Tản mạn hoa cúng
20:23', 3/7/ 2008 (GMT+7)

Ngày nay, chúng ta dùng nhiều hoa, có những dịp không thể nào thiếu hoa. Bài này, xin nói về hoa cúng.

Người Việt Nam ta thờ cúng tổ tiên. Nước có Quốc giỗ Hùng Vương, nhà có giỗ gia tiên. Ngoài ra còn có những ngày sóc, vọng hàng tháng, những ngày tâm linh khác, cũng thường được cúng ở các gia đình, các nơi thờ phụng khác. Cúng giỗ, trước hết người ta lấy hương hoa làm trọng, vì hương hoa thanh khiết và còn thể hiện sự tâm thành, khác với sự sắm sửa mâm cỗ linh đình.

 

Bình hoa cúng gia tiên. Ảnh: Văn Tư

 

Trên các bàn thờ dù đã đặt bày đủ các đồ thờ, không thể thiếu cái lục bình cắm hoa. Lục bình có thể làm bằng đồng thau, gỗ trắc, thủy tinh hoặc bằng sứ tráng men. Lục bình cổ thường là lục bình sứ men xanh vẽ cúc - tùng, mai -  lan -  cúc -  trúc, ngư - tiều - canh - mục hoặc vẽ các sự tích trong truyện Tàu. Lục bình sứ cổ cũng có đời như các đồ sứ cổ mang niên đại các đời vua bên Trung Quốc, càng cổ càng quý giá. Hoa được tôn vẻ đẹp hơn bội phần, nhờ ở cái lục bình quý.

Ngày xưa, ở quê tôi chưa có hàng hoa, chợ hoa như bây giờ. Hồi chưa xuống Quy Nhơn học Trung học, tôi đọc tiểu thuyết “Gánh hàng hoa” (của Khái Hưng và Nhất Linh) rồi sinh ra cảm tình với cô hàng hoa cùng cái làng hoa Ngọc Hà ở gần Hà Nội. Sau này xuống Quy Nhơn học trường Collège, mỗi sáng sớm trên đường đi học, tôi thầm mong được gặp cô hàng hoa làng Xuân Quơn quen thuộc với gánh hàng hoa trên vai. Cô gánh hoa đi bán dạo các đường phố và cô có một tấm nhan sắc. Nhan sắc ấy khiến tôi phải liên hệ đến câu thơ: “Nhân diện đào hoa tương ánh hồng” (Hoa đào phản chiếu mặt ai ửng đào - Trần Trọng San dịch) của thi sĩ Thôi Hộ, đời Đường. Hồi ấy, để có một lọ hoa tươi cắm trên bàn thờ ngày giỗ cúng là việc thực khó. Trong không khí rộn ràng của gia đình trước ngày giỗ, ba không quên sai bảo tôi: “Sáng sớm mai, thằng Cu Tý đi bẻ về cho ba một bình hoa cúng nội!”. Thế là đêm hôm trước ngày giỗ gia tiên, tôi phải thức ngủ chập chờn để nhớ lại xem trên đường đến trường, trên đường đi dạo làng, mình đã thấy hoa ở đâu để đến thẳng đó mà xin, mà bẻ. Cũng đôi khi, ba cho địa chỉ có hoa, kèm theo sau lời sai bảo của ông. Tùy mùa mà tôi đi “tìm hoa”: Xuân, tôi lên chùa Thiên Ân xin cúc, huệ, cúc vạn thọ; Hạ tôi ra ao làng mênh mông bát ngát, hái hoa sen; Thu lại lên chùa cậy lòng hoan hỉ của sư cụ mà xin hoa cúc; Đông bẻ hoa điệp đang gội gió mưa trong sân đình làng, sân nhà mình... Cũng có nhà, chuộng sự tiện lợi, ra vườn cắt cây chuối non, đem vào cắm lục bình, cũng thay được hoa. Các cành hoa cắt dán bằng giấy ngũ sắc như học trò học môn thủ công ở trường, cũng được thấy trên bàn thờ nhiều gia đình. Tôi còn nhớ hình bóng ông tôi râu tóc bạc phơ, mỗi năm cứ đến độ sắp tàn Đông, bắt đầu có mưa phùn và giá lạnh, lại đem giống hoa cúc vạn thọ ra gieo trồng. Ông bảo: “Để đến ngày cúng chạp mả cuối tháng Chạp và ngày Tết thì nhà mình có hoa nở”. Có thứ hoa chuyên cúng như hoa điệp vàng, trắng, đỏ và cũng có thứ hoa trong Nam ít ai cúng, như hoa hồng, hoa giấy... Sáng hôm qua, tôi đến chơi nhà một cô giáo về hưu, gặp lúc cô đi chợ về. Cô giáo một tay xách giỏ, một tay ôm bó hoa sen bước vào nhà. Cô chào tôi, tôi khen cô mua được hoa sen màu tươi, hương thơm ngát. Cô tươi cười, bảo: “Đây là hoa sen đầm Phú Hòa, 16.000 đồng một chục, tôi cắm bàn thờ gia tiên 5 cành, 5 cành cắm phòng khách”.

Ngày nay, mỗi khi cần một bình hoa cúng, người làng tôi không còn mất công đi bẻ bông, đi xin hoa khắp xóm thôn như hồi xưa nữa. Người ta lên chợ Huyện, đến Siêu thị, hay tới hàng hoa tươi tha hồ mà mua sắm. Bây giờ, hàng hoa có trăm hoa và hoa cũng nhiều nguồn gốc khác nhau: Lay - ơn, cúc đồng tiền giống Đà Lạt, tuy - líp Hà Lan… Ở Quy Nhơn, giới trung lưu và giới bình dân thường mua cúc vàng giống Đà Lạt về cúng với giá 7.000 đồng/bình (5 cành) bọc trong giấy gương gói loa kèn, in hoa văn chìm nổi, lịch sự. Phật tử thường mua hoa huệ, hoa sen mang về chùa cúng Phật. Từ lâu rồi, người Quy Nhơn có tập quán siêng năng lên Nghĩa trang đặt hoa và cắm nhang nơi các phần mộ. Ngày nay, có hình thức phúng điếu lễ tang bằng vòng hoa khá phổ biến, chứ hồi xưa ít gặp. Ngày rằm, mồng một, hoa có đắt hơn một chút. Nghề trồng hoa và kinh doanh hoa ở đây đang khá phát đạt, nổi tiếng là làng hoa huệ Phú Hòa, làng hoa cúc Luật Lễ (Tuy Phước)… Khu Sáu ngày nay (tức Xuân Quơn xưa) chuyên trồng lay - ơn, cúc đồng tiền, cung cấp một phần đáng kể cho thành phố Quy Nhơn.

  • Huỳnh Kim Bửu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Rau dớn, cá niên  (03/07/2008)
Vợ bị bắt, chồng đầu thú  (03/07/2008)
Các xu hướng thể hiện tác phẩm sân khấu về đề tài Quang Trung - Nguyễn Huệ  (03/07/2008)
Đề tài Quang Trung trong ngôn ngữ âm nhạc sân khấu Bình Định  (03/07/2008)
Nhớ Quang Vĩnh Khương - cây bút trẻ tài hoa  (03/07/2008)
Nỗi buồn ấm áp  (03/07/2008)
Gặp một huyền thoại đất Võ  (03/07/2008)
Bóng đá, thơ và báo và…  (03/07/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/07/2008)
Mong ước Quy Nhơn có di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh  (05/06/2008)
Dân tộc ta gọi Bác Hồ là “Người”  (05/06/2008)
Những bài học thực tế  (05/06/2008)
Gặp những người kể chuyện về Bác Hồ  (05/06/2008)
Báo động nạn khai thác đá, chặt phá cây rừng ở núi Bà  (05/06/2008)
Học sinh chịu khổ “nuôi” con chữ  (05/06/2008)