Làng đúc Bằng Châu xưa và nay
17:54', 4/7/ 2008 (GMT+7)

Bằng Châu (thôn Bằng Châu, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn) từ lâu đã nổi tiếng với nghề đúc đồng truyền thống. Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nghề đúc nơi đây, nhiều sản phẩm có giá trị đã được làm ra. Tuy nhiên, trong thời kinh tế thị trường, làng đúc Bằng Châu gặp không ít khó khăn và thách thức.

 

Đúc sản phẩm bằng đồng. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

* Dấu ấn một thời

Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết, nghề đúc đồng ở Bằng Châu đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Vào thời Tây Sơn, làng đúc Bằng Châu tập hợp lại thành từng vùng, cụm và sản phẩm làm ra là các loại như mâm, nồi, chảo, đèn thờ.... Thời gian này các sản phẩm còn thô sơ, quy trình chế tạo khuôn đúc tốn nhiều công sức. Dần dần làng nghề cải tiến kỹ thuật sản xuất, sản phẩm làm ra ngày một tinh xảo, mang tính mỹ thuật cao và đa dạng như các loại đèn thờ, nồi, bung, mâm, hộp đựng trầu, khay, chiêng cồng... và các loại vật dụng trang trí. Vào thời Gia Long, triều đình đã tuyển một số thợ có tay nghề cao ở đây ra Huế phục vụ. Nhiều sản phẩm làm ra từ tay của các thợ đúc Bằng Châu hiện còn lưu giữ lại cung đình Huế, trong đó đáng chú ý nhất là Cửu đỉnh được đúc vào thế kỷ 19.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, làng đúc Bằng Châu phải gánh chịu nhiều mất mát. Tuy nhiên, không vì thế mà nghề đúc bị mai một, làng nghề vẫn duy trì sản xuất. Ông Nguyễn Văn Tô, người đã gắn bó với nghề đúc hơn 55 năm, kể lại những khó khăn trong thời kỳ kháng chiến: “Làng nghề muốn làm ra sản phẩm thường phải hoạt động vào ban đêm và chui xuống hầm để làm, những người thợ vừa sản xuất vừa phải lo tránh đạn”. Trong thời gian đó, làng nghề không chỉ làm ra các sản phẩm phục vụ đời sống, mà một số thợ đúc trong làng đã tham gia đúc vũ khí chống Pháp như đúc vỏ lựu đạn có hình dạng như trái mãng cầu tại xưởng quân khí ở Hoài Ân.

Năm 1957 các thợ đúc đồng Bằng Châu tham gia nấu đồng để đúc tượng Phật cao 2m nặng 750kg đặt tại chùa Long Khánh (Quy Nhơn) và một số tượng được làm bằng đồng đã có mặt trên mọi miền của đất nước, nhất là Nam bộ. Các nghệ nhân của làng đúc Bằng Châu cũng đã đúc thành công đại hồng chung (chuông lớn) cao 1,2m, rộng 0,8m và nặng hơn 200kg vào năm 1972, hiện tại chuông đặt tại chùa Long Hoa (Phù Cát - Bình Định).

Sau khi thống nhất đất nước, năm 1979, HTX đúc đồng ở Bằng Châu được thành lập, quy trình công nghệ được nâng cao, kỹ thuật đúc tinh vi hơn, đây là thời gian Bằng Châu nhộn nhịp người ra vào buôn bán từ các nơi đổ về. Ngoài các sản phẩm phục vụ cho văn hóa tâm linh như cồng chiêng, đèn thờ, đài, đảnh…, làng đúc Bằng Châu còn làm ra nhiều mặt hàng phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và thủy sản. Năm 1982, toàn thể nghệ nhân làng đúc Bằng Châu đã góp công sức đúc tượng Bác Hồ toàn thân cao 2m nặng 750kg để làm quà kỷ niệm cho quê hương. Hiện nay, tượng được lưu tại Phòng Truyền thống (Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện An Nhơn).

 

Những người thợ đúc Bằng Châu bên sản phẩm mới hoàn thành. Ảnh: Văn Lực

 

* Nỗ lực vượt khó

Khoảng cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, HTX đúc đồng Bằng Châu hoạt động không còn phù hợp nên đã quyết định giải thể. Từ đây, làng nghề đúc đồng Bằng Châu bắt đầu gặp khó khăn trong sản xuất. Các khu công nghiệp hình thành, sản phẩm đúc làm ra nhiều nên có giá thành giảm so với cách làm thủ công trước kia. Trong khi đó, các gia đình tại làng đúc Bằng Châu vẫn sản xuất theo kiểu thủ công nên sản phẩm làm ra không cạnh tranh nổi.

Ông Trần Néo, 73 tuổi đời, 60 tuổi nghề, tâm sự: “Sản xuất theo hình thức cá thể nhỏ lẻ sẽ không cạnh tranh nổi nhưng biết lấy vốn ở đâu mà sản xuất lớn bây giờ”. Không chỉ gặp khó về nguồn vốn, việc tiêu thụ sản phẩm cũng là một bài toán khó. Theo ông Nguyễn Văn Tô thì sản phẩm của làng làm ra không hề thua kém về chất lượng nhưng do sản xuất nhỏ lẻ nên khi làm ra rất khó tìm nơi tiêu thụ.

Nguồn vốn hạn hẹp, thêm vào đó sản phẩm làm ra khó tìm nơi tiêu thụ nên làng nghề chỉ sản xuất cầm chừng, khi có mối đặt mới làm. Một số hộ trong làng không thể trụ nổi buộc phải bỏ nghề để vào làm tại Khu công nghiệp Gò Đá Trắng. Làng đúc Bằng Châu vắng dần những cột khói thổi lửa đốt lò, lớp thanh niên trẻ trong làng không còn mặn mà với nghề truyền thống của cha ông từ hơn 200 năm nay. 

Không thể để làng đúc đi vào quên lãng, những người thợ tâm huyết trong làng như ông Tám Tô, Trần Néo đã tìm cách khôi phục lại làng nghề truyền thống này. Năm 2007, người thợ đúc Bằng Châu đã đúc thành công tượng phật Thích Ca tọa thiền cao 1,45m, nặng 1,1 tấn cho một ngôi chùa trong tỉnh. Đầu năm nay, họ cũng đã đúc thành công đại hồng chung nặng 200kg, cao 1,5m, rộng 1,1m đặt tại Tịnh xá Bửu Quang.

Theo nguyện vọng của những người thợ tâm huyết của làng đúc Bằng Châu, ngày 1.5.2008 Sở Công Thương tỉnh đã ký quyết định cho thành lập Hiệp hội làng đúc Bằng Châu - Bình Định. Đây là một tin vui cho những người thợ đúc làng Bằng Châu vì Hiệp hội được thành lập sẽ đại diện cho quyền lợi của các thành viên cũng như góp phần quảng bá cho hình ảnh làng nghề. Ông Nguyễn Văn Tô phấn khởi cho biết: “Đây là tin vui cho tất cả bà con trong làng, hi vọng làng nghề sẽ càng ngày càng phát triển hơn nữa”. Ông Tô còn cho biết thêm, không cứ khoa học hiện đại là nghề đúc không thể tồn tại nữa, chính nhờ sự phát triển của khoa học sẽ làm cho nghề đúc ngày càng thêm hoàn thiện.

Thêm một tin vui nữa đến với người dân làng đúc Bằng Châu, Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 sắp tới, làng nghề đúc đồng Bằng Châu sẽ đúc biểu diễn phù điêu vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm to lớn nên ngay từ bây giờ, các nghệ nhân trong làng đang gấp rút chuẩn bị mọi thứ.

“Dù thành đạt đến đâu và trên lĩnh vực nào đi chăng nữa thì những người con của mảnh đất Bằng Châu cũng không thể quên nghề đã gắn bó với ông cha họ từ mấy trăm năm nay”, ông Tô nói về suy nghĩ của những người con nơi đây. Chính vì vậy mà từ năm 2004 đến nay, sau thời gian tạm lắng xuống, ngày giỗ Tổ nghề đúc được người dân trong làng tổ chức long trọng vào 17.3 (âm lịch) hàng năm. Không chỉ là ngày giỗ Tổ, đây đã trở thành lễ hội truyền thống làng nghề đúc đồng Bằng Châu, một hình thức sinh hoạt văn hóa gắn liền với quá trình hình thành và phát triển làng nghề, đưa con người hướng về cội nguồn, tạo nên sự gắn bó với nhau trong đời sống cộng đồng, tạo nên sức mạnh của làng nghề.

  • Văn Lực
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quy Nhơn mùa Euro  (04/07/2008)
Thơ  (04/07/2008)
Ba viên cảnh sát  (03/07/2008)
Tản mạn hoa cúng  (03/07/2008)
Rau dớn, cá niên  (03/07/2008)
Vợ bị bắt, chồng đầu thú  (03/07/2008)
Các xu hướng thể hiện tác phẩm sân khấu về đề tài Quang Trung - Nguyễn Huệ  (03/07/2008)
Đề tài Quang Trung trong ngôn ngữ âm nhạc sân khấu Bình Định  (03/07/2008)
Nhớ Quang Vĩnh Khương - cây bút trẻ tài hoa  (03/07/2008)
Nỗi buồn ấm áp  (03/07/2008)
Gặp một huyền thoại đất Võ  (03/07/2008)
Bóng đá, thơ và báo và…  (03/07/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/07/2008)
Mong ước Quy Nhơn có di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh  (05/06/2008)
Dân tộc ta gọi Bác Hồ là “Người”  (05/06/2008)