|
Trần Thị Hà - thí sinh đạt giải nhất (bên trái) và Trần Thị Bích Lành - thí sinh nhỏ tuổi nhất Hội thi. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp tỉnh vừa được tổ chức tại TP Quy Nhơn (14-16.5) có 34 thí sinh tham dự. Chúng tôi xin giới thiệu 3 gương mặt thí sinh có nhiều “cái nhất”.
* “Nhí” nhất
Đó là em Trần Thị Bích Lành, 15 tuổi, HS lớp 9A6 Trường THCS thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân. Nhỏ tuổi nhất, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng đứng trước Hội đồng giám khảo và đông đảo người xem, Lành không hề bị run giọng hay mất bình tĩnh. Có lẽ, vì em có cả gia đình đi theo để cổ vũ và động viên: ba, mẹ và chị gái. Chị Phan Thị Bảy, mẹ của Lành ngồi dưới hồi hộp: “Chỉ mong sao nó kể câu chuyện được trôi chảy…”.
Lành cho biết, mình đến với Hội thi Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở cấp xã (Ân Phong) với tư cách là đại diện cho đoàn viên thanh niên (chả là Lành đã vào Đoàn TNCS), không ngờ lại đạt giải nhất. Thi cấp huyện, Lành giật giải ba. Hội thi cấp tỉnh diễn ra trùng với ngày thi học kỳ 2 nên Lành phải xin với Ban tổ chức được thi vào buổi cuối cùng. Thi học kỳ xong buổi sáng, buổi chiều cả gia đình vội “bôn” vào Quy Nhơn, để kịp chuẩn bị thi vào buổi sáng hôm sau.
“Ở xã không run vì toàn là người quen. Lên huyện thì run hơn một chút. Lên cấp tỉnh, cái chân em cứ giật liên hồi vì run quá chừng. Trình bày suôn sẻ là tốt lắm rồi, em đâu có thời gian chuẩn bị kỹ vì chỉ lo học bài thi học kỳ thôi”- Lành kể lại. Cô bé nhỏ nhắn này đã được Ban tổ chức trao giải “Dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất” với câu chuyện kể về Bác “Chú ngã có đau không?”.
Ba của Lành công tác tại UBND xã Ân Phong, mẹ nội trợ. Lành có một anh và một chị đều đang học đại học ở TP Hồ Chí Minh và ở Quy Nhơn. Bản thân cô bé nhiều năm liền đạt HS giỏi cấp trường, cấp huyện. “Em sẽ cố gắng học tập và làm theo những lời Bác Hồ dạy. Sau này em thích làm dược sĩ bào chế thuốc”- Lành mơ ước.
* Thí sinh ba nhất
|
Thượng tá Trần Thanh Sơn - thí sinh ba nhất. Ảnh: T.H |
Một: già nhất trong số 34 thí sinh (47 tuổi). Hai: chức vụ cao nhất (Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Tây Sơn, Chỉ huy trưởng Huyện đội Tây Sơn). Ba: là thí sinh có thời gian chuẩn bị ngắn nhất và không phải trải qua kỳ thi sơ tuyển nào. Anh “nhận lệnh” của cấp trên đột ngột, chỉ hai tuần trước khi Hội thi diễn ra. Đó là lý lịch đi thi trích ngang của Thượng tá Trần Thanh Sơn, Chỉ huy trưởng Huyện đội Tây Sơn.
“Đùng một cái tôi nhận được lệnh tham gia Hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh dù chưa bao giờ tham gia cuộc thi này. Trước đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức cuộc thi Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong ngành và chọn được người tham gia hội thi cấp tỉnh lần này. Nhưng đến phút cuối người ấy bận việc không đi được nên cấp trên phải “trám” tôi vào thay”- anh vui vẻ kể lại. Trong thời gian hai tuần, anh Sơn vừa tìm tài liệu thể hiện, vừa chuẩn bị đề cương cũng như cách thể hiện sao cho hợp lý, làm đi làm lại nhiều lần. Trong khi bản thân, như anh tự nhận xét, lại là cán bộ quân sự “nòi”, không hề có “khoa nói” như cán bộ phụ trách mảng chính trị hay tuyên huấn.
Dẫu không đạt giải nhưng câu chuyện “Bác Hồ đến thăm Trường thương binh hỏng mắt ở Hà Nội” do anh thể hiện đã khiến cho nhiều người cảm động. Cả câu chuyện minh họa gương “thương binh tàn nhưng không phế” về họa sĩ Lê Duy Ứng, lấy máu từ hai mắt đang bị thương của mình vẽ nên chân dung Bác Hồ trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 cũng để lại những ấn tượng sâu sắc.
Anh cho biết: “Được kể lại, nghe lại tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là dịp không chỉ mình tôi mà cả những người khác phải soi lại mình. Với người quân nhân như chúng tôi, học tập theo gương Bác lại càng cần thiết hơn nữa, để xứng danh là anh bộ đội Cụ Hồ”.
* Thí sinh đạt giải nhất: chưa biết kết quả đã được “đặt hàng”
Ngay trong buổi sáng cuối cùng, dù chưa biết kết quả, nhưng Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh đã đến “đặt hàng” thí sinh Trần Thị Hà, mời tham dự cuộc thi “Tiếng hát dâng Người” và kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại Đà Nẵng.
Sau khi biết tin mình đạt giải nhất, chị Hà tâm sự: “Dù bản thân khá tự tin nhưng trước các thí sinh đã được tuyển chọn kỹ càng từ các cấp cơ sở, tôi đã không nghĩ mình đạt giải cao như vậy. Quả thật, tôi rất xúc động và bất ngờ…”. Khi tình cờ đọc được câu chuyện “Bác hóa thân ngày ấy” trong cuốn tạp chí Biển Xanh, chị Hà đã quyết định chọn nó cho phần thể hiện của mình. “Trong tất cả những mẩu chuyện về Bác mà tôi đọc, nghiền ngẫm thì câu chuyện này để lại trong tôi những xúc cảm mạnh mẽ nhất. Xuyên suốt cả câu chuyện là tình cảm của Bác đối với quê hương đất nước, đối với người dân Việt Nam, chứ không đơn thuần chỉ là những giây phút cuối cùng trước lúc Người đi xa…”- chị giải thích.
Chị Trần Thị Hà, sinh năm 1968, hiện công tác tại Cảng Quy Nhơn, là người khá có duyên với các cuộc thi: Năm 2006, đạt giải ba toàn quốc trong cuộc thi Tìm hiểu về nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; năm 2007, đạt giải nhất Hội thi Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Đảng bộ Khối DN tỉnh tổ chức. Ngay trong buổi sáng trao giải thưởng, đến sát giờ trao giải mới thấy chị xuất hiện. “Sáng nay mình tham gia thi chạy 100m nữ Hội thao cơ quan. Đang ngon trớn, chuẩn bị về đích thì bị vấp ngã, phải băng bó khắp người nên mới đến trễ thế này”- vừa nói chị vừa giơ cho tôi xem những vết thương còn rướm máu ở chân, tay.
|