Rau dớn, cá niên
20:19', 3/7/ 2008 (GMT+7)

Bình Định có món ăn “siêu đặc sản” là rau dớn và cá niên. Rau dớn, cá niên chỉ có ở 2 huyện miền núi Vĩnh Thạnh và An Lão. Rau dớn còn có tên khác là: dớn rừng, dớn nhọn, phạc cút (Tày), lay nhái (Dao). Họ dớn: Thelypteridaceae. Tên khoa học: Cyclosorus acuminatus (Houtt) Nakai.

 

Thưởng thức cá niên vừa bắt lên từ suối ở An Lão. Ảnh: Q.K

 

Dớn là loại cây có thân rễ ngắn, mọc bò, sống dai, lá mọc so le, kép lông chim 2 lần, hình ngọn giáo, phiến dai, dài 35 - 45cm, rộng 20 - 25cm, nhiều lá chét không cuống, gốc tròn, đầu nhọn mọc rất sít nhau, mép khía răng tròn, mặt lá có lông, lá non cuộn lại hình thon, cuống lá dài 25 - 35 cm, có vẩy ở gốc, có lông suốt chiều dài.

Ở Việt Nam, rau dớn có ở các tỉnh miền núi phía bắc - các tỉnh Tây Nguyên, vùng cao các tỉnh Khu 4, Khu 5. Cây dớn chịu đất ẩm, chịu ánh sáng, mọc tập trung ở bờ khe suối, ở cửa rừng. Rau dớn chịu độ cao trên 2.000m. Lá non thu hái vào tháng 3 - 5. Mỗi khóm nhỏ chỉ mọc lên 1 - 3 lá mới mỗi năm, khi lá non bị hái, lại mọc lên lá non mới thay thế. Rau dớn sinh sản bằng bào tử, phát tán nhờ gió và nẩy mầm ở môi trường nước.

Rau dớn là loại rau quen thuộc với đồng bào miền núi từ Bắc vào Trung Trung Bộ và Tây Nguyên.

Thành phần hóa học: Rau dớn chứa 86% nước, 4% protide, 8% hydratcarbon, chủ yếu cellulose (The wealth of India vol III. 1952,88), các hợp chất axit phenolic, axit protocatechic và axit syringic (AII9. 1993, 1133 41.1).

Công dụng của rau dớn: Lá non rau dớn thường được dùng để luộc, xào hoặc ăn sống. Nhưng khi có cá niên vừa bắt lên đem nướng thật vàng, giòn bằng lửa than xong, vứt bỏ đầu cá, rút hết xương, bóc thịt cá trộn đều với rau dớn chỉ rửa sạch dùng tay ngắt cộng nhỏ và chỉ trụng qua nước sôi lấy ra ngay, có thêm các gia vị như: ớt, tỏi, hành củ, bột ngọt và muối sống vừa ăn (không cho nước mắm) thì sẽ trở thành món ngon nhớ đời.

 

Rau dớn. Ảnh: T.X.C

 

Theo kinh nghiệm của các chiến sĩ giải phóng quân Bình Định, thời đánh Mỹ, ở vùng núi An Lão, Vĩnh Thạnh cứ tối khoảng 19 - 20 giờ, vứt đá xuống sông Kàxom chảy ra sông Kôn, thế là từng đàn cá niên chui vào hốc đá “trốn”, các chiến sĩ lội xuống mò bắt gọn cá niên. Đồng bào miền núi còn lấy ruột cá niên làm mắm và hái lá non cây lộc vừng, chấm mắm ruột cá niên, thêm món ăn dân dã, đậm đà hương vị của núi rừng.

Rau dớn còn dùng làm thuốc: Lá non rau dớn 50g rửa sạch giã nhỏ đắp lên vết thương cầm máu, hàn vết thương. Thân, rễ (bỏ rễ non) 20g rửa sạch, thái nhỏ sắc 200ml nước còn 50ml uống 2 lần (25ml cho một lần) sáng, chiều điều trị sốt rét, đợt điều trị 7 - 10 ngày.

Các nước như Đài Loan, rau dớn làm thuốc điều trị hạ nhiệt; Philippines nước sắc thân, rễ rau dớn non chữa ho, ho ra máu; Malaysia, nước sắc rau dớn cho phụ nữ uống sau sinh nở.

  • Trang Xuân Chi
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vợ bị bắt, chồng đầu thú  (03/07/2008)
Các xu hướng thể hiện tác phẩm sân khấu về đề tài Quang Trung - Nguyễn Huệ  (03/07/2008)
Đề tài Quang Trung trong ngôn ngữ âm nhạc sân khấu Bình Định  (03/07/2008)
Nhớ Quang Vĩnh Khương - cây bút trẻ tài hoa  (03/07/2008)
Nỗi buồn ấm áp  (03/07/2008)
Gặp một huyền thoại đất Võ  (03/07/2008)
Bóng đá, thơ và báo và…  (03/07/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/07/2008)
Mong ước Quy Nhơn có di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh  (05/06/2008)
Dân tộc ta gọi Bác Hồ là “Người”  (05/06/2008)
Những bài học thực tế  (05/06/2008)
Gặp những người kể chuyện về Bác Hồ  (05/06/2008)
Báo động nạn khai thác đá, chặt phá cây rừng ở núi Bà  (05/06/2008)
Học sinh chịu khổ “nuôi” con chữ  (05/06/2008)
Thơ  (05/06/2008)