* 1001... nỗi lo
|
Siêu âm theo dõi sự phát triển của thai nhi. Ảnh: T.H |
Đã nhiều lần chị Tuyết cảm thấy bực bội với đồng nghiệp trong cơ quan, không ít lần chị mắng nhân viên một cách vô cớ. Năm nay 35 tuổi, chị mới mang thai lần đầu nên thường hay buồn bực, giận hờn, dễ xúc động, thậm chí có lúc còn khóc cười vô cớ. Chị tâm sự: “Từ khi mang thai, tâm trạng của tôi hay lo lắng, nghĩ vẩn vơ về sức khỏe của mình và của đứa con trong bụng cũng như về cuộc sinh đẻ sắp tới. Tôi thường tự hỏi liệu đứa con sắp chào đời có khỏe mạnh, có học giỏi và hiếu thảo…”. Cứ như thế, chị tự đặt nhiều câu hỏi nhưng lại không thể trả lời. Tình trạng này tiếp diễn lâu ngày làm cho chị ngày càng mệt mỏi, gắt gỏng với người thân và đồng nghiệp.
Không chỉ chị Tuyết, mà chị Thảo cũng thường xuyên mệt mỏi, căng thẳng, gặp mọi người trong cơ quan chị đều tỏ thái độ không vui, nhất là khi cấp dưới của chị làm không đúng như quy định. Lâu ngày, mọi người trong cơ quan không dám cười đùa với chị như trước kia. Chị đã 40 tuổi, là trưởng phòng của một doanh nghiệp có tiếng tăm, nhưng chị lại sống độc thân, do vậy mà chị dồn tất cả tâm sức cho công việc, đến lúc cần chia sẻ lại không có ai bên cạnh.
Trong cuộc sống hiện đại này không chỉ những người phụ nữ có cuộc sống độc thân đôi khi cảm thấy cô đơn, mệt mỏi, chán chường, thậm chí trầm cảm mà ngay cả những phụ nữ sau khi sinh con cũng rơi vào tình trạng này.
Trước đây, khi mang thai, chị Thủy, 27 tuổi luôn cảm thấy rất thoải mái, vui vẻ, lúc nào chị cũng mong đợi đứa bé chào đời. Nhưng từ khi sinh đứa con đầu lòng, chị Thủy cảm thấy hay buồn, có lúc cáu gắt vô cớ và bị mất ngủ thường xuyên. Người nhà chị không hiểu lý do vì sao chị có thái độ như vậy.
* Cởi bỏ vướng mắc
Lý giải điều này, bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Hòa, Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh, cho biết: “Phụ nữ mang thai thường hay có tâm trạng lo lắng: con sinh ra có được khỏe mạnh, khi sinh nở có được mẹ tròn con vuông và sau khi sinh hình dáng có bị “sồ sề”, chi tiêu cho đứa con chào đời như thế nào… Nếu thai nghén là điều được cả hai vợ chồng mong ước thì nỗi lo này thường đi kèm với những niềm hy vọng tốt đẹp, những ý nghĩ dịu dàng, thân thiết mong mỏi ở đứa con tương lai. Ngược lại nếu là thai nghén không mong muốn, nhất là những trường hợp “con không như ý muốn” thì nỗi lo hãi, bực dọc sẽ tăng lên gấp bội”.
Riêng đối với trường hợp phụ nữ sau khi sinh có tâm trạng cáu gắt, được cho rằng: Trong những ngày đầu sau khi sinh con, người phụ nữ thường phải chịu đau đớn, khó chịu, họ phải thường xuyên chăm sóc con, đêm không được ngủ yên giấc, mối quan hệ với chồng cũng thay đổi, đặc biệt là sau khi sinh đứa con đầu lòng… Do vậy, nếu không nhận được sự giúp đỡ hỗ trợ của thầy thuốc, gia đình và bạn bè, người phụ nữ có thể rơi vào trạng thái buồn bực, lâu ngày sinh ra trầm cảm. Trong cuộc sống hiện đại, áp lực công việc cùng với gánh nặng gia đình khiến cho người phụ nữ ngày càng mệt mỏi, căng thẳng. Do vậy, người phụ nữ rất cần sự sẻ chia, động viên của những người thân trong gia đình.
Bác sĩ Hòa cho biết thêm: “Đối với người phụ nữ mang thai cần phải có tâm lý thoải mái về tinh thần, tránh bực tức, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh làm việc nặng, làm việc trong môi trường độc hại, không tiếp xúc với những người bệnh truyền nhiễm, tiêm phòng vác xin để phòng bệnh uốn ván, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý…”.
Điều đáng nói, để thích nghi với những điều khó chịu này, không những bản thân người có thai cần tự biết các diễn biến này không có gì nghiêm trọng, mà cả những người thân trong gia đình và bè bạn cũng cần hiểu những hiện tượng đó để có thái độ thông cảm, chấp nhận và đối xử với người có thai một cách tế nhị hơn bao giờ hết. Người có thai nên tâm sự cởi mở với chồng và người thân thích để được chia sẻ, giải tỏa những buồn bực trong lòng.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tinh thần luôn được thoải mái, người phụ nữ nên ngủ đủ giấc, không nên thức quá khuya hoặc uống các chất kích thích như cà phê, chè…, hãy dành ưu tiên cho giấc ngủ để làm tốt công việc cho buổi sáng hôm sau. Khám sức khỏe thường xuyên là điều rất cần thiết, khi nào cảm thấy không ổn về sức khỏe hãy đi kiểm tra để được chẩn đoán và điều trị kịp thời thay vì lo lắng phân vân mà không làm gì cả, kể cả khi không gặp phải vấn đề nào nghiêm trọng. Ít nhất nên duy trì việc đi khám sức khỏe mỗi năm một lần. Điều này sẽ giúp phát hiện bệnh đầy đủ cũng như biết cách chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, đối với người phụ nữ sống độc thân, nên tạo một cuộc sống vui tươi, cởi mở, giao lưu với mọi người để cân bằng cuộc sống tinh thần, từ đó tìm được niềm vui trong công việc và trong cuộc sống thường ngày.
|