh, tiều, ngư, mục …. Phổ biến là các hình tượng con dơi, chữ Hán là “phụ”, lại có cách viết và cách đọc gần giống chữ “phúc”, nhằm cầu được phúc đức; con nai theo tiếng Hán là chữ “lộc”, hướng đến sự giàu sang thịnh vượng; cây tùng, cây bách là loại cây cao niên, bền bỉ giữa nắng, mưa, trời, đất nên được xem là biểu tượng của tuổi thọ….

Chơi chữ bằng hoa văn trang trí trên thành chậu cũng là một thú chơi đầy thông tuệ của các nghệ nhân. Thường thì khi đã có một cây đẹp, người chơi mới đi đặt làm chậu cho phù hợp. Chậu phải đi đôi với đôn chậu mới tạo được tác phẩm hoàn hảo. Những cây có bộ rễ đẹp, người chơi muốn khoe bộ rễ thì phải dùng chậu có thành mỏng, lúc này các nghệ nhân chỉ sử dụng các hoa văn đơn, chạy chỉ vành chậu. Nhưng đối với những cây cần nhiều đất thì thành chậu phải cao hơn; người chơi thường chọn chữ cho phù hợp với các cạnh chậu; như: “xuân du phương thảo”, “hạ thưởng lộc hà”, “thanh phong minh nguyệt”, “tam đương khai thái”, “tứ hải hưng long”, “mai lan cúc trúc”, “hoa khai phú quy”ù, “an khang thịnh vượng”, “thiên thượng địa hạ, bản ngã bất di”… dùng cho các chậu chữ nhật, vuông, bát giác. Còn những cây trồng dáng đổ, người chơi phải chọn chậu thân trụ cao, có đôn cao, mỗi cạnh chậu thường dùng một số họa tiết, hoặc tranh có tuồng, tích, dùng chữ theo chiều đứng “mai xuân sắc”, “trúc thanh tâm”, “thiên địa nhân”,… Nhiều nghệ nhân làm chậu nghệ thuật bằng chất liệu xi măng ở Bình Định không những độc đáo, tinh xảo về hình thức trang bày chậu và đôn chậu, mà còn thâm thúy trong dùng chữ, chơi chữ trên thành chậu. Đẳng cấp của các nghệ nhân, các thợ làm chậu cũng thể hiện từ ý tứ này.

Bộ đôn chậu đắp rồng nổi.

3. Đến cơ sở sản xuất chậu kiểng nghệ thuật bằng chất liệu xi măng của anh Ngô Văn Thông, ở thôn Hòa Cư, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn (là học trò xuất sắc của cố nghệ nhân Ngô Xuân Cảnh, bậc thầy của làng đúc chậu xi măng nghệ thuật ở Bình Định), chúng ta sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng bàn tay điêu luyện của anh trong đường nét đắp hoa văn trên thành chậu. Anh Thông tay trái bưng một chén xi măng pha dẻo với nước và tay phải dùng một con dao nhỏ (mũi nhọn) đắp xi măng thoăn thoắt lên thành chậu, tạo nên những bức tranh nổi, như một họa sĩ, một điêu khắc gia thực thụ, mặc dù anh không qua một trường lớp mỹ thuật nào. Nhiều người chơi hoa kiểng tôn anh Thông là nghệ nhân, bởi anh có nhiều mẫu chậu, đôn chậu mới lạ và đầy sáng tạo, đầy chất ngẫu hứng; mặt khác, khi thao tác chỉ trong vài phút, là anh có thể hoàn thành một bức tranh nổi trên thành chậu, với đường nét sống động và mang những nội dung rất tinh tế. Ở thôn Hòa Cư, xã Nhơn Hưng, ngoài anh Ngô Văn Thông, người em ruột là Ngô Văn Bộ, cùng một người trong xóm là Lê Tấn Đạt cũng có những đôi tay điêu luyện chuyên sản xuất chậu kiểng bằng đá mài. Còn nhiều cơ sở sản xuất chậu kiểng bằng xi măng tên tuổi khác ở trong tỉnh, như cơ sở ông Trần Quốc Luận ở thôn Giang Nam, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước; ông Nguyễn Văn Thứ ở thôn Phú An, xã Tây Phú ông Nguyễn Thanh Sơn ở xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn; cơ sở anh Sáu Vũ, anh Xuân Thời ở TP. Quy Nhơn, … các sản phẩm của họ được nhiều người trong Nam, ngoài Bắc ưa chuộng.

Phong cách chơi hoa kiểng nghệ thuật của người Bình Định đang ngày càng trở nên chuyên nghiệp và phong phú hơn với sự góp mặt của các loại kiểng lớn. Cùng với việc ra đời của dòng chậu nghệ thuật làm bằng xi măng, đây thực sự là phát hiện mới của nghiệp chơi hoa cảnh; mở ra một phong trào sản xuất và hứa hẹn một thị trường tiêu thụ chậu kiểng nghệ thuật bằng xi măng đá mài rất tiềm năng.

  • Ngọc Diên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nâng tầm “thương hiệu” võ Bình Định  (04/06/2008)
Theo dấu Bát quái côn  (03/06/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/06/2008)
Trường Lâm đất anh hùng  (01/05/2008)
Nhớ những ngày ở Đồi Chè  (01/05/2008)
Làng nghề đón Festival  (01/05/2008)
Về thăm đất nghề An Nhơn  (01/05/2008)
Qua cầu Trường Thi, đi tìm những bến nước con đò  (01/05/2008)
Tuyển chọn nhiều giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng tốt  (01/05/2008)
Rau sạch lại… chết !  (01/05/2008)
Trộm chó thời nay  (01/05/2008)
Khôi phục nghề truyền thống, tạo việc làm cho người dân  (01/05/2008)
“Xì trét” nơi công sở  (01/05/2008)
“Văn hóa clip” lan rộng trên Internet  (01/05/2008)
Thơ  (01/05/2008)