Đề tài về người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ đã được nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đi sâu khai thác. Có nhiều người đã nói và viết rất hay ở vấn đề này. Ở đây, xin phép đề cập tới một khía cạnh riêng, đó là đề tài Quang Trung qua ngôn ngữ âm nhạc sân khấu ở Bình Định.
Dân gian tương truyền rằng chính Nguyễn Huệ là người sáng tạo ra bài “Nhạc võ Tây Sơn” với những âm thanh hùng tráng, rộn rã, tưng bừng, nhằm khích lệ tướng sĩ trước giờ xuất trận.
Âm điệu “Trống trận Quang Trung” oai hùng, mạnh mẽ, hào sảng còn vang vọng mãi tới ngày nay. Các vở tuồng ở Bình Định ngợi ca chiến công của người anh hùng áo vải đều có âm nhạc dựa vào giai điệu, tiết tấu của bài trống này. Năm 1977, khi Nhà hát Tuồng Nghĩa Bình (nay là Nhà hát Tuồng Đào Tấn) dựng vở “Quang Trung” (tác giả Mịch Quang), thì nhạc sĩ Nguyễn Viết đã khai thác, sử dụng phần lớn âm điệu trống và kèn trong bài nhạc võ Tây Sơn thành chủ đề chính cho âm nhạc vở diễn. Năm 1980, một lần nữa, Nhà hát Tuồng Nghĩa Bình dàn dựng vở “Quang Trung đại phá quân Thanh” (tác giả Trúc Đường), cũng nhạc sĩ Nguyễn Viết đã sử dụng âm điệu nhạc võ Tây Sơn làm chủ đề xuyên suốt cho âm nhạc của vở diễn. Khí thế hào hùng của âm nhạc hai vở diễn này đã làm cháy lên ngọn lửa tự hào, truyền niềm tin yêu cho cả người xem và người diễn.
Cũng ca ngợi Nguyễn Huệ - Quang Trung, nhưng lần này, đi sâu vào tài năng, tâm hồn của người anh hùng áo vải, là vở “Mặt trời đêm thế kỷ” (tác giả Lê Duy Hạnh), được Nhà hát Tuồng Đào Tấn dàn dựng năm 1986. Những nét đột phá trong tâm hồn, những suy tưởng âu lo của người cầm quân; những day dứt giữa nghĩa nước, tình nhà trong thẳm sâu tâm hồn của Nguyễn Huệ - Quang Trung đã được vở diễn khai thác triệt để và công phu. Nằm trong tổng thể vở diễn, các nhạc sĩ Phan Quý, Đào Duy Kiền đã xây dựng chủ đề riêng cho âm nhạc trong sự gắn kết với chủ đề vở diễn. Dùng tiếng kẻng báo lên sự xuất hiện của mặt trời trong đêm dài thế kỷ, dùng dàn vocal (giọng người) diễn tả sự âm u, đen tối. Những chủ đề chính và phụ của âm nhạc trong vở luôn đối chọi, đối tỷ và đối âm, tạo ấn tượng về một vầng “mặt trời” Quang Trung bừng dậy, chiếu sáng quê hương.
Khai thác khía cạnh tình cảm của người anh hùng áo vải, tác giả Văn Trọng Hùng đã đề cập tới một Nguyễn Huệ tình, Nguyễn Huệ thơ và Nguyễn Huệ yêu nồng thắm trong “Anh hùng với giai nhân”, đã được Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định dàn dựng năm 1999. Đi theo tuyến khai thác mới về Nguyễn Huệ của Văn Trọng Hùng, các nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, Ngô Hữu Lai đã sáng tác những chủ đề âm nhạc vừa dịu dàng, vừa tha thiết. Cách dùng dàn nhạc dây tha thiết, dàn vocal dịu dàng đã làm bật lên được chủ đề chính của vở diễn.
Vở “Trời Nam” đi vào khai thác khía cạnh mở mang đất nước, mở rộng bang giao và kêu gọi những người con lầm lạc về với quê hương, tác giả Lê Duy Hạnh cùng Nhà hát Tuồng Đào Tấn giúp chúng ta hiểu rõ thêm nhân cách lớn của người anh hùng Nguyễn Huệ - Quang Trung. Phần âm nhạc của vở diễn, do NSƯT Đào Duy Kiền và nhạc sĩ Nguyễn Gia Thiện sáng tác, đã tô đậm thêm cho chủ đề vở diễn. Chủ đề của âm nhạc mênh mông, dàn trải tương phản với các chủ đề phụ như suy tư, day dứt, đấu tranh nội tâm khi quan hệ với nhà Thanh, khi kêu gọi nhân tài về với đất nước.
Như vậy, âm nhạc sân khấu tại Bình Định đã góp phần thể hiện hình tượng người anh hùng áo vải qua ngôn ngữ riêng, đặc trưng của âm nhạc ngành sân khấu, góp phần quan trọng vào thành công chung của vở diễn.
|