Các xu hướng thể hiện tác phẩm sân khấu về đề tài Quang Trung - Nguyễn Huệ
20:1', 3/7/ 2008 (GMT+7)

Tỏ lòng ngưỡng mộ vị anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ, nhiều tác giả đã viết tác phẩm sân khấu (SK) ca ngợi ông, ca ngợi phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Các tác giả thường tập trung nêu bật điểm sáng của Quang Trung - Nguyễn Huệ về thiên tài quân sự, nổi lên là chiến tích đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh.

Nhà hát Tuồng Đào Tấn, từ năm 1976 đến nay, đã xây dựng nhiều vở diễn về đề tài này: “Quang Trung (tác giả Mịch Quang), “Quang Trung đại phá quân Thanh” (Trúc Đường), “Thủy chiến Rạch Gầm (Tống Phước Phổ), “Chân dung Nguyễn Huệ” (Hoàng Châu Ký), “Mặt trời đêm thế kỷ” và “Trời Nam” (Lê Duy Hạnh). Lúc còn ở miền Bắc, đoàn Tuồng Liên khu V (tiền thân của Nhà hát Tuồng Đào Tấn), cũng đã dàn dựng vở “Tây Sơn đánh Nguyễn” (Tống Phước Phổ). Tất cả đều mang lại những thành công đáng ghi nhận.

Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, đã có những suy nghĩ và thể hiện khác nhau:

Một số tác giả quan tâm đến khía cạnh những chiến công hiển hách của Quang Trung. Chính vì vậy, đã cho rằng: Viết về Quang Trung - Nguyễn Huệ khó mà thành tác phẩm SK hay, do sự nghiệp ông khá suôn sẻ, cuộc đời ông không có trắc trở đáng kể; còn tác phẩm SK lại cần có kịch tính, tình huống phải éo le, gay cấn mới hấp dẫn người xem.

Cách nhìn này mới dừng lại ở một phương diện. Để thực hiện chí cả, Nguyễn Huệ không thể không lo toan đến bối cảnh lúc bấy giờ: Ở đàng Trong, chúa Nguyễn mưu rước Tây dương; đàng Ngoài, vua Lê nhu nhược, chúa Trịnh lộng hành; rồi vua anh bản vị hẹp hòi; mấy tướng lĩnh của phong trào lại nhen nhóm tư tưởng “cát cứ”... Thực ra, ai viết về Quang Trung - Nguyễn Huệ lại không muốn đề cao tài cầm quân đánh giặc của ông, nhưng cũng cần đề cập tới những khó khăn trở lực bên ngoài và những day dứt trăn trở từ bên trong con người ông. Chẳng hạn, vở “Mặt trời đêm thế kỷ” Lê Duy Hạnh đã khắc họa Nguyễn Huệ đâu chỉ lo rèn binh, thần tốc ra quân, đánh đuổi giặc Thanh, mà trước đó, ông đã trải qua bao giằng xé nội tâm: những xót đau khi phải xuống lệnh nghiêm trị Vũ Văn Nhậm (một đồng đội, vừa là cháu rể) đã nhiễu sự chốn Thăng Long; bức xúc khi nhận chiếu chỉ của vua anh triệu về Quy Nhơn phục mệnh, không cho ông tiến quân ra Bắc Hà; rồi phải trấn an nỗi nhục hờn giòng tộc của Ngọc Hân (vợ ông) lúc nàng nghe tin vua Lê Chiêu Thống sang Thanh cầu viện... đó chẳng phải là bão tố nội tâm, tạo nên kịch tính ?

Bên cạnh đó, lại có người muốn thâu tóm cả cuộc đời và sự nghiệp của Quang Trung - Nguyễn Huệ vào chỉ một vở diễn từ hai đến ba tiếng đồng hồ, nên đã dẫn đến tình trạng: không thể miêu tả đầy đủ, có khi còn bỏ sót những sự kiện quan trọng.

Khác với suy nghĩ và cách làm ấy, ngay từ đầu, khi dự định viết kịch bản về đề tài này, Nhà hát Tuồng Đào Tấn đã chủ trương xây dựng thành “pho”, với nhiều vở diễn, mỗi vở nói đến một vài vấn đề, để gộp lại mới có được sự phong phú và sắc đậm về cuộc đời và sự nghiệp của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Phương hướng này được cấp trên ủng hộ, nghệ sĩ hưởng ứng.

Một dạng thức nữa là tuy hình bóng của Quang Trung - Nguyễn Huệ ít xuất hiện, thậm chí không xuất hiện trên SK (tức không phải là nhân vật chính quán xuyến vở diễn), mà chỉ xuất hiện qua hồi tưởng hoặc bộc bạch của nhân vật khác, nhưng vai trò và uy danh của ông vẫn ngời sáng. Bởi vậy ngoài bảy vở diễn nêu trên còn phải kể thêm “Tây Sơn tụ nghĩa” (Tống Phước Phổ) nói về thời kỳ đầu dựng nghiệp của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn; “Tâm sự Ngọc Hân” (Tống Phước Phổ) biểu thị sự đồng cảm của một công chúa nhà Lê với sự nghiệp của chồng; “Bùi Thị Xuân” (Kim Hùng) và “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc” (Lê Duy Hạnh) bày tỏ lòng kính phục của văn thần võ tướng đối với tài chí của Quang Trung - Nguyễn Huệ, sự tiếc thương và tổn thất to lớn của phong trào khi ông qua đời. Tác giả Văn Trọng Hùng cũng có kịch bản “Anh hùng với giai nhân” về mối nhân duyên đặc biệt giữa Nguyễn Huệ và Ngọc Hân, tuy ban đầu có phần miễn cưỡng, nhưng dần đã chuyển thành tình yêu tri kỷ giữa hai tâm hồn lớn, cùng rung cảm về tài sắc của nhau, cùng chung những ưu tư về quốc gia - dân tộc. Và còn nhớ, năm 1979, trò chuyện với chúng tôi, tác giả Tào Mạt, nói: “Tôi sẽ viết về cái bi của Quang Trung - Nguyễn Huệ, có thể cả cái hài của ông trong giao lưu với tướng sĩ hay lúc tham gia biểu diễn với các nghệ sĩ tuồng”.

Như thế, có rất nhiều đề tài, rất nhiều hình thức để xây dựng tác phẩm SK quanh đề tài Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nhân đây, xin trao đổi thêm mấy ý: Tuy có chủ trương dựng thành “pho” về đề tài này, nhưng không vì thế mà nêu hết. Mỗi vở diễn thường tập trung cho một chủ đề tư tưởng chính, điều gì không liên quan phục vụ chủ đề ấy, thì không đưa vào, để cốt chuyện được cô đọng. Bởi vậy, chúng ta cũng không nên thắc mắc, khi sự kiện này, tình tiết kia hoặc nhân vật nọ có trong sử sách, lại không thấy trong vở diễn. Tác phẩm SK cho phép lược giảm và bổ sung những điều sử sách không ghi chép, mà dựa vào truyền thuyết hoặc được quyền hư cấu, miễn sao những bổ sung phải hợp lý, đúng tinh thần của chính sử.

  • NSƯT Đào Duy Kiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đề tài Quang Trung trong ngôn ngữ âm nhạc sân khấu Bình Định  (03/07/2008)
Nhớ Quang Vĩnh Khương - cây bút trẻ tài hoa  (03/07/2008)
Nỗi buồn ấm áp  (03/07/2008)
Gặp một huyền thoại đất Võ  (03/07/2008)
Bóng đá, thơ và báo và…  (03/07/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/07/2008)
Mong ước Quy Nhơn có di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh  (05/06/2008)
Dân tộc ta gọi Bác Hồ là “Người”  (05/06/2008)
Những bài học thực tế  (05/06/2008)
Gặp những người kể chuyện về Bác Hồ  (05/06/2008)
Báo động nạn khai thác đá, chặt phá cây rừng ở núi Bà  (05/06/2008)
Học sinh chịu khổ “nuôi” con chữ  (05/06/2008)
Thơ  (05/06/2008)
Tăng cường đáp ứng nguồn điện tại chỗ  (04/06/2008)
Tây Sơn trúng mùa gạch ngói  (04/06/2008)