Gặp một huyền thoại đất Võ
19:39', 3/7/ 2008 (GMT+7)

Bình Định được định danh là miền đất Võ. Tên gọi ấy không phải ngẫu nhiên mà thành, mà được khởi nguồn từ truyền thống thẳm sâu của miền đất này. Ở Bình Định, ẩn sau lũy tre làng bình dị như bao làng quê khác, là những làng võ với những võ sư một thời danh chấn. Một trong những huyền thoại còn lại ở đất Võ là võ sư Phan Thọ.

 

Võ sư Phan Thọ múa kiếm.

 

* Bán bò... học võ

Cả cuộc đời, võ sư Phan Thọ luôn đau đáu với tâm niệm tầm sư đặng trau dồi vốn võ học. Nhẩm tính lại, ông đã dành tới 18 năm để học tới 7 ông thầy.

* Thưa ông, bây giờ nhiều võ sĩ trẻ, chỉ cần hai, ba năm đã thi đấu và giành huy chương. Vậy mà ông cần những 18 năm?

- Có lẽ, cái mệnh của tôi là phải cần mẫn mà đi lên. Con đường học võ cũng vậy. Tôi bắt đầu học từ năm 17 tuổi. Đầu tiên là học ông Ký tại Phú Phong. Học được một năm, phải nghỉ vì ông thầy mắc tập quấn đài. Vậy là tôi sang An Vinh học với võ sư Cai Bảy, học đúng 5 năm, đã bắt đầu theo thầy đi đánh đài. Sau đó, chuyển sang học với cụ Tàu Sáu ở làng võ An Thái. Được một năm, thầy qua đời… Cứ vậy, lần lần, tôi học hết với những ông thầy giỏi trong vùng và thu lượm đủ “thập bát ban binh khí”. Cậu cứ tính thử xem, 18 binh khí gồm: quyền, roi, siêu, kiếm, đao, thương, kích, giản, phủ, chùy, xà mâu, côn, xích, thước, ba chỉa, chấn thiên cung và độc tiên (khăn xéo). Mỗi môn quấn cho chuẩn, phải học ít nhất ba thảo; 18 môn là 54 thảo. Bên cạnh đó, phải học thêm 10 bài đấu luyện. Nếu sử dụng 18 môn binh khí một cách nhuần nhuyễn, lại thật rành các chiêu thức của đấu luyện, thì hiệu quả sẽ cao biết bao nhiêu, trăm người có thể địch vạn người. Đó là điều giải thích vì sao những đội quân của Quang Trung hoàng đế luôn bách chiến bách thắng. Mà 18 môn ấy, có phải học một thầy là thành đâu. Phải biết rút tỉa từ từ. Chẳng như, học ông Lê Thái và Lê Thành Phiên, hai học trò của võ sư Hồ Ngạnh rất giỏi về roi, thước, xích; học võ sư Tàu Sáu kiếm, đao; học làng võ An Vinh quyền, bồ cào, lăng khiên… Tôi nghiệm ra rằng, trong võ có thế và có thần, thế là những mánh khóe nhà nghề, thần là từ sự tập luyện. Mọi bí quyết là từ đó mà ra. Cho nên, phải tập cho giỏi, cho tinh. Còn như lớp trẻ bây giờ, mới học được mấy môn, học được ba bài thảo đãõ đi thi, thi đậu có huy chương rồi thì lo đi dạy ngõ hầu kiếm miếng cơm nuôi gia đình, ai mà đủ nghị lực và tâm huyết để toàn tâm toàn ý theo thầy học cho đến đầu đến đũa như hồi trước. Mình biết và thông cảm với tụi trẻ, nhưng cũng không khỏi những âu lo về sự mai một vốn võ học.

Khúc sông Kôn nối hai làng võ An Vinh và An Thái, nơi từng in bóng võ sư Trương Văn Hiến - người thầy của anh em Tây Sơn - trong những ngày đầu tiên từ đàng Ngoài vào đàng Trong lập nghiệp, cũng lại là nơi gắn với chặng đường tầm sư học võ của võ sư Phan Thọ. Ngày nhỏ, ông đã bao lần vượt sông để sang làng võ An Vinh, rồi sau này, lại trở ngược lại bên An Thái học võ.

* Nghe đâu, ông từng phải bán bò để đi học võ. Vậy ngày ấy, khi có ý định bán bò, ông có phải hỏi ý kiến của… vợ?

- Tất nhiên chứ chú. Hồi đó, tôi đã 32 tuổi, nhà có hai con bò cày, mà mình muốn đi học võ nhưng lại không tiền. Vậy là tôi hỏi vợ: Nhà có hai con bò, con nào xấu xấu thì bà cho tôi một con để bán lấy tiền học võ? Vợ tôi đồng ý ngay và nói: Ông học võ, có bán hết cả hai con cũng được. Mà tôi nghiệm ra rồi, những người học võ muốn giỏi đều phải nhờ một tay vợ cả đấy.

* Việc tập luyện ngày đó hẳn không chỉ mất nhiều thời gian mà còn rất công phu?

- Công phu thì khỏi nói. Chẳng như, đầu tiên là luyện với tàu chuối. Tàu chuối rọc lá, ôm cả ôm, hai người hai bên cứ phóng tới. Mình bên này phải dùng tay để hớt. Thành thục rồi thì chuyển sang dùng tre. Những cây tre già, chẻ ra làm 6 miếng, vớt hai đầu, cũng lại phóng và hớt. Xong lại đi tìm đá vừa tay về luyện cho cứng tay… Công phu chứ. Tính ra, mỗi môn muốn học cho thông, cần tới cả ba đến bốn năm lận.

 

Lão võ sư Phan Thọ với chiếc răng nanh của con heo rừng do ông quật chết.

 

* Quật chết lợn rừng

Trong câu chuyện truyền tụng của người dân dất Võ về võ sư Phan Thọ, không thể thiếu câu chuyện đấu lợn rừng của ông. Nay, lão võ sư vẫn cất giữ hai chiếc răng nanh lợn rừng để làm kỷ niệm cho một lần quyết đấu. Lão võ sư nhớ lại:

- Đó là năm 1964, hồi đó, thôn Thủ Thiện Hạ có con lợn rừng ra ăn mía. Con thú răng nanh dài hơn gang tay, lừng lững như con cọp, mình nó quật ba thanh niên bị thương, phải chở đi nhà thương. Người dân trong làng nghe tôi có võ, mới chạy vào kêu ra. Tôi ra tới nơi, kêu thanh niên hai thôn tập hợp cây gậy lại, đứng xung quanh la hét ầm ầm làm nó rối trí, rồi mình tôi nhảy vào quần thảo. Con lợn rừng hai mắt đỏ ngầu, da đen trũi, cứng như thép. May mà tôi có sức, lại nhanh, nên con lợn rừng hộc vô cắn đến đâu là tôi nhảy tránh, rồi dùng cây đánh đến đó. Cây này gãy thì người đứng ngoài lại quăng cây khác vô. Sau ba tiếng đồng hồ quần thảo, cuối cùng, khi con thú đã mệt hung, tôi dùng luôn cây vồ đánh giữa tam tinh, hạ gục.

* Quật chết lợn rừng, nhưng đã có lần võ sư thượng đài bị thua?

- Đó là trận thua duy nhất trong đời võ học của tôi và cũng là trong lần thượng đài đầu tiên. Lúc đó, tôi 34 tuổi, thượng đài nhưng thiếu kinh nghiệm nên đã thua võ sư Bùi Xuân Cảnh. Tức khí, tui lại tiếp tục đi học thêm… Nay ngẫm lại, chính nhờ trận thua đầu tiên đó, tui bớt đi tính hiếu thắng tuổi trẻ, nên sau này, vừa học vừa thượng đài mà không thua trận nào.

Năm 1998, có hai nam võ sĩ 4 đẳng Taekwondo từ Hàn Quốc tìm đến gặp ông so tài. Cả hai đều lần lượt bị ông hạ đo ván, bái ông làm thầy và xin theo học võ.

* Ngày đó, võ sư đã 73 tuổi, vậy võ sư dùng thế nào để thắng được hai võ sĩ trẻ?

- Họ ỷ sức, đá rất nhanh và mạnh. Họ đá một cú làm nứt cả cột nhà trên của tôi, dấu vẫn còn đấy. Cho nên mình mà cứ ào vô, trúng là gãy tay liền. Cho nên, tui phải lấy cái nhanh nhẹn, dùng chước chun vô, rồi đánh ngay hậu môn, làm họ té rướm cả máu đầu. Thua rồi họ chất vấn tôi: “Ở Quy Nhơn, toàn võ sĩ trẻ không mà không đánh lại tụi tôi. Còn ông già mà đánh lại được là sao? Tôi trả lời: Tui già, ông quấn tui thì tui quấn lại ông là chuyện thường. Còn dưới Quy Nhơn, mấy em còn trẻ, họ sợ đánh các ông chết không về nước được, nên không đánh chứ đâu phải họ dở”.

 

Hình ảnh võ sư Phan Thọ trên trang bìa tạp chí “Timeout”.

 

* Đọng bóng chiều

Lão võ sư Phan Thọ là người có đệ tử ngoại tỉnh tìm đến theo học rất nhiều. Tính đến nay, ông đã truyền dạy cho hàng trăm đệ tử, đến từ nhiều địa phương trong nước như Lạng Sơn, Phú Thọ, Hải Hưng, Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang… Người học ít cũng vài ba tháng, còn có người học đến vài ba năm. Nhiều học trò của võ sư Phan Thọ giờ đã trở thành huấn luyện viên, tiếp nối thầy truyền bá võ Bình Định đi khắp mọi miền đất nước.

“Đối với các võ sinh, dù tôi yêu thương như con cháu trong nhà, nhưng việc truyền dạy võ thuật cũng phải tuân theo quy tắc. Đối với những người chỉ học một thời gian ngắn, mình không có nhiều điều kiện để nhận xét, hoặc những học trò đã phát hiện có vấn đề về đạo đức, tôi thường dạy những bài võ mang tính biểu diễn là chính, để đề phòng họ sử dụng vào mục đích xấu” - lão võ sư tâm sự.

Nhưng hai năm nay, võ đường Phan Thọ gần như khép cửa. Ngay khoảnh sân trước nhà vẫn dùng làm nơi tập võ cho võ sinh, nay cỏ đã mọc đầy. Lão võ sư nay thôi không mở lò dạy võ, thay vào đó, trong lần ghé thăm ông, tôi gặp những người đến xin thuốc võ. “Ngày đó, tôi chuyên làm chân chạy đi mua thuốc võ cho thầy, lại được chỉ dạy thêm, nên cũng biết ít nhiều về thuốc võ. Giờ chân tay yếu hung rồi, múa chút đã vã mồ hôi, nên tôi chuyển sang làm thuốc. Cũng là võ cả đấy” - Nói vậy, nhưng đôi mắt lão võ sư thoáng nét ưu tư. Tôi hiểu, đó là nỗi ưu tư trước thực trạng ngày càng ít những người đủ niềm say mê và kiên trì đi theo nghiệp võ. Ngay các con ông, cũng chỉ kịp học vài môn binh khí, ít chiêu thức, rồi kẻ nghề này, người nghiệp kia, lao vào đời kiếm sống…

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bóng đá, thơ và báo và…  (03/07/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/07/2008)
Mong ước Quy Nhơn có di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh  (05/06/2008)
Dân tộc ta gọi Bác Hồ là “Người”  (05/06/2008)
Những bài học thực tế  (05/06/2008)
Gặp những người kể chuyện về Bác Hồ  (05/06/2008)
Báo động nạn khai thác đá, chặt phá cây rừng ở núi Bà  (05/06/2008)
Học sinh chịu khổ “nuôi” con chữ  (05/06/2008)
Thơ  (05/06/2008)
Tăng cường đáp ứng nguồn điện tại chỗ  (04/06/2008)
Tây Sơn trúng mùa gạch ngói  (04/06/2008)
Long rong qua miền quê - phố  (04/06/2008)
Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong tình hình mới  (04/06/2008)
Những người thợ cống  (04/06/2008)
Những “nỗi lo” của phụ nữ  (04/06/2008)