Những người thợ cống
20:7', 4/6/ 2008 (GMT+7)

Những người đến với nghề móc cống đều có sức khỏe, lòng kiên nhẫn và sự chịu đựng dẻo dai. Dù vất vả, cực nhọc nhưng động lực giúp họ bám trụ với nghề bởi nỗi lo gánh vác cả gia đình.

 

Cả ngày, người móc cống phải ngâm mình dưới nước cống.

 

* Một ngày làm việc

Từ 6 giờ sáng, đội móc cống gồm 20 người, đều đến từ thôn Phổ Trạch (xã Phước Thuận, Tuy Phước), tập trung điểm quân số, chuẩn bị dụng cụ làm việc. Hành trang mà những người thợ này mang theo là chiếc xe kéo tay, xà beng, cuốc, xẻng… và một cà mèn cơm trưa. Tại điểm làm việc, 15 người nam nhanh tay đảm nhận công việc nặng nhọc nhất từ khâu cạy nắp cống đến nạo vét cống, xúc bùn lên xe ben. Số người nữ còn lại lo khâu vận chuyển bùn, đất, rác ở các đường hẻm đến nơi đổ chất thải.

Công việc của đàn ông có phần nặng nhọc hơn nhiều. Hàng ngày, họ phải phân nhau xuống cống để hốt bùn. Võ Văn Dũng, 38 tuổi, đội trưởng, cho biết: “Ống cống thoát nước có nhiều loại lớn, nhỏ khác nhau. Ống cống ngoài mặt đường, ít rác thải thì đã có xe hút cống đảm nhận. Đoạn đường dài mấy chục mét, xe hút bùn, sục khí làm việc trong vòng một ngày mà không phải đụng tay, chân đến nước cống. Số ống cống ở khu dân cư đông đúc, đường hẻm nhỏ, xe không thể đến được thì Công ty Cấp thoát nước Bình Định hợp đồng với chúng tôi hốt cống. Thông thường, một đoạn đường dài 20 m, chúng tôi làm việc quần quật từ 7 giờ đến 17 giờ, mất 3- 5 ngày mới hoàn thành (tùy theo lượng chất thải, kích thước ống cống). Có đường cống, chúng tôi làm việc gần 20 ngày mới xong”.

Vận chuyển bùn đất đến nơi đổ.

Quan sát các thợ móc cống làm việc tại đoạn cống hẻm 162/15 đường Nguyễn Thái Học, TP. Quy Nhơn, chúng tôi thật sự bàng hoàng. Ống cống cao khoảng 1,65m, bề ngang rộng khoảng 1m nhưng chứa cơ man nào là rác thải. Anh Trần Văn Thương, 34 tuổi, xỏ vội đôi ủng, nhảy xuống hầm cống, xúc từng xẻng đất bùn quăng lên. Thứ đất bùn đặc quánh lẫn đủ thứ rác đang phân hủy ẩn dưới lòng nước, thi nhau bốc mùi. Nước chỉ ngập tới đùi nhưng cả người họ dính bết bùn đất. Các hộ dân cư ở xung quanh đều phải đóng cửa, có người vội vàng “di tản” con cái đi ở nhờ nhà người quen vì không chịu được mùi thối của cống. Vậy mà, những người thợ móc cống vẫn miệt mài làm việc, họ còn tỏ ra vui mừng vì hôm nay không gặp phải đường cống có “vàng nhân tạo”.

* Nỗi niềm người móc cống

Tai nạn nghề nghiệp của người móc cống thiên hình vạn trạng. Anh Nguyễn Hồng Sơn (26 tuổi), người trẻ tuổi nhất đội, kể: “Ngày đầu tiên xuống cống, mùi hôi thúi xông lên nồng nặc, tôi đã bỏ cả xẻng nhảy lên bờ, ói xanh mặt. Cơm trưa cũng bỏ dở vì và miếng nào vào miệng là trào ra bởi mùi hôi thối của nước cống vẫn còn bám đầy mình”. Đó chỉ là chuyện của người mới bước vào nghề. Những người có thâm niên 20 năm như ông Võ Văn Thảo (61 tuổi) thì gặp đủ chuyện tai nạn khác nhau. Ông tâm sự: “Đạp phải mảnh chai, sắt chỉ là chuyện nhỏ, có lúc, miếng đanh bê tông hoặc dụng cụ làm việc đập vào chân mới khủng khiếp. Nhẹ thì sưng chân vài ngày, nặng thì bó bột cả tháng. Nhưng sợ nhất là những hầm cống mà toàn chất thải là phân gia súc, phân người. Cả ngày phải ngâm mình dưới đống chất thải ấy thì chỉ muốn ngã bệnh thôi”. Như để minh chứng cho lời nói của mình, ông Thảo lật đôi bàn chân đầy vết sẹo từ những vụ tai nạn ấy cho chúng tôi xem. Vết thương chồng lên vết thương làm cho đôi bàn chân của ông chằng chịt sẹo. Ông cười: “Nhiều bữa, vết thương còn chưa lành, gặp phải nước cống cứ rát bỏng cả da”. Vậy mà, ông vẫn “hồn nhiên” bật mí bí quyết chữa vết thương của mình: “Tôi luôn mang theo chai dầu gió, mỗi khi bị thương, xoa vội vào là được”.

Chuyện được người dân nhìn bằng ánh mắt thông cảm, chia sẻ, cho nhờ nghỉ trưa ở sân nhà hoặc rửa tay chân đã đem lại niềm vui với họ. Song, nhiều người có thái độ không tốt với những người thợ móc cống. Chị Nguyễn Thị Tám, 34 tuổi, kể: “Những người kinh doanh ăn uống, thấy đội đến là chửi mắng, đốt thông long xua đuổi. Nhiều bữa, tuy đã thông báo trước cho dân biết thời gian thi công, nhưng đội vẫn hứng trọn một đống phân tươi xối ra cống. Ức lắm, nhưng im lặng, đôi khi cạy cục xin xỏ mới có gia đình đồng ý cho vào tắm rửa”.

 

Tìm được nước sạch để rửa tay, ăn trưa ở nhà dân.

 

Trong số 20 người thì có đến 6 cặp là vợ chồng. Họ vẫn nói vui với nhau là “vừa san sẻ phần cơm vừa thấu hiểu nỗi khổ của nhau, đặc biệt là không ai “kỵ mùi” ai được”. Song, phần lớn, họ bám trụ chỉ vì nghề móc cống đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Ông Thảo tâm sự: “Tôi gắn bó với nghề móc cống bởi nó giúp tôi nuôi 8 miệng ăn trong gia đình. Hiện nay, thu nhập 90.000đ/ngày, có tháng tôi kiếm được 3 triệu đồng. Số tiền ấy là khá cao so với những người nông dân, ít học và lớn tuổi như tôi”. Mặc dù, các con đã trưởng thành, có gia đình riêng nhưng ông Thảo vẫn cố gắng bám trụ với nghề, ông bộc bạch: “Còn sức khỏe, còn công việc, tôi vẫn cố gắng theo nghề, tích góp chút ít để vợ chồng an dưỡng tuổi già sau này”. Vợ chồng anh Dũng thì chăm lo cho 4 con ăn học, đứa lớn nhất mới vừa thi đậu vào trường Trung cấp xây dựng ở Đà Nẵng, 3 đứa nhỏ vẫn còn học phổ thông.

Nghỉ trưa, mỗi người lại giở cà men cơm đã nguội, chút cá, canh cùng ăn dưới mái hiên nhà cạnh đường ống cống. Chia tay với những người móc cống, chúng tôi mới thấm thía câu nói của anh Dũng: “Mỗi người có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh ở nơi công cộng, xử lý rác thải hợp lý thì công việc của chúng tôi đỡ vất vả hơn nhiều. Mọi vất vả trong nghề, chúng tôi đều quên hết khi thấy các con chăm ngoan, được ăn học thành tài”.

  • Hải Yến
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những “nỗi lo” của phụ nữ  (04/06/2008)
Sứa, món ăn vị thuốc và giảm béo  (04/06/2008)
Cất vó đêm  (04/06/2008)
“Gió theo lối gió”  (04/06/2008)
Rời ghế nhà trường sa vào đường trộm cắp  (04/06/2008)
Nét văn hóa tâm linh  (04/06/2008)
Hiệu quả từ các phong trào văn hóa - thể thao  (04/06/2008)
Chậu kiểng đá mài được ưa chuộng  (04/06/2008)
Nâng tầm “thương hiệu” võ Bình Định  (04/06/2008)
Theo dấu Bát quái côn  (03/06/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/06/2008)
Trường Lâm đất anh hùng  (01/05/2008)
Nhớ những ngày ở Đồi Chè  (01/05/2008)
Làng nghề đón Festival  (01/05/2008)
Về thăm đất nghề An Nhơn  (01/05/2008)