“Gió theo lối gió”
19:38', 4/6/ 2008 (GMT+7)

Chiều lên, bắt đầu bằng một đợt gió nồm từ biển thổi vào. Mỗi tháng có một nồm: tháng Giêng - tháng Hai nồm dịu, tháng Ba nồm rộ (còn gọi là nồm ngọt, nồm săn). Nồm cũng ngọt ư? Nồm ngọt cũng như nhát phạng anh làm đồng chém ngọt vào bờ ruộng um tùm cỏ anh cần dọn cho sạch. Chiều nay, tôi và những người quanh tôi, nơi Công viên biển này (ngày xưa, gọi là Eo Nhịn Thở) được hưởng cái nồm rộ của biển.

 

Trên lối đi lát gạch quanh Quảng trường, rất đông người đi bộ thể dục. Ảnh: Văn Tư

 

Biển nối tiếp không dứt những đợt sóng bạc đầu xô nhau chạy vào bờ, xô nhau vỗ vào những mạn tàu thuyền đậu trên mặt biển Khu Hai. Gió bắt đầu thổi, xua đi cái khí hè oi bức trọn một ngày, và đem sự “lai tỉnh” cho con người. Gió thổi, mát mái đầu, mát thịt da. Gió thổi, bản nhạc chiều tấu lên và có người đã muốn tìm một câu trả lời xác đáng, rằng: Rặng liễu thùy dương hát? Hay biển hát? Hay gió động tình hát? Chắc là một bản hòa tấu ngàn đời của biển, gió và rặng liễu thùy dương. Gió thổi. Gió xào xạc trong vườn cây lộc vừng, xà cừ, hoa sữa, xen kẽ những mảng sáng tối. Rồi gió lặng im mất hút chạy trốn đâu đó theo kiểu trẻ thơ chơi trò ú tim, cút bắt. Nhưng, gió tức thì xuất hiện trở lại. Gió bây giờ nghe nặng mùi cá tôm và rong rêu của biển trời Khu Hai được mùa, tàu thuyền đánh bắt chở đầy cá tôm vừa về chật bến. Gió trêu tà áo biếc cô gái đi đường, gió bồng bềnh mái tóc chàng sinh viên đại học mỗi chiều rời ký túc xá ra đây đi bách bộ với chiều, với biển và với gió.

Tôi rời công viên biển, thả bộ trên vỉa hè lát gạch rộng thênh thang đường Nguyễn Tất Thành, đi về hướng Siêu thị và Quảng trường thành phố.

Mặt trời chiều còn non một sào mới khuất sau dãy núi Bà Hỏa, vậy mà lượng người đến Quảng trường trên đường Nguyễn Tất Thành đông chẳng khác gì ngày hội. Trên lối đi lát gạch rộng 8m, dài 1.000m quanh quảng trường, rất đông người đi bộ thể dục. Những nam nữ thanh niên tạo thành những tốp maratông khỏe khoắn, tươi trẻ và ngoạn mục. Những người cao niên thong thả, đi ít, chặp chặp lại ngồi nghỉ hồi lâu trên những ghế đá kê dài dọc theo lối đi của quảng trường. Có những người ngồi trầm tư đi theo kiểu “thiền hành” của nhà tu hành luôn nuôi một tâm niệm hướng về cõi Giác; có những người đi theo kiểu “để tâm hồn ràng buộc với muôn dây” của nhà thi sĩ.

Hàng trăm cánh diều đủ hình dáng, đủ màu sắc, đủ cỡ bay lên, bay lên. Những thân diều phần phật trong gió, trải cánh trong không trung, liệng thấp, vút cao và sáo diều đã cất tiếng vi vu… Có người đã tự hỏi: “Bầu trời bỗng cao xanh để cho cánh diều em thơ bay lên cao, hay cánh diều em thơ nâng bầu trời lên tới cao xanh?”. Có người phát hiện: Bầu trời hát, hát điệu u huyền cho chiều thêm sống động. Tôi nghĩ về mối liên quan: Bầu trời - Mặt đất - Cánh diều - Ngọn gió nồm rộ - Tuổi thơ. Đó là một phần của tuổi thơ tôi nơi một vùng quê nghèo khó mà thanh bình ở dưới chân thành Hoàng Đế có còn lại gì đâu, ngoài những dấu tích của phế thành. Chiều nào cũng như chiều nào, tôi vẫn để ý sự có mặt của một ông lão cao lớn, mắt mờ, đầu đội mũ phớt, được một đứa bé gái chừng 10 tuổi đưa ông ra đây, đặt ông trên một ghế đá quen thuộc (người ngồi trước sẵn lòng nhường ông) cho ông ngồi thả diều. Ông ngồi yên trên ghế đá, tay ông mở từ từ cuộn dây và mắt ông không rời cuộn dây ông cầm trên tay. Đứa bé gái buông diều và gió và cuộn dây trong tay ông nâng diều lên cao dần, cao dần rồi nhập vào một không trung đặc diều. Diều ông chao liệng theo gió và theo bàn tay “điều khiển từ xa” của ông, nhưng ông có thấy gì nơi cánh diều ông lúc này. Có phải chăng những lúc như thế này, ông lão được quay về sống với những kỷ niệm tuổi thơ của mình: Những lúc đi học, đi chơi và thả diều cùng chúng bạn? Những kỷ niệm đó êm đềm và xa xăm, nếu ông không cố giữ, nó đã mất.

 

Cùng hóng gió chiều. Ảnh: Duy Tân

 

Nơi tôi đang ngồi đây là một không gian rộng, có những ngã 5, ngã 6 nhộn nhịp những dòng xe xuôi ngược, công viên xanh, quảng trường bên cạnh, biển không xa… Nhưng chừng đó chưa đủ cho một thành phố đang phát triển. Tôi mong sao trong thành phố ta, có thật nhiều những công viên, quảng trường cho dân đi thể dục sớm chiều, đi hóng gió, đi ra với biển, cho những em thơ (và những cụ già) đi thả diều… Tôi đi thể dục, ngồi ghế đá Công viên biển, ngồi ghế đá Quảng trường thành phố đã trăm chiều, trăm lần chờ trăng từ biển tím bầm mọc lên, mới có một chiều tôi “ngộ” ra rằng mình thật hạnh phúc. Vì mình đang có cả một kho trăng gió biển trời quê hương ban cho, không so đo mà thật vô tư, hào phóng.

  • Huỳnh Kim Bửu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Rời ghế nhà trường sa vào đường trộm cắp  (04/06/2008)
Nét văn hóa tâm linh  (04/06/2008)
Hiệu quả từ các phong trào văn hóa - thể thao  (04/06/2008)
Chậu kiểng đá mài được ưa chuộng  (04/06/2008)
Nâng tầm “thương hiệu” võ Bình Định  (04/06/2008)
Theo dấu Bát quái côn  (03/06/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/06/2008)
Trường Lâm đất anh hùng  (01/05/2008)
Nhớ những ngày ở Đồi Chè  (01/05/2008)
Làng nghề đón Festival  (01/05/2008)
Về thăm đất nghề An Nhơn  (01/05/2008)
Qua cầu Trường Thi, đi tìm những bến nước con đò  (01/05/2008)
Tuyển chọn nhiều giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng tốt  (01/05/2008)
Rau sạch lại… chết !  (01/05/2008)
Trộm chó thời nay  (01/05/2008)