Tây Sơn trúng mùa gạch ngói
20:30', 4/6/ 2008 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, giá các loại gạch ngói trên địa bàn huyện Tây Sơn tăng cao, đầu ra thuận lợi, thị trường tiêu thụ hết sức nhộn nhịp. Nhiều cơ sở sản xuất gạch ngói đã mở rộng công suất, tăng sản lượng để đáp ứng yêu cầu thị trường.

 

Công nhân cơ sở sản xuất gạch ngói Sơn Thịnh (Cụm công nghiệp Phú An, xã Tây Xuân) chuyển gạch vào lò nung.

 

* Giá gạch, ngói tăng cao

Ông Nguyễn Phi Hào, Chủ nhiệm HTX gạch ngói Phú Phong, cho biết: Trong 4 tháng đầu năm nay, HTX sản xuất được trên 900 ngàn viên gạch, ngói các loại. Tuy sản lượng tăng gấp đôi so với cùng kỳ các năm trước, nhưng vẫn không đủ sản phẩm cung cấp cho khách hàng. Giá gạch hiện tăng gấp 2 lần so với năm 2007, gấp 3 lần so với năm 2006, song yêu cầu thị trường vẫn rất lớn.

Giá gạch ngói tăng khá cao nhưng hầu hết các cơ sở sản xuất gạch ngói ở Tây Sơn vẫn trong tình trạng “cháy” hàng vì nhu cầu của thị trường tăng mạnh. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Tây Sơn hiện có trên 550 cơ sở sản xuất gạch ngói. Trong 4 tháng đầu năm, các cơ sở sản xuất gạch ngói ở đây đã sản xuất được trên 20 triệu viên gạch, ngói, nhưng hầu như đã được tiêu thụ hết. Sản phẩm gạch ngói Tây Sơn hiện đã được mở rộng ra toàn quốc nhờ đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, chất lượng nên được thị trường chấp nhận. Để đa dạng hóa sản phẩm, một số cơ sở sản xuất gạch ngói ở Tây Sơn đã nghiên cứu các mẫu gạch, ngói cổ như: gạch đinh, gạch lá dừa, gạch cẩn mặt tiền, ngói vảy cá, ngói vảy rồng… nhằm cung cấp cho các công trình tu sửa các di tích quốc gia trong toàn quốc.

Nhờ giá tăng cao, hầu hết các cơ sở sản xuất gạch, ngói ở Tây Sơn đềâu làm ăn có lãi. Riêng HTX gạch ngói Phú Phong, đến hết tháng 4.2008 doanh thu đạt trên 370 triệu đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ các năm trước.

* Lao động làm gạch có giá

Do gạch ngói tăng giá đã thu hút lượng lao động khá lớn cho các cơ sở sản xuất gạch ngói ở Tây Sơn. Hiện nay, nhân công sản xuất gạch ngói ở Tây Sơn được trả lương cao gấp đôi, gấp ba so với trước đây nhưng nhiều cơ sở vẫn không tìm được lao động.

Ông Trần Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Thịnh ở cụm công nghiệp Phú An, xã Tây Xuân, cho biết: Từ đầu năm 2008, giá nhân công sản xuất gạch ngói được công ty trả tăng gấp đôi, lao động nữ được trả 40.000 - 50.000 đồng/người/ngày; nam 70.000 - 80.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên, trong mấy tháng qua, công ty luôn trong tình trạng thiếu lao động. Với công suất sản xuất trên 10.000 viên gạch, ngói/ngày đêm, cần đến 15 - 18 lao động, nhưng hiện công ty chỉ có 11 lao động. Thời gian qua, đơn vị luôn thông báo tuyển công nhân nhưng vẫn không tìm ra. Còn tại HTX gạch ngói Phú Phong, thời điểm này, cũng thường xuyên thiếu từ 8 - 10 lao động cho công đoạn bốc dỡ gạch ngói ra vào lò…

Nguyên nhân thiếu hụt nguồn lao động tại các cơ sở sản xuất gạch ngói ở Tây Sơn là do hầu hết các lò đều mở rộng quy mô sản xuất, tuyển công nhân với mức lương khá hấp dẫn. Một số cơ sở còn đưa ra các hình thức thuê công nhân như làm công nhật, khoán sản phẩm, làm ca… Theo thống kê, hiện các cơ sở sản xuất gạch ngói ở Tây Sơn đang có khoảng 11.000 lao động làm việc, mức lương bình quân từ 1,5 triệu - 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do đặc thù của nghề sản xuất gạch ngói là khá nặng nhọc, sản xuất theo thời vụ nên hầu như không thu hút được lực lượng lao động trẻ. Hiện số lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất gạch ngói ở Tây Sơn đều ở tuổi khá cao, bên cạnh nghề làm gạch ngói, họ vừa tham gia sản xuất nông nghiệp nên lao động làm gạch ngói thường xuyên có sự biến động lớn mỗi khi vào vụ sản xuất.

Đây là vấn đề mà các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần quan tâm để có chính sách thu hút, đào tạo nguồn lao động cho các cơ sở sản xuất gạch ngói ở Tây Sơn, một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương này.

  • Nguyễn Quý
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Long rong qua miền quê - phố  (04/06/2008)
Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong tình hình mới  (04/06/2008)
Những người thợ cống  (04/06/2008)
Những “nỗi lo” của phụ nữ  (04/06/2008)
Sứa, món ăn vị thuốc và giảm béo  (04/06/2008)
Cất vó đêm  (04/06/2008)
“Gió theo lối gió”  (04/06/2008)
Rời ghế nhà trường sa vào đường trộm cắp  (04/06/2008)
Nét văn hóa tâm linh  (04/06/2008)
Hiệu quả từ các phong trào văn hóa - thể thao  (04/06/2008)
Chậu kiểng đá mài được ưa chuộng  (04/06/2008)
Nâng tầm “thương hiệu” võ Bình Định  (04/06/2008)
Theo dấu Bát quái côn  (03/06/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/06/2008)
Trường Lâm đất anh hùng  (01/05/2008)