KỶ NIỆM LẦN THỨ 118 NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19.5.1890 – 19.5.2008)
Mong ước Quy Nhơn có di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh
20:20', 5/6/ 2008 (GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 1.7.1909, ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được triều đình Huế bổ nhiệm chức tri huyện ở Bình Khuê, tỉnh Bình Định. Ông Nguyễn Sinh Sắc đưa hai người con Nguyễn Sinh Khiêm, tự Tất Đạt và Nguyễn Sinh Cung, tự Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) cùng đi theo. Cái gia đình nhỏ này đã vượt đèo Hải Vân, men theo những con đường dọc bờ biển, đi về phía nam, qua Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Bồng Sơn, rồi tạm dừng lại Quy Nhơn.

Ông Phó bảng nhờ quen biết hồi ở Huế, đã gởi anh Nguyễn Tất Thành ở nhà ông Phạm Ngọc Thọ, đốc học Quy Nhơn (1905 – 1910). Ông Phạm Ngọc Thọ là cha của cố bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo lời kể của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, năm 1946, bác sĩ ra Hà Nội được gặp Bác Hồ, Bác nói: “Lúc Bác vào đến Quy Nhơn, chú mới sinh”. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sinh ngày 7.5.1909.

Anh Thành làm theo lời bàn của ông nghè Nguyễn Quỳ Song với các sĩ phu quê nhà: “Muốn đánh Pháp, thì phải hiểu Pháp, muốn hiểu Pháp thì phải học chữ Pháp”. Được sự giúp đỡ của đốc học Phạm Ngọc Thọ, anh Thành tiếp tục học chương trình tiếng Pháp, đồng thời nhận dạy tiếng Pháp và các môn khoa học sơ đẳng cho các thầy đồ chuẩn bị cho kỳ thi hương trường Bình Định khoa Kỷ Dậu (1909), và các ông cử, ông tú đậu rồi cần học để được bổ dụng sớm. Cụ Mạc Như Tòng – một nhân sĩ ở Bình Định - cho biết: Các nhà khoa bản Bình Định như cử nhân Trương Đình Văn (An Hành, Phù Cát), cử nhân Đào Như Tuyên (con trai cụ Đào Tấn) có học chữ Pháp ở Bác Hồ.

Trường Pháp Việt Quy Nhơn (Alliane Francaise Quy Nhơn) thành lập năm 1902, có các lớp Đồng Ấu (Enfantin), Dự bị (Préparatoir) và Sơ đẳng (Elémentaire). Trường nằm cạnh bờ đầm Thị Nại, phía sau tòa Giám mục thuộc xóm Trường, làng Chánh Thành (nay là khu vực III phường Hải Cảng). Trường là một ngôi nhà trệt lớn, lợp ngói vảy đỏ. Nhà ngăn làm hai mặt, mặt trước nhìn chéo tòa Giám mục, có các gian dành cho các lớp học và học sinh ở; mặt sau trông ra đầm là các gian để thầy giáo ở; giáo học Phạm Ngọc Thọ ở đây. Anh Thành còn tham dự kỳ thi tuyển giáo viên trường Ấu Học (Première degré) đỗ đầu, nhưng bị Công sứ Quy Nhơn Friès không công nhận vì lý lịch.

Đôi lần anh Thành đến Bình Khuê thăm cha đều được cụ Huy đưa đi thăm di tích lịch sử vùng Tây Sơn, để chiêm ngưỡng vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Con người và thiên nhiên của vùng đất này đã ăn sâu, in đậm trong tâm khảm anh Nguyễn Tất Thành. Đầu năm 1955, khi gặp Đoàn đại biểu tỉnh Bình Định, Người hướng về phía mấy đại biểu huyện Bình Khuê, hỏi: “Nhà các cô, các chú có gần sông Côn không? Nước sông Côn vẫn trong đấy chứ? Ngấn nước sau mỗi mùa vẫn cứ để lại rõ ràng trên các bờ cây bên sông?”.

Sau khi ông Nguyễn Sinh Sắc bị triều đình triệu hồi về Huế, anh Nguyễn Tất Thành vẫn ở lại Quy Nhơn học đến tháng 8.1910 mới lên đường vào Phan Thiết, và dừng lại Duồng, ban ngày tá túc tại chùa Phước An (hiện nay, nơi đây có đặt một tượng bán thân của Bác Hồ để kỷ niệm). Vài tuần sau, anh Thành được ông nghè Trương Gia Mô giới thiệu vào dạy học ở trường Dục Thanh.

Anh Nguyễn Tất Thành đã ở Quy Nhơn ngót 400 ngày chuẩn bị hành trang để ra đi tìm đường cứu nước.

Ngày 3.6.1911, một trong những chiếc tàu biển cỡ lớn dài 124,10m, rộng 15,20m, chạy máy hơi nước có 2.800 sức ngựa, trọng tải 5.572 tấn, đã đón nhận một thanh niên Việt Nam 21 tuổi xuống làm bồi tàu; chiếc tàu thuộc hãng Chargeurs Réunis. Chiếc tàu ấy đã trở thành chiếc tàu lịch sử – tàu Amiral Latouche Tréville-  cùng với Bến tàu Sài Gòn, cùng với ngày nó nhổ neo 5.6.1911– Ngày lịch sử.

Để ghi công đức vị Anh hùng giải phóng dân tộc của thời đại, Danh nhân văn hóa thế giới, truyền lại cho các đời sau, nhân dân tha thiết mong muốn có một công trình Di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại Quy Nhơn.

  • Hoàng Minh Tùng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dân tộc ta gọi Bác Hồ là “Người”  (05/06/2008)
Những bài học thực tế  (05/06/2008)
Gặp những người kể chuyện về Bác Hồ  (05/06/2008)
Báo động nạn khai thác đá, chặt phá cây rừng ở núi Bà  (05/06/2008)
Học sinh chịu khổ “nuôi” con chữ  (05/06/2008)
Thơ  (05/06/2008)
Tăng cường đáp ứng nguồn điện tại chỗ  (04/06/2008)
Tây Sơn trúng mùa gạch ngói  (04/06/2008)
Long rong qua miền quê - phố  (04/06/2008)
Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong tình hình mới  (04/06/2008)
Những người thợ cống  (04/06/2008)
Những “nỗi lo” của phụ nữ  (04/06/2008)
Sứa, món ăn vị thuốc và giảm béo  (04/06/2008)
Cất vó đêm  (04/06/2008)
“Gió theo lối gió”  (04/06/2008)