Hội thi thu hút 21 thí sinh đến từ các chi bộ, đảng bộ, cơ quan, đơn vị trong TP. Quy Nhơn. Điều ghi nhận được ở hội thi chính là những câu chuyện xúc động mà các thí sinh thực hiện được từ những bài học làm người của Bác Hồ.
|
Các thí sinh nhận hoa cùng những lời động viên của các vị lãnh đạo TP Quy Nhơn.
|
Tại hội thi, các thí sinh đã kể những câu chuyện giản dị, mộc mạc về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và qua đó đã rút ra những ý nghĩa bài học, liên hệ thực tiễn cá nhân mình học tập được. Hầu hết các thí sinh đã chủ động, sáng tạo trong kể chuyện, lời kể cảm xúc, chân thành, thể hiện rõ tình cảm sâu sắc về Bác. Thí sinh lớn tuổi nhất hội thi Phạm Thị Thuân (sinh năm 1945) đến từ Đảng bộ phường Đống Đa tâm sự: “Tôi cùng các đồng chí trong chi bộ đã nỗ lực phân công giám sát, thuyết phục, vận động các em chậm tiến ở địa phương tiến bộ. Học tập theo tấm gương của Bác suốt đời tận tụy vì nhân dân, chúng tôi đã hoàn thành công việc không chỉ xuất phát từ nhiệm vụ mà chính ở tình thương chân thành của người bà, người ông đối với các cháu”. Nhờ lòng tận tụy của đội ngũ cán bộ ở khu vực 7, phường Đống Đa đã cảm hóa được nhiều thanh thiếu niên chậm tiến, hư hỏng ở địa phương tiến bộ. “Nếu còn sức khỏe, Đảng còn tin tưởng giao nhiệm vụ, chúng tôi sẵn sàng vượt mọi khó khăn, quyết tâm thực hiện theo lời Bác dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Nếu sức khỏe không cho phép, chúng tôi xin nguyện là “cây cao bóng cả” làm tấm gương soi để con cháu noi theo” - thí sinh Thuân tâm sự. Còn thí sinh Trần Hoài Thương, y sĩ Khoa Nội, chi bộ Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Định, cho biết sau khi học, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bản thân rút ra nhiều bài học quý giá: luôn tận tâm với bệnh nhân, xem nỗi đau của bệnh nhân như nỗi đau của mình, ân cần hòa nhã với bệnh nhân, chú ý nâng cao năng lực chuyên môn, không ngừng nâng cao hiệu quả khám, điều trị…
Hội thi thu hút hơn 1/2 thí sinh là giáo viên. Do đó, các thí sinh với vai trò là giáo viên đều thể hiện rõ quan điểm lấy lòng nhân ái làm gốc, hết lòng vì đàn em thân yêu. Thí sinh Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên trường tiểu học số 1 Nhơn Bình, thì dồn tất cả tâm huyết cho lớp học tình thương ở địa phương. Chị Hạnh tâm sự: “Các em đã chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa nên mình càng nỗ lực truyền đạt kiến thức và tình cảm như muốn chia sẻ khó khăn mà các em gánh chịu. Mình thiết nghĩ học tập và noi theo gương Bác không chỉ theo phong trào mà học cả cuộc đời cũng chưa thể đủ. Mỗi khi làm được một việc gì đó theo lời Bác dạy, mình bỗng thấy lớn lên bên Người một chút”. Riêng với giáo viên Đặng Thúy Hà, Trường mầm non bán công 2.9, thì rất chú ý những lời dạy của Bác trong việc nuôi dạy trẻ, nhất là câu nói “Yêu thương nhưng không quá nuông chiều”. Thí sinh Đỗ Kim Hảo, giáo viên trường THPT Trưng Vương, cho rằng: “Bác đã quên mình cho tất cả nên hình ảnh Bác ở mãi mãi trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Ở cương vị là một giáo viên, tôi thấy rằng không chỉ truyền đạt kiến thức để các em học tập mà còn phát huy tinh thần yêu nước, truyền tình cảm yêu thương và trân trọng những gì mà Bác và thế hệ đi trước đã cố gắng hy sinh cho thế hệ trẻ hôm nay”.
Người đoạt giải nhất hội thi là thí sinh có tuổi đời, tuổi nghề khá trẻ: Hồ Văn Toàn (sinh 1981), giáo viên Trường THPT Quốc Học, với câu chuyện “Từ đôi dép đến chiếc ô tô”. Thí sinh Toàn đã chinh phục Ban giám khảo và người nghe không chỉ vì sự chững chạc, tự tin, giọng kể truyền cảm, nồng ấm mà còn bởi tấm lòng của giáo viên dạy môn Lịch sử muốn truyền đạt lại cho học sinh. Thí sinh Toàn tâm sự: “Tôi sẽ dạy cho các em về Lịch sử Việt Nam bằng nhiều hình thức học tập sôi nổi gắn với các hoạt động xã hội, thực tế, tránh tính hình thức, khuôn mẫu. Tôi sẽ truyền cho các em sự say mê nghiên cứu, tìm tòi, học tập môn Lịch sử. Sau hội thi, tôi tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích từ các thí sinh và nghiên cứu của bản thân, đó mới là phần thưởng cao quý nhất mà tôi nhận được từ hội thi. Tôi sẽ áp dụng các kiến thức này vào trong những bài giảng của mình”.
Có thể nói, những phong trào hành động trên đã làm xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu có sức cổ vũ, lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện ý thức tự tu dưỡng về “Học tập” và “Làm theo” Bác. Điều đó cho thấy sức sống, sự thu hút và lan tỏa của cuộc vận động đang diễn ra mạnh mẽ, thiết thực trong đời sống xã hội, điều mà từ trước tới nay chưa từng có.
|