Nỗi buồn ấm áp
19:43', 3/7/ 2008 (GMT+7)

Bìa tập sách “27 truyện ngắn của Quế Hương”.

Phải nói tôi rất thích truyện của chị. Thích, từ rất lâu nhưng chỉ được đọc lai rai trên các báo và tạp chí. Đọc cả tập thì đây là lần đầu. Tập có tên “27 truyện ngắn của Quế Hương” do NXB. Phụ Nữ ấn hành.

Tôi chọn tên của một nhà văn để mua một đầu sách đem về nhà và đọc. Và tôi chọn chị và tôi ám ảnh với những: Họ và lão, phố Hoài, chiếc vé vào cổng thiên đường xanh, ẩn lan, cội mai lưu lạc… Hai mươi bảy truyện là trên cả hai mươi bảy những số phận người mà ở bất cứ nơi nào chúng ta cũng có thể gặp. Chỉ khác họ lướt qua chúng ta. Rồi thôi. Còn Quế Hương? Chị giữ họ lại trên những trang viết của mình và lặn sâu vào tận cùng những góc khuất của tâm hồn họ. Để thấu hiểu. Và sẻ chia. Sẻ chia thật tận tụy. Như thể chị đã sống thay đời của họ hay chí ít cũng là ở một đoạn, một khoảng thời gian nào đó. Chị nghĩ cùng họ. Cười, khóc, lo âu, trăn trở, phẫn nộ, vui sướng… như họ. Mơ những điều vụn vặt họ mơ. Tha thiết những cái cỏn con họ tha thiết. Phải yêu lắm cuộc đời này. Phải yêu lắm những con người mới viết ra được như vậy. Mới hóa thân vào nhân vật của mình trọn vẹn đến làm vậy.

Bằng ngôn từ tinh tế và đằm thắm, những trang văn của chị vừa dịu dàng vừa dữ dội. Nhẹ nhàng mà gai góc. Tôi rất thích “Ngã ba trần ai”. Dường như ở truyện này, Quế Hương đã trở về đúng vị trí của mình. Khi ẩn núp, dõi theo những mảnh đời bao vây quanh mình ở cái con hẻm ấy. Những mảnh đời… đời, đến không thể đời hơn được nữa. Những yêu thương, hận thù, cái sống, sự chết, những câu hát và tiếng chửi thề… Tất cả không tách rạch mà hòa nhập, chung lẫn với những chi tiết đắt giá đến bất ngờ. Chị là lão nhà văn trong rất nhiều những khuya khoắt, nín thở đợi chờ một cặp tình nhân. Đứa con gái có cái tên là Dẹp nhưng chẳng mỏng chút nào. Và chàng trai có nghề soi cua. Một mối tình có khoai nóng, bánh bao ủ ngực và những phần ăn sáng. Một mối tình nối liền cái dạ dày nhiều đòi hỏi và cái ví lép, sao có thể bền?

Tôi cứ bồi hồi mãi với cái anh chàng Lê Ruộng, hai mươi bốn tuổi, sinh viên kiến trúc, bị AIDS trong một lần quan hệ tình dục ở: “Thư gửi thời gian”. Xót cay quá! Đắng đót quá nhưng phải viết bằng sự thương cảm chân thành như chị, truyện mới khiến lay động tâm hồn người. Hay mà ngậm ngùi quá là “Câu hát tìm nhau”. Rưng rức nỗi đau và bi thiết là “Apsara hoang dại”… Bạn đã đến Mỹ Sơn chưa? Bạn đã có một lần nào vứt bỏ hết ở bên ngoài những tạp âm của đời sống, của những dòng chảy cuồn cuộn nhiều tính toán được, hơn, có và mất để ngồi lại cùng rêu phong và những chứng tích. Để nghe đâu đó vọng về những khúc hát ngàn xưa. Để nhận ra phận người nhỏ, cõi đời chật và hết thảy những ranh giới đã được đặt ra và duy trì sao quá đỗi mong manh?

Và hãy hình dung… Sẽ ra sao đây nếu chúng ta cứ phải sống với rất nhiều những quăng quật lo âu, hối hả và mỏi mệt. Sẽ ra sao đây khi chúng ta cứ phải hít thở những luồng không khí đầy ắp những bụi bặm, khói xe và nồng nàn hơi người. Nhớ nhé! Đôi khi… Dẫu chỉ là đôi khi. Hãy trở về với chính bạn. Là bạn. Hãy ngồi lại. Hãy thở chậm. Rất đều. Và nghe một bản nhạc. Và đọc một quyển sách. Sao không là tuyển tập truyện ngắn này. Một tuyển tập không tên gọi. Của chị. Người tự giới thiệu mình là người mơ mộng lạc loài. Đọc sách của một người như thế, hẳn, để được bay bổng nhưng nào có thể dừng lại ở đấy. Bởi người đọc sẽ phải thêm rất nhiều lần ngẫm ngợi. Ngẫm ngợi mãi không thôi!

Có thơ và thực, có trâng tráo và lãng mạn… trong ngồn ngộn chữ nghĩa đầy cuốn hút của chị. Cái thực cần cho nét thơ. Những lãng mạn cần cho sự trâng tráo và ngược lại. Tôi rất tâm đắc với cách viết như thế của chị và muốn nói đồng cảm về điều đó. Về hết thảy những gì mà tác phẩm này đã đem lại. Và xin mượn lời tâm sự của chị ở trang bìa để kết lại bài viết này: “Nếu bảo lúc nào đó chán trần trụi, thực dụng, lọc lõi, đểu cáng…hãy cầm lấy tập truyện này. Lênh đênh giữa đôi bờ hư thực, bạn sẽ gặp nỗi buồn ấm áp.

  • Nguyễn Mỹ Nữ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gặp một huyền thoại đất Võ  (03/07/2008)
Bóng đá, thơ và báo và…  (03/07/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/07/2008)
Mong ước Quy Nhơn có di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh  (05/06/2008)
Dân tộc ta gọi Bác Hồ là “Người”  (05/06/2008)
Những bài học thực tế  (05/06/2008)
Gặp những người kể chuyện về Bác Hồ  (05/06/2008)
Báo động nạn khai thác đá, chặt phá cây rừng ở núi Bà  (05/06/2008)
Học sinh chịu khổ “nuôi” con chữ  (05/06/2008)
Thơ  (05/06/2008)
Tăng cường đáp ứng nguồn điện tại chỗ  (04/06/2008)
Tây Sơn trúng mùa gạch ngói  (04/06/2008)
Long rong qua miền quê - phố  (04/06/2008)
Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong tình hình mới  (04/06/2008)
Những người thợ cống  (04/06/2008)