TRƯỜNG THCS BÁN TRÚ ĐINH RUỐI (AN LÃO):
Học sinh chịu khổ “nuôi” con chữ
19:29', 5/6/ 2008 (GMT+7)

1. Trường THCS bán trú Đinh Ruối được thành lập từ tháng 8.2004. Trường nằm trên một ngọn đồi cao thuộc xã An Quang, huyện An Lão. Đây là nơi học tập, ăn ở của 232 học sinh (HS)  bậc THCS người dân tộc Hrê của 3 xã vùng cao An Toàn, An Nghĩa và An Quang. Trước đây, khi chưa thành lập được trường, chỉ một số rất ít HS học hết lớp 5 của các xã vùng cao này được tiếp tục vào học lớp 6 ở trường PTDTNT huyện An Lão. Phần lớn HS còn lại đều phải dừng việc học ở bậc tiểu học. Ông Nguyễn Văn Hóa- Hiệu trưởng trường - cho biết: “Những năm gần đây, tỉ lệ HS người dân tộc thiểu số được huy động vào lớp 6 ở các xã An Toàn, An Nghĩa, An Quang luôn đạt 98%. Nhờ đó, 3 xã cũng luôn đạt chuẩn về phổ cập giáo dục THCS”.

 

Trường THCS bán trú Đinh Ruối được thành lập tháng 8.2004 đã góp phần phổ cập giáo dục THCS cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở 3 xã vùng cao của huyện An Lão.

 

2. Hầu hết HS ở các xã An Toàn, An Nghĩa… đến học ở trường THCS bán trú Đinh Ruối phải băng rừng “xuống núi” với khoảng 20-30 km đường rừng, đường đèo dốc, nên cả một học kỳ, các em mới được về thăm nhà một lần. Cả trường, chỉ có khoảng 7-8 em gia đình không thuộc diện nghèo. Do gia đình nghèo, nên hầu như HS không được hỗ trợ gì ngoài số tiền hỗ trợ của Nhà nước là 80.000 đồng/tháng. Anh Nguyễn Thành Khai, cán bộ quản lý HS ở trường, cho biết: “Với số tiền 80.000 đồng này, nhất là trong lúc vật giá tăng như hiện nay, chúng tôi chỉ có thể cho các em ăn no, không đau ốm gì là mừng rồi!”. Hôm chúng tôi đến thăm trường, các em cũng vừa ăn xong suất cơm trưa mà thức ăn chỉ là nước mắm pha thêm muối, nêm thêm ít dầu và bột ngọt cộng với một tô canh “chay” lõng bõng toàn nước. Đã vậy, HS cũng chỉ được phục vụ ăn vào những ngày học, còn thứ Bảy, Chủ nhật các em phải tự túc nấu ăn bằng số gạo, củ mì cha mẹ gởi xuống.

 

Em Đinh Thị Nhi ở thôn 1, xã An Toàn, học sinh lớp 6A2 của trường, đang xúc gạo chuẩn bị cho bữa cơm chiều cuối tuần.

 

3. Không chỉ ăn uống kham khổ, mọi phương tiện phục vụ cho việc ăn, ở, học tập tại trường đều thiếu thốn. Trường hiện tại vẫn thiếu phòng ở nội trú, các em phải mượn tạm phòng học để ở. Mỗi phòng ở có đến 22- 24 em, có khi 2 em phải cùng chung một giường. Ngoài ra, trường vẫn chưa có tường rào cổng ngõ, các phòng chức năng, thư viện phục vụ học tập cũng không có… Ngày thứ Bảy, Chủ nhật HS phải tự túc nấu cơm ăn, nhưng trường không có nhà bếp dành riêng cho HS nên các em phải kê mấy cục đá nấu ăn ở ngoài trời. An Lão, những ngày đầu hè, buổi chiều trời thường đổ những cơm mưa bất chợt. Hôm chúng tôi đến thăm, gặp các em đang nấu cơm dưới trời mưa. Hai học sinh phải túm 4 đầu một mảnh ni lông che mưa cho một bạn khác ngồi bên dưới, lui cui thổi lửa nấu nồi cơm chiều. Thấy cảnh đó, mà thắt lòng. Toàn trường chỉ có mỗi một cái giếng đóng phục vụ cho việc tắm, giặt của HS. Nhiều em tắm xong (cả nữ) phải chui xuống gầm cầu thang của dãy nhà 2 tầng để thay quần áo vì trường cũng chẳng có nhà tắm, nhà vệ sinh...

 

Không đủ phòng ở nội trú, HS phải mượn tạm phòng học để ở.

 

HS tắm xong phải chui xuống gầm cầu thang để thay quần áo.

 

Toàn trường chỉ có mỗi một cái giếng đóng cho các em tắm, giặt.

 

4. Khi vào trường, HS được cấp mùng, mền, chiếu... để sử dụng trong 4 năm sống và học tại trường. Với tiêu chuẩn 80.000 đồng/tháng/HS được Nhà nước cấp, nhà trường phải tổ chức cho các em ăn 3 bữa/ngày nên hết sức kham khổ, thiếu thốn. Thế nhưng, em nào cũng vui vì được xuống đây ăn, ở, học tập. Đinh Thị Nhi, HS lớp 6A2 kể: “Nhà em ở tận thôn 4 xã vùng cao An Toàn- xã cao nhất, xa nhất của huyện An Lão- nên một học kỳ cha mẹ mới xuống đón về thăm nhà một lần. Được đi học em vui lắm vì được biết chữ, có bạn bè cùng chơi...”. Còn em Đinh Thị Hà, HS lớp 9, ở thôn 1, xã An Toàn thì tâm sự: “Em đã học ở trường được 4 năm rồi và sắp sửa tốt nghiệp THCS. Học ở đây rất vui, được thầy cô giáo chăm sóc, giáo dục thật tốt. Em mơ ước tiếp tục được học lên cấp 3 để sau này có cái chữ về phục vụ bà con làng mình...”. (Ảnh 6: Cho dù cuộc sống còn kham khổ, thiếu thốn nhưng HS nào cũng mơ ước được học, được đeo đuổi con chữ).

  • Quỳnh Hoa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (05/06/2008)
Tăng cường đáp ứng nguồn điện tại chỗ  (04/06/2008)
Tây Sơn trúng mùa gạch ngói  (04/06/2008)
Long rong qua miền quê - phố  (04/06/2008)
Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong tình hình mới  (04/06/2008)
Những người thợ cống  (04/06/2008)
Những “nỗi lo” của phụ nữ  (04/06/2008)
Sứa, món ăn vị thuốc và giảm béo  (04/06/2008)
Cất vó đêm  (04/06/2008)
“Gió theo lối gió”  (04/06/2008)
Rời ghế nhà trường sa vào đường trộm cắp  (04/06/2008)
Nét văn hóa tâm linh  (04/06/2008)
Hiệu quả từ các phong trào văn hóa - thể thao  (04/06/2008)
Chậu kiểng đá mài được ưa chuộng  (04/06/2008)
Nâng tầm “thương hiệu” võ Bình Định  (04/06/2008)