|
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ba na ở làng Hà Ri (Vĩnh Thạnh). Ảnh: Ngọc Thái |
Nhân Festival Tây Sơn- Bình Định 2008, chúng tôi xin giới thiệu một số nét về Làng nghề Bình Định và những giải pháp bảo tồn, phát triển trong thời gian tới.
* Vài nét đặc điểm
Làng nghề ở Bình Định phát triển chưa nhiều; theo số liệu thống kê, hiện có 54 đơn vị (làng nghề hoặc vùng nghề); trong đó có 46 làng nghề. Nhìn chung, tổ chức sản xuất của các làng nghề ở tỉnh ta còn phân tán; quy mô sản xuất nhỏ và phần lớn còn khép kín trong từng hộ gia đình. Sản phẩm hàng hóa còn đơn điệu, chưa đa dạng, phong phú; lực lượng nghệ nhân và lao động có tay nghề cao chưa nhiều, chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ; thị trường còn hạn hẹp, sản phẩm xuất khẩu còn nhỏ bé.
Các làng nghề ở Bình Định sản xuất các loại sản phẩm theo các nhóm ngành: chế biến nông-lâm sản; chế biến hải sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất các loại dụng cụ và hàng tiêu dùng khác. Các làng nghề phân bố không đều trên địa bàn 8/11 huyện, thành phố; có gần 10.000 hộ trong các làng nghề với trên 46.000 lao động, thu nhập của người lao động từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/ người/tháng; giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng còn khiêm tốn (3% GTSXCN toàn tỉnh).
Qua thực tế ở địa phương, nhất là thời gian sau khi nước ta gia nhập WTO, có thể thấy rằng, bên cạnh những thuận lợi, các làng nghề ở tỉnh ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Cơ cấu nội bộ ngành CN-TTCN và làng nghề của tỉnh Bình Định chủ yếu là chế biến nông-lâm-thủy hải sản; hàng thủ công mỹ nghệ, nhưng trình độ kỹ thuật công nghệ còn thấp. Sản phẩm của làng nghề với hàm lượng kỹ thuật công nghệ thấp cũng sẽ chịu nhiều sức ép cạnh tranh quốc tế về thương hiệu, chất lượng, mẫu mã và giá thành. Thách thức lớn nhất là phải giữ vững và mở rộng thị trường nhằm bảo đảm việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động ở nông thôn.
* Bảo tồn và phát triển làng nghề
Cùng với chính sách khuyến khích phát triển làng nghề, cần có chương trình cụ thể, thiết thực gắn với làng nghề, như: Xây dựng hệ thống thông tin về làng nghề; chương trình phát triển toàn diện theo từng nhóm sản phẩm; chương trình bảo tồn giá trị truyền thống của sản phẩm làng nghề; xây dựng hệ thống phát triển mẫu mã sản phẩm, các dự án phát triển sản phẩm, đặc biệt chú trọng những nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; chương trình xây dựng hạ tầng và cải thiện cảnh quan môi trường làng nghề; chương trình phát triển doanh nghiệp làng nghề.
Để bảo tồn và phát triển làng nghề trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển các làng nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Trong quy hoạch thể hiện rõ quan điểm phát triển: Phát triển làng nghề phải phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH và quy hoạch phát triển CN-TTCN trên địa bàn tỉnh; đồng thời phải gắn với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong các sản phẩm và phát triển du lịch. Phát triển làng nghề phải gắn với quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển hiệu quả, bền vững. Phát triển ngành nghề gắn với thu hút lao động, giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống dân cư nông thôn.
|
Thợ rèn làng nghề rèn Tây Phương Danh (Đập Đá - An Nhơn) rèn nông cụ sản xuất. Ảnh: N.Thái
|
* Một số giải pháp phát triển
Làng nghề có vị trí, vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH ở địa phương; không những góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, mà còn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa riêng có của Bình Định; thể hiện ở các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngoài giá trị sử dụng thông thường còn mang giá trị vật thể và phi vật thể của văn hóa dân tộc, được duy trì và phát triển chủ yếu ở các làng nghề truyền thống nhờ những nghệ nhân, thợ giỏi, cha truyền, con nối từ đời này qua đời khác.
Để làng nghề Bình Định phát triển hiệu quả và bền vững, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản và đồng bộ, bao gồm: công tác quy hoạch; hỗ trợ về kỹ thuật công nghệ; bảo vệ môi trường; phát triển hạ tầng nông thôn; hỗ trợ nhân cấy nghề, truyền nghề, du nhập nghề mới, hỗ trợ đào tạo lao động nâng cao tay nghề; quy hoạch và đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ vốn tín dụng; hỗ trợ xúc tiến thương mại khai thác các thị trường tiềm năng.
Một số sản phẩm đặc sắc ở các làng nghề riêng có của Bình Định như: nem Chợ Huyện (Tuy Phước); rượu Bàu Đá (Nhơn Lộc, An Nhơn); nón ngựa Phú Gia (Phù Cát); sản phẩm tiện gỗ và chạm khảm mỹ nghệ Nhạn Tháp (Nhơn Hậu, An Nhơn); thảm xơ dừa (Tam Quan, Hoài Nhơn); gạch ngói Phú Phong (Tây Sơn)… Các làng nghề này có triển vọng phát triển tốt. Đặc biệt có 5 làng nghề được quy hoạch và từng bước đầu tư phát triển để khai thác du lịch làng nghề, gồm có: Làng Rèn Tây Phương Danh (thị trấn Đập Đá, An Nhơn); Làng Nón ngựa Phú Gia (Cát Tường, Phù Cát); Làng Dệt thổ cẩm Hà Ri (Vĩnh Thạnh); Làng Tiện gỗ mỹ nghệ Nhạn Tháp (Nhơn Hậu, An Nhơn); Làng Rượu Bàu Đá (Nhơn Lộc, An Nhơn). |
Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quy định tiêu chí công nhận làng nghề để có cơ sở cho các địa phương phấn đấu xây dựng các làng nghề trên địa bàn. UBND tỉnh cũng đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển làng nghề nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các làng nghề phát triển. Thông qua các chương trình khuyến công hàng năm, tỉnh và Trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình đào tạo nghề, tổ chức trình diễn kỹ thuật sản xuất, du nhập nghề mới, nhân cấy nghề, phát triển nghề nhằm phát triển lực lượng lao động có tay nghề ở nông thôn, miền núi, góp phần phát triển làng nghề.
Cùng với phát triển lực lượng sản xuất, tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn như chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn; cải tạo, nâng cấp hệ thống điện nông thôn, tạo điều kiện tốt cho phát triển TTCN và làng nghề ở nông thôn. Quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu (mây, cói, dừa, gỗ rừng trồng…) phục vụ phát triển TTCN nông thôn...
Đối với cơ sở sản xuất, cần quan tâm đầu tư chiều sâu, đầu tư mở rộng trên cơ sở lựa chọn những ngành hàng, những sản phẩm có khả năng cạnh tranh nhằm phát huy những năng lực còn tiềm ẩn. Ứng dụng cung cách quản lý tiên tiến, cùng với các giải pháp cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm; đào tạo, tập huấn nghề thu hút lực lượng lao động ở nông thôn. Tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác nhằm thu hút vốn đầu tư lớn, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại, phương pháp và kinh nghiệm quản lý của các đối tác đầu tư ngoài nước. Chủ động và gia tăng sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với nhau thông qua từng hiệp hội ngành nghề để nâng cao tiềm lực, sức cạnh tranh và bảo vệ sự phát triển ổn định.
Từng cơ sở sản xuất không ngừng nghiên cứu đổi mới mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm; tập trung phát triển những nhóm sản phẩm có khả năng cạnh tranh, phát huy lợi thế về nguyên liệu, lao động tại chỗ; ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, kỹ năng tay nghề tốt, nâng cao hàm lượng kỹ thuật công nghệ trong sản phẩm, bảo đảm chất lượng, giá trị sử dụng, giá thành hợp lý đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Xây dựng và phát triển thương hiệu, xây dựng và thực hiện tốt chiến lược tiếp thị, quảng bá sản phẩm, tạo sự tin tưởng và ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách hàng nhằm nâng cao uy tín phát triển thị trường.
* Hội Làng nghề truyền thống và Ẩm thực
Hội Làng nghề truyền thống (LNTT) và Ẩm thực (diễn ra từ ngày 27.7 đến 3.8.2008 tại Quảng trường khu eo biển đường An Dương Vương, TP Quy Nhơn) là một trong những hoạt động chính trong Festival Tây Sơn-Bình Định 2008 nhằm thể hiện bản sắc văn hóa Bình Định thông qua các hoạt động trình diễn sản xuất một số nghề thủ công truyền thống tiêu biểu; đồng thời trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của các đơn vị sản xuất trong các LNTT. Chương trình ẩm thực nhằm giới thiệu những món ăn, thức uống mang đậm phong vị đặc sản của quê hương Bình Định và một số địa phương khác thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Hoạt động này còn có ý nghĩa nhằm quảng bá các sản phẩm hàng hóa truyền thống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của tỉnh Bình Định và một số tỉnh bạn để thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, giao lưu, mua bán, ký kết hợp đồng; các cơ sở sản xuất học hỏi kinh nghiệm, góp sức bảo tồn, phát triển làng nghề. Đây là một trong nhiều giải pháp tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TTCN cũng như các cơ sở làng nghề tham gia giao lưu, quảng bá, tiếp thị, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, hợp tác đầu tư và xúc tiến thương mại.
(Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định) |