Tiết Thanh Minh thường bắt đầu từ tháng Ba âm lịch, muộn lắm là vào đầu tháng Tư âm lịch hàng năm. Vào dịp này, một số làng quê ở Bình Định vẫn giữ được phong tục cúng Thanh Minh...
|
Nghi thức tế lễ ở miếu Tây, thôn Mỹ Thuận, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn. Ảnh: NT.X
|
* Tưởng niệm tiền nhân
Theo một số tài liệu, Thanh Minh là tiết thứ năm trong 24 tiết của một năm. Đây là dịp tiết trời trong sáng mát mẻ nhất của năm. Nhân dịp tiết Thanh Minh người ta cúng Thanh Minh. Ngoài lễ vật cúng gia tiên và Đất, Trời, theo truyền thống của Việt Nam và Trung Quốc, người dân còn tổ chức tảo mộ. Thông thường, trước Tết Nguyên đán, nhiều gia đình tổ chức đi tảo mộ cho những người thân thích, ruột rà; còn vào dịp Thanh Minh, họ đi tảo những ngôi mộ vô chủ.
TS. Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, cho biết ở miền Bắc, người dân cũng có cúng Thanh Minh nhưng không cúng trong miếu. Ở miền Trung, người dân thường cúng trong miếu, đình và tục cúng Thanh Minh trở thành phong tục phổ biến ở các thôn, làng. Riêng ở Bình Định, nhiều thôn, làng, từ vùng núi, đồng bằng đến miền biển, đều tổ chức cúng Thanh Minh hằng năm. Đình, miếu ở Bình Định thường là nơi thờ cúng những người có công khai hoang lập làng, lúc còn sống được cử làm hương chức, khi qua đời được tôn là “Tiền hiền khai khẩn”, và người có công khai thị, đắp mương, bồi lộ (lập đường giao thông) được tôn là “Hậu hiền khai cơ”. Các miếu ở xóm không chỉ là nơi thờ các vong hồn không có người cúng giỗ mà thường là nơi thờ thần Nông.
Cách cúng Thanh Minh ở các làng quê Bình Định về cơ bản giống nhau. Vào dịp này, người miền biển còn tổ chức tế ông Nam Hải. Ông Phan Nung (79 tuổi, ở xóm 8, thôn Nhơn Thuận, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn) cho biết: ở xóm ông, người ta thường cúng Thanh Minh vào 3 hoặc 4 giờ sáng và kéo dài khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, cũng có một số địa phương tổ chức cúng vào buổi trưa, sau khi đi tảo mộ xong vào buổi sáng.
* Một nét văn hóa tâm linh
Việc cúng Thanh Minh lớn hay nhỏ, tùy vào điều kiện của từng địa phương. Ngoài việc thực hiện các nghi lễ theo truyền thống như tảo mộ, viếng mộ gia tiên, cúng chay, cúng mặn; trong những ngày cúng Thanh Minh, người dân còn góp tiền mời đoàn hát bội về xây chầu hát án. Riêng các làng ven biển, thì tổ chức hát bả trạo. Một vài nơi ở huyện Tây Sơn như ở làng Mỹ Thuận, xã Tây Bình, còn tổ chức các trò chơi dân gian hoặc đá gà.
Ở Thanh Minh tự (phường Đống Đa, Quy Nhơn), hàng năm nhân dân khu vực này thường họp nhau lại, đi tảo mộ. Mỗi nhóm đi tảo mộ được người quản thủ phát cho một bó gân lá dừa. Giẫy được mả nào thì bẻ một khúc gân lá dừa nhỏ. Khi về, người quản thủ đếm đủ số lượng thì thôi, nếu thiếu thì phải đi giẫy thêm để không sót một ngôi mộ nào.
TS. Đinh Bá Hòa cho rằng: cúng Thanh Minh là một tín ngưỡng dân gian rất hay, mang tính cộng đồng cao, tồn tại từ lâu trong dân gian. Dù không phải tất cả mọi người đều ủng hộ việc cúng Thanh Minh, nhưng thực tế cho thấy, đa số người dân vẫn muốn duy trì nét văn hóa tâm linh này. Hàng năm, cứ đến tiết Thanh Minh, không ai bảo ai, người dân trong thôn, xóm lại tề tựu đông đủ, mỗi người một việc: người già thì nhắc nhở, chỉ bảo việc này việc nọ; đám thanh niên thì đóng trại; cánh phụ nữ nấu nướng…. Kết thúc các nghi lễ, người dân ngồi lại hàn huyên, thăm hỏi nhau. Đến tối, họ rủ nhau đi xem hát. Không khí náo nức như hội; tình làng nghĩa xóm, nhờ vậy được thắt chặt hơn. Ông Phạm Viên (85 tuổi), thành viên Ban Quản lý Thanh Minh miếu (số 429, đường Bạch Đằng, TP. Quy Nhơn), một trong những nơi ở Quy Nhơn vẫn tổ chức cúng Thanh Minh hàng năm, cho biết: Năm nào, người dân trong khu vực cũng ủng hộ rất nhiệt tình, cả nhân lực và vật lực để tổ chức lễ Thanh Minh.
Cúng Thanh Minh, như vậy, là một phong tục mang tải những nét đẹp văn hóa, vừa thể hiện sự tri ân với tiền nhân, vừa tưởng nhớ những người đã mất không ai thờ cúng. Hiện tại, ở Bình Định, vẫn còn một số địa phương giữ được lễ này với cách thức tổ chức bài bản, thu hút ngày càng nhiều người tham gia. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng vừa thực hiện xong các sản phẩm lễ Thanh Minh ở thôn Mỹ Thuận, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn để lưu giữ nét đẹp tín ngưỡng dân gian này. Ông Nguyễn Văn Ngọc, chuyên viên Phòng Phát triển Sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: “Lễ Thanh Minh là một loại hình lễ hội dân gian chuyển tải nhiều nét văn hóa bản địa, thể hiện tính nhân văn. Những nét văn hóa phi vật thể như lễ cầu an, lễ cúng Đất, lễ thần Nông đều được dung hợp và chuyển tải qua nghi thức tế lễ, tảo mộ trong lễ Thanh Minh”.
|