* Truyện viết cho thiếu nhi của Đinh Ngọc Hùng
|
Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuấn |
“Tôm ăn chạng vạng
Cá ăn rạng đông”
Trời chạng vạng tối, tôi và cái Huyền đặt vó xong. Ba mươi hai cái trải kín bờ đầm. Hoàng hôn phía chân trời đằng tây lóe đỏ rồi tắt lịm, trả lại không gian cho bóng tối. Một lát, đằng đông, một màu vàng lan tỏa xô dần bóng đêm. Sau lũy tre làng, trăng tròn vành vạnh nhô ra. Gió lao xao rung rinh lá. Mặt đầm sậy gợn lăn tăn nom như những dải lụa. Những thân sậy phất phơ trên mặt nước đẹp như trong tranh thủy mặc.
Rải xong vó, tôi với cái Huyền quay lại chỗ để rổ chờ cho lũ tôm tìm tới ăn mồi. Hồi chiều, tôi định tối nay ra đầm sậy kéo vó. Đang rang thính thì cái Huyền sang, thế là nó gạ tôi cho đi bằng được. Nó bảo cho nó đi, nó sẽ cầm rổ. Vả lại, kéo vó đêm có hai người cũng đỡ sợ… ma. Nghe nói xuôi tai, thế là tôi đồng ý. Thính kéo vó rang bằng cám gạo, thêm vài cánh hoa hồi thơm nức cả xóm. Lũ tôm đi ăn ngửi thấy cứ là rủ nhau chui vào vó.
Mặt trăng càng lên cao càng sáng. Dưới ánh trăng có thể nhìn rõ cả từng cọng cỏ, từng quả vú sữa trên mặt đất. Trong đám cỏ gần chỗ tôi và cái Huyền ngồi, một con dế đang kêu ti tỉ.
Tôi nhổm dậy nhón bước tiến lại gần. Phía sau tôi, cái Huyền cũng bám sát như cái bóng. Tiếng ki ri ki ri vẫn cất lên đều đều như không hề biết đến những bước chân đang tiến lại gần. Tôi thò tay vạch đám cỏ để tìm cái hang có tiếng kêu phát ra. Vì đã có kinh nghiệm tìm hang dế nên chẳng khó khăn gì, tôi đã tìm đúng nơi cần tìm. “Thấy rồi hử?”, cái Huyền hỏi. Tôi quay lại bảo:” Ừ! Đi múc nước lại đây”. “Lấy cái gì múc được?”. Ừ nhỉ. Rổ thì thưa không thể múc nước được; cái ống bơ có thể múc nước thì lại đang đựng thính. Nghĩ một lát, chợt cái Huyền à lên:”Lấy túi bóng đựng cua múc nước nhé? Giờ vẫn chưa có con nào mà”.
Ờ! Cái Huyền cũng nhanh trí thật. Nó chạy lại lấy túi bóng múc nước đem đến chỗ tôi. Tiếng dế giờ đã im bặt. Tôi be một đường vòng quanh miệng hang cho nước khỏi chảy ra ngoài, rồi nghiêng túi bóng đổ nước xuống. Nước từ miệng túi xối xuống lỗ hang ồng ộc. Không khí không thoát được, vỡ kêu tấc tấc. Tôi ngoảnh lại nói với cái Huyền: “Quan sát kỹ xung quanh nhé. Nó ngạt nước nhảy ra ngay bây giờ đấy!”. Cái Huyền ngồi thụp xuống, căng mắt nhìn quanh. Dù ở rìa đầm, nhưng cái hang ngốn khá nhiều nước. Tôi chạy đi múc mỏi cả cẳng mà cứ như đổ vào hang chuột.
Loài dế thường làm hang gần rìa ao hay rìa đầm nước. Hang dế đào khúc khuỷu và có nhiều ngách phụ. Các ngách này là đường thoát của dế khi bị tấn công. Bị giội nước, dù chịu giỏi đến mấy rồi dế cũng ngạt nước và phải trồi ra.
Mấy túi nước nữa đổ vào mà miệng hang vẫn chẳng có động tĩnh. Chẳng lẽ lợi dụng trời tối con dế đã thoát được? Tôi toan bỏ cuộc thì cái Huyền hét toáng lên: “Con dế đấy! Nó đang thò đầu ra. Ôi! To quá”. Tôi buông cái túi bóng chạy lại chỗ cái Huyền. Ở một cái ngách nhỏ dưới mấy cọng cỏ gà, một cái đầu dế đen mun thò ra mỗi lần nước trong hang dâng lên. Tôi vung tay chụp. Chà! Một con dế cụ to như ve sầu. Đôi cẳng tua tủa gai của nó phóng tanh tách vào tay tôi đau điếng. Cái Huyền nài nỉ tôi cho nó xem con dế. Tôi bỏ con dế vào trong túi bóng, rồi giơ lên ánh trăng. Con dế nhảy tung lên, đạp vào thành túi bùng bục. Nom nó thật ra dáng một con dế chọi. Hiếm lắm tôi mới gặp một con to thế này. Ngày mai, bọn trong xóm thể nào chẳng nhớn nhác đi đào dế chọi cho bằng được.
Tôi buộc túi bóng lên cành tre, rồi giục cái Huyền cầm sào, cầm rổ đi cất vó. Mải với con dế quá, không khéo lũ tôm đã ăn hết thính bỏ đi rồi. Trăng sáng nhìn rõ từng gọng vó, từng dây buộc dưới nước. Tôi nhẹ nhàng luồn cây sào xuống gầm dưới gọng, cất lên. Bốn thanh tre rung nhè nhẹ tạo ra những sóng nước giao nhau. Lòng vó từ từ nhô lên, cắt mặt nước thành một ô vuông. Nước nhỏ giọt xuống mặt đầm tong tong. Xoạch xoạch! Tiếng tôm bị kéo lên khỏi mặt nước giãy phành phạch. Một tay giữ sào, một tay tôi quờ túm đáy vó đổ tôm vào rổ mà cái Huyền kề sẵn. Lũ tôm bị bắt thi nhau nhảy lạch tạch. Ngoài lũ tôm, mấy con cá đòng đong, cá nẹp cũng nằm phơi bụng trắng toát. Cái vó này gần chỗ tôi vừa múc nước cứ tưởng chẳng có con nào, vậy mà chúng vẫn đến. Tôi đặt vó lại chỗ cũ rồi bốc một nhúm thính ném vào giữa vó. Gặp nước, thính tan ra thành một đám bằng cái vung nồi. Cái Huyền bẻ mấy cành tre gài lên mặt rổ để tôm không nhảy được ra ngoài.
Kéo hết lượt, tôi và cái Huyền trở lại chỗ ban đầu. Mới chỉ lượt đầu mà lũ tôm đã lạo xạo trong rổ. Sờ vào những thân hình trong suốt cồm cộm trứng mát rượi cả tay. Vì túi đựng cua đã nhốt con dế, nên tôi giật mấy sợi cỏ may trói còng mấy con cua vừa bắt được lại. Lũ cua bị trói con nào con ấy nằm im không cử động được. Chỉ có đôi mắt giương lên cụp xuống và miệng sầu ra từng đám bọt trắng.
Mặt trăng đã nằm giữa đỉnh đầu. Ban ngày, mặt trời ở vị trí này là lúc nắng gắt nhất, còn ban đêm lại là lúc trăng sáng tỏ. Tiếng lẹt kẹt của sào kéo giờ đây đã đều đều tẻ nhạt, thế nhưng mỗi khi vó được kéo lên, cả tôi và cái Huyền lại hồi hộp dán mắt vào đáy vó. Và tiếng lạch xạch của lũ tôm bị bắt có sức hấp dẫn kỳ lạ. Rổ đã đậy kín bằng lá tre, thế nhưng lũ tôm vẫn nhảy ra ngoài. Chốc chốc, cái Huyền lại cúi xuống vạch cỏ tìm những con tôm đã nhảy ra. “Hình như có cua” - cái Huyền nói khi tôi vừa kéo vó lên,” để em bắt cho”. Nó thò tay quờ vào trong. Rồi nó á lên một tiếng, giật vội tay lại. “Cái gì thế?” - tôi hỏi. “Không phải cua… Con gì dèn dẹt ấy”. Một tay tôi túm gọng vó, còn tay kia thò vào. Một con vật dèn dẹt như lá với những cái chân ngắn khều khều vào tay tôi. Tôi nhấc nó soi lên trăng rồi phì cười:” Ồ! Một con cà cuống. Không ngờ lại bắt được cả cà cuống”. Thấy tôi bảo là cà cuống cái Huyền vồ ngay lấy: “Cho em. Bà bảo con gái ăn thịt cà cuống tóc sẽ dài và mượt ra”. Tôi lại phì cười vì câu nó nói. Song tôi vẫn đưa con cà cuống cho nó.
Tưởng gì chứ cà cuống đi tát lần nào chẳng bắt được. Người ta bảo: “Cà cuống chết đến đít còn cay” là vì ở phần ngực cà cuống đực có hai túi chứa tinh dầu, mùi rất thơm. Cà cuống thường trèo lên đẻ trứng ở những cọng cỏ cứng gần mặt nước. Sau khi đẻ trứng, cà cuống không ở canh trứng mà thường quẩn quanh kiếm ăn gần đấy. Hễ có kẻ phá tổ là chúng tới đuổi kẻ thù. Ở trong đồng, thấy trứng cà cuống dùng ngón tay búng bùm bụp xuống nước, cà cuống sẽ bơi đến. Vì có thân hình cồng kềnh trong khi những cặp chân lại ngắn ngủn, nên dù trong nước hay trên bờ chúng đều di chuyển chậm chạp. Nhìn thấy cà cuống đến, người không quen lội ruộng cũng bắt được. Bắt được cà cuống, chúng tôi thường vơ cỏ khô, vơ rạ đốt lên nướng. Cà cuống nướng có mùi thơm ngậy. Thịt cà cuống vừa thơm vừa ngon. Trứng cà cuống bỏ vào nướng nở phồng rộp, cho vào mồm nhai nổ lép bép như ăn bánh đa.
Cà cuống xuất hiện nhiều vào mùa mưa và mùa cạn đồng. Lúc đó, chúng thường chui xuống bùn trốn hoặc bay tới những vùng đầm nước mới. Cách ngụy trang duy nhất của cà cuống là giả làm những chiếc lá rong, lá rêu lơ lửng trong nước hay trên mặt bùn.
Rổ tôm đã nặng dần. Những con cua bị trói cũng nằm kín quanh cạp rổ. Trời về khuya tôm ăn thưa thớt. Tiếng vạc kêu sương ngoài đầm vắng vọng về lạc lõng. Mắt tôi, mắt cái Huyền đã nhíu cả lại vì buồn ngủ. Tôi lôi chiếc vó cuối cùng lên bờ vắt khô nước rồi giục cái Huyền chuyển vó về. Chúng tôi đi giữa ánh trăng trải khắp làng quê. Một buổi tối tuy mệt nhưng vui vì rổ tôm nặng trĩu. Tôi không quên cầm theo con dế cụ bắt hồi tối. Cái Huyền ở phía sau cất tiếng hát:
“Bà còng đi chợ trời mưa
Cái tôm cái tép đi đưa bà còng
Đưa bà qua quãng đường đông
Đưa bà về tận ngõ trong nhà bà
Tiền bà trong túi rơi ra
Tép tôm nhặt được trả bà mua rau”
Rồi cả tôi và nó cùng phá lên cười như nắc nẻ. Trên con đường vắng lặng ngập ánh trăng soi, giờ chỉ còn tiếng bước chân giẫm lên sỏi lạo xạo và tiếng tôm lách tách nhảy trong rổ.
|