|
Hồ Chủ tịch xuống phòng họp. Ảnh: T.L |
Danh từ Hán Việt gọi “người” là “nhân”. Bác Hồ định nghĩa “Nhân là thật thà yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào”. Thật ra thì chữ “nhân” này là đức nhân; khác với chữ “nhân” là con người, nhưng vẫn mang bộ nhân bên mình. Triết gia Đông phương nói Nhân giả nhân giã (đức nhân tức là đức người). Khổng Tử nói Nhân viễn hồ tai, ngã dục nhân tư nhân chí hỉ (nhân có xa xôi gì đâu, ta muốn nhân, thế là nhân tới).
Đức nhân kết tụ được tinh túy của mọi đức khác (trung, tín, trí, dũng, nghĩa, lễ…). Cương nghị, hiền lành là gần với nhân. (Cương nghị, mộc nột cận hồ nhân), ngược lại – xảo ngôn, phô sắc là hiếm có nhân (Xảo ngôn lệnh sắc tiển hĩ nhân). “Nhân” phải gắn với “Trí” bởi lẽ: Muốn có nhân mà không muốn học, để cái hại che lấp cũng là ngu (Hiếu nhân bất hiếu học kỳ tế dã ngu). “Nhân” đi đôi với “Nghĩa”: nhân tạo con người, nghĩa tạo ta (Nhân tạo nhân, nghĩa tạo ngã). “Nhân” nối liền với “Lễ”, giữ mình theo đúng lễ là nhân (Khắc kỳ phục lễ vi nhân). “Nhân” đi kèm với “Tín” (Nhân giả cung khoan tín mẫn huệ). Hiếu để là gốc của đức nhân (Hiếu để dữ giả kỳ vi nhân chi bản dư). Người nhân cũng là người trung – tận tâm vì người khác (Vị nhân mưu nhi bất trung hồ).
Bác Hồ đã tiếp thu những mặt tích cực của triết học Đông phương để rèn luyện mình và giáo dục đảng viên, cán bộ. Có biết bao câu chuyện thật cảm động về tấm lòng nhân đức của Bác.
Cách đây tám thập kỷ, ông đầu bếp ở khách sạn Carton tại thủ đô nước Anh đã phải sửng sốt khi nghe người phụ bếp Việt Nam trẻ tuổi trả lời câu hỏi: “Tại sao anh không đem những thức ăn này đổ vào thùng như những người khác?”. Câu trả lời là: “Không nên đem vứt những thứ này đi. Ông có thể cho những người nghèo khổ”.
Năm 1945, sau bữa ăn (chung với anh em phục vụ và bảo vệ), khi có một chàng trai bẻ một quả chuối thấy bị nẫu đã đặt xuống để lấy quả khác, Bác Hồ nhẹ nhàng cầm lên cắt bỏ phần nẫu, vừa ăn một cách ngon lành, vừa nói: “Ở chiến khu mà được một quả chuối thế này thì quý biết mấy!”.
Năm 1946, sau bữa tiệc ở Tòa thị chính Paris, trước khi ra về, Bác Hồ đã cầm một quả táo trước những con mắt ngạc nhiên của mọi người. Ra khỏi phòng họp, Bác đã bế một bé gái nhỏ nhất trong đám trẻ em vây lấy Bác và vừa hôn, vừa trao cho em quả táo ấy.
Ở chiến khu Việt Bắc, một lần Bác Hồ cùng 6 cán bộ, chiến sĩ đi đường xa mà chỉ có một con ngựa. Anh em nài nỉ mong Bác đi ngựa vì họ đều còn trẻ và khỏe. Bác nhất định không nghe và quyết định dùng ngựa để thồ ba lô cho cả 7 người. Đến bữa ăn chỉ có canh rau tàu bay, muối ớt, Bác vẫn vui vẻ nói đùa: “Rau tàu bay có khác. Ăn vào thấy nhẹ cả người, như lại có cả mùi xăng!”. Mọi người cười vang và quên cả mệt nhọc.
Ở giữa thủ đô, Bác Hồ chỉ sống và làm việc trong một căn nhà sàn nhỏ bé. Một lần có nhà báo nước ngoài hỏi Bác: “Văn phòng của Chủ tịch ở đâu?”. Bác đã trả lời: “Lúc nào trời tạnh thì tôi ở ngoài hàng hiên, khi nào trời mưa thì ở trong buồng ngủ”. Hàng ngày Bác vẫn đi bộ sang nhà ăn ở phía bên kia hồ. Một hôm trời mưa, bốn đồng chí giúp việc vội mang áo mưa định đi lấy cơm về cho Bác, nhưng Bác ngăn lại và mặc áo mưa tự mình đi sang nhà ăn như thường lệ.
|
Bác Hồ tham gia lao động thật bình dị. Ảnh: T.L |
Một chuyện ít ai biết đến là ngày 2.9.1955, Bác Hồ nhìn thấy đồng chí Vương Nhị Chi (cụt hai tay do làm vũ khí) đang hỏi thăm lối đi vào nhà vệ sinh ở Phủ Chủ tịch, Bác nhẹ nhàng đi theo và đúng lúc đồng chí Chi đang lúng túng thì nghe tiếng Bác nhẹ nhàng bên tai: “Chú làm sao cởi được khuy?”, và Bác đã nhanh nhẹn giúp đồng chí Chi. Có lẽ chưa có vị nguyên thủ quốc gia nào có đức nhân thấm sâu vào máu thịt đến như vậy.
Dù đã đọc Di chúc của Bác Hồ nhiều lần, nhưng lần nào đọc lại, tôi cũng cảm thấy hết sức xúc động. Bác căn dặn đủ điều hệ trọng nhưng cũng không quên nhắc nhở một chuyện rất cụ thể: “Sau khi tôi qua đời chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ, tiền bạc của nhân dân”.
Bác viết Lời kêu gọi vào Ngày toàn quốc kháng chiến 19.12.1946: “Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”, nhưng trước đó gần 1 tháng, Bác đã viết: “Than ôi, trước lòng bác ái thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”. Bác Hồ kêu gọi người Pháp: “Máu Việt Nam và máu Pháp đã đổ nhiều rồi, không nên đổ nữa. Vì lý lẽ gì, vì lợi ích của ai, mà đem máu quý báu của thanh niên Pháp (một thanh niên đầy những tương lai vẻ vang) đổ trên non nước Việt Nam”. (Hồ Chí Minh tuyển tập. Nxb Sự Thật, tập II, 1980 trang 400-403).
Với nhân dân Mỹ, năm 1964, Bác đã từng viết: “Tôi đã đến nước Mỹ, tôi hiểu nhân dân Mỹ rất trọng chính nghĩa và có nhiều tài năng. Nhân dân Việt Nam không bao giờ lầm lẫn nhân dân Mỹ yêu chuộng công lý với những chính phủ Mỹ đã phạm nhiều tội ác với nhân dân Việt Nam chúng tôi từ mười năm nay” (Hồ Chí Minh tuyển tập, tập II, trang 337).
Với đồng bào trong nước, Bác đã dùng hình ảnh bàn tay để nói rõ lòng nhân ái của mình: “Năm ngón tay cũng có ngón dài, ngón ngắn. Nhưng ngắn dài đều hợp nhau lại nơi bàn tay… Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ” (Hồ Chí Minh tuyển tập, tập II, trang 387-388).
Kỷ niệm 118 năm ngày sinh Bác Hồ, chúng ta, một mặt, với người khác thì phải học hỏi đức khoan hồng đại độ của Bác, còn với bản thân thì hãy tự đối chiếu với sáu chữ Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư mà Bác đã nêu gương bằng cả cuộc đời mình.
Chỉ có Bác Hồ mới được nhân dân ta vừa gọi là Bác vừa gọi là “Người”. Chữ “Người” để chỉ Bác Hồ thật sâu sắc và phong phú biết bao!
|