|
Việc mặc của Bác Hồ rất giản dị, chí cốt đủ ấm. Ảnh: T.L |
Trong hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về đạo đức cách mạng, thì nội dung: Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu là phẩm chất cơ bản nhất trong hệ thống đạo đức của Bác Hồ, và Người là tấm gương sáng, mẫu mực trong thực hành những chuẩn mực đó. Nhận thức đúng đắn và sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong năm 2008 là biện pháp tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, các đoàn thể, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008.
Nội dung cơ bản về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu được Hồ Chí Minh giải thích rất dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Trước hết, Người đề cập: Tiết kiệm là gì? Theo Hồ Chí Minh, Tiết kiệm là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”, “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, mà những việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì tốn bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng”. Tiết kiệm là tích cực - “Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực”.
Vì sao phải tiết kiệm? Là để phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc, để tăng thêm vốn xây dựng đất nước; để nhanh chóng đưa nước ta ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu.
Nội dung tiết kiệm? Là tiết kiệm sức lao động, phải nâng cao năng suất lao động; tiết kiệm thời giờ, Bác nói: “thời giờ tức là tiền bạc”, “Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ. Thì ai đưa thời giờ vứt đi là người ngu dại”. Tiết kiệm thời giờ của mình và của người khác. Nội dung tiết kiệm phải cụ thể, thiết thực ngay từng vị trí công tác, công việc của mỗi người.
Ai cần phải tiết kiệm? Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm. Trước hết là các cơ quan, bộ đội, xí nghiệp,...
Về chống tham ô, lãng phí, tham nhũng, quan liêu, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Tham ô, theo cách nói của Người là: “Trộm, cướp, là hoạt động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội”. Đối với cán bộ, tham ô là “ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung, của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình”.
Đối với nhân dân: tham ô là ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế.
Nguyên nhân chủ yếu của người tham ô là: thiếu lương tâm; kém lòng trách nhiệm.
Lãng phí, theo Hồ Chí Minh là: lãng phí sức lao động: việc ít mà dùng nhiều người; tính toán không cẩn thận; bố trí nhân sự không đúng, “người quản lý quá nhiều, người trực tiếp sản xuất ít”,… Lãng phí thì giờ; lãng phí tiền của Nhà nước, cơ quan và bản thân mình, như: “ăn tiêu xa xỉ, liên hoan, sắm sửa lu bù, xài tiền như nước”, sử dụng vật liệu một cách phí phạm. Lãng phí là tiêu xài không hợp lý, mắc bệnh “phô trương hình thức” gây tốn kém không cần thiết. Lãng phí có khi tai hại hơn nạn tham ô.
Bệnh quan liêu, theo Hồ Chí Minh là “xa rời thực tế, xa rời quần chúng nhân dân, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng”. Bệnh quan liêu là nguy cơ của Đảng cầm quyền, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác nhau. Cán bộ quan liêu “chỉ biết dùng mệnh lệnh, không biết giải thích, tuyên truyền, không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng”. Không biết làm cho dân chúng tự giác và tự động thực hiện. Đối với công việc: khi cán bộ quan liêu: “không sâu vấn đề, chỉ trọng hình thức, chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn. Trước mặt quần chúng thì lên mặt “quan cách mạng””. Miệng nói dân chủ, nhưng làm việc thì theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng” còn thực tế thì “chỉ biết ăn sang, mặc diện; chẳng lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự mình. Làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”. Hậu quả của bệnh quan liêu được Hồ Chí Minh khẳng định: “Bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là hỏng việc”; “thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững”.
Nguyên nhân của bệnh quan liêu: do “xa nhân dân; khinh nhân dân; sợ nhân dân; không tin cậy nhân dân; không hiểu biết nhân dân; không yêu thương nhân dân”.
Tóm lại, tác hại của tham ô, lãng phí, quan liêu: đây là kẻ thù nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng việc của ta. Tham ô, lãng phí, quan liêu là tội ác. Bác viết: “Chiến sĩ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp. Mà những kẻ tham ô, lãng phí, quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội Việt gian, mật thám”.
|