Festival Tây Sơn - Bình Định và xây dựng thương hiệu địa phương
17:25', 4/7/ 2008 (GMT+7)

Xây dựng thương hiệu địa phương là cách quảng bá tốt nhất cho việc thu hút du lịch, đầu tư, hợp tác làm ăn. Những lễ hội lớn như Festival chính là cơ hội rất tốt để xây dựng thương hiệu địa phương.

 

Mang danh là vùng đất Võ, nhưng Bình Định lại chưa có chiến lược khai thác giá trị danh hiệu vốn có này trong phát triển và phục vụ du lịch. Ảnh: Hoàng Tuấn

 

* Định vị những nét khác biệt

Cần nói ngay rằng, không ít thì nhiều, địa phương nào cũng đang sở hữu cho mình một thế mạnh nào đó; vấn đề là mau chóng tìm ra sự khác biệt và nhanh tay định vị mình trước khi quá muộn. Với Bình Định, thật khó xác lập hình ảnh thành phố Festival như Huế, thành phố hoa như Đà Lạt. Bình Định chỉ có thể định vị mình bằng những giá trị văn hóa riêng biệt và đặc sắc trong tuồng, trong võ, trong bài chòi và tất nhiên, các di sản văn hóa Chămpa, văn hóa Tây Sơn cũng như tiềm năng du lịch biển.

Tuy nhiên, phải nói ngay rằng, các lĩnh vực này như Bình Định thời gian qua là rất yếu. Chẳng hạn, tuy mang danh là vùng đất Võ, nhưng Bình Định lại chưa có chiến lược khai thác giá trị danh hiệu vốn có này trong phát triển và phục vụ du lịch. Các làng võ Bình Định, một giá trị rất riêng của văn hóa võ Bình Định, với bao giá trị đặc sắc về võ kinh, võ y, võ đạo, võ học và các nghi lễ giỗ tổ võ… vậy nhưng, chưa được đầu tư đúng mức. Sự tồn tại của một, hai lò võ ở các làng hiện tại, hầu như là sự nỗ lực của riêng các võ sư. Bởi vậy, các làng võ hầu như chỉ hiện tồn trong ký ức mà chưa được thể hiện sống động.

Các di sản văn hóa Chăm ở Bình Định không ít. Nhưng cái độc đáo của hệ di tích Chăm ở Bình Định là bao gồm các yếu tố của hệ thống từ cảng thị, thành quách, đền tháp, đến cả những lò gốm… lại chưa được chú ý trong tính tổng thể của nó mà hiện mới chỉ quan tâm trùng tu tháp. Ngay với tuồng, bên cạnh Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Bình Định còn là nơi sinh ra hậu tổ Tuồng Đào Tấn với những di tích gắn với ngôi nhà cũ của cụ Đào Tấn, rồi phần mộ cụ Đào trên núi Hoàng Mai, cùng với hơn chục đoàn tuồng không chuyên. Vậy nhưng, việc phát huy giá trị di sản này cũng chỉ mới chú trọng ở đoàn chuyên nghiệp trong khi chính sự phong phú của các đoàn tuồng “dân nuôi” mới tạo nên nét đặc sắc của đất Tuồng Bình Định. Cần nói thêm rằng, những gánh hát bội dân nuôi Bình Định cũng đâu kém phần đặc sắc so với gánh hát bội Đồng Thinh (Vĩnh Long); quán bánh xèo bà Năm Mỹ Cang (Tuy Phước) đâu kém vị khi so với bánh xèo bà Mười Xiềm ở Cần Thơ đã từng được mời sang Mỹ, nhưng phải chăng, ta kém họ về sự quảng bá.

* Festival Tây Sơn - Bình Định: Cơ hội quảng bá

Festival Bình Định với rất nhiều hoạt động, dựa trên điểm nhấn từ nét đặc sắc, đặc trưng văn hóa Bình Định sẽ là cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh Bình Định. Ngoài một lễ khai mạc mang tính chất sân khấu hóa, với mục tiêu giới thiệu về truyền thống, trầm tích văn hóa và sự phát triển Bình Định hôm nay, còn có Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền, Hội Làng nghề Truyền thống và Ẩm thực, Đêm thơ Hàn Mặc Tử - Xuân Diệu… tức là đã chú trọng đến những nét đặc trưng từ truyền thống văn hóa Bình Định. Vấn đề còn lại là phải tổ chức sao cho có ấn tượng, tạo sự cộng cảm chung với người xem và du khách gần xa. Bên cạnh đó, cần chú ý đầu tư cho các điểm, tuyến du lịch như các làng võ, các di tích, danh thắng. Cụ thể, cần cải tạo cảnh quan, chí ít là để sạch, đẹp hơn trước và trong thời gian tổ chức Festival; xuất bản các tờ gấp, các ấn phẩm giới thiệu về các di tích, danh thắng; có lực lượng thuyết minh tốt sẵn sàng phục vụ du khách khi có nhu cầu. Tại các di tích, các điểm tham quan và tại các địa phương tổ chức các hoạt động Festival, ngoài công tác chỉnh trang đô thị, cảnh quan, còn tuyên truyền cho người dân địa phương về ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường, tạo ấn tượng về sự cởi mở, nhiệt tình, lịch sự trong du khách. Điều này thì ngoài Ban Tổ chức Festival, cần có sự vào cuộc của các địa phương, ban, ngành, nhất là các đoàn thể. 

Bên cạnh đó, theo các nhà nghiên cứu, chiến lược thương hiệu địa phương gồm ba yếu tố: xúc tiến các sản vật địa phương; xúc tiến các sản phẩm du lịch; và xúc tiến đầu tư. Và như vậy, việc tổ chức Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 cũng phải tính đến việc góp phần vào xây dựng ba yếu tố trên.

Với các sản vật địa phương, tuy Bình Định có không ít sản vật khá nổi danh, tập trung ở lĩnh vực ẩm thực như nem Chợ Huyện, bánh ít lá gai, bánh tráng nước dừa, rượu Bàu Đá... Ngay một số địa chỉ ẩm thực cụ thể của Bình Định như nem Chợ Huyện, làng rượu Bàu Đá, hay bánh xèo Phước Sơn… cũng đang rất hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, việc quảng bá thời gian qua chưa nhiều và chưa được giới thiệu một cách hệ thống. Do vậy, ngoài việc quy tụ một số hộ về trong Hội Làng nghề Truyền thống và Ẩm thực, cũng cần tính đến việc hướng dẫn, đầu tư tại chỗ. Có vậy, khi du khách tìm về, họ sẽ được đón tiếp nhiệt thành và ấn tượng.

Bình Định có không ít làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, không khó để nhận thấy rằng, sản phẩm các làng nghề này ít mang tính đặc trưng. Các công trình viết về làng nghề truyền thống thường chỉ đề cập đến hai làng nghề truyền thống Bình Định là gốm Nhơn Hậu và làng đúc đồng Bằng Châu. Đây cũng là hai làng mà gắn với hoạt động sản xuất của làng nghề còn có những lễ hội hay lễ giỗ tổ làng nghề mang giá trị văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, điều khó là sản phẩm của các làng này lại chủ yếu là sản phẩm vật dụng hằng ngày như ảng đựng nước, chậu hoa, ấm sắc thuốc… (gốm) hay các sản phẩm phục vụ sản xuất (làng đúc Bằng Châu) và như vậy thì rất khó tạo ấn tượng về nét đặc sắc riêng biệt. Do vậy, muốn quảng bá về giá trị văn hóa của các làng nghề này, cần có sự đầu tư thêm để sản xuất ra các sản phẩm phục vụ du lịch.  

Xây dựng thương hiệu địa phương trước tiên phải nằm trong kế hoạch và là trách nhiệm của lãnh đạo từng địa phương trong chiến lược phát triển kinh tế, và phải có sự tổng hợp sức dân và doanh nghiệp trên địa bàn trong từng ngành hàng. Sự ra đời của những hiệp hội như Hiệp hội Sản xuất Rượu Bàu Đá như vừa qua là cần thiết, nhưng các hiệp hội này cần đẩy mạnh hoạt động, khai thác thương hiệu chung một cách hiệu quả và phải đẩy lùi cho được những sản phẩm mang danh rượu Bàu Đá mà không phải Bàu Đá.

 

Sản phẩm của làng gốm Vân Sơn (xã Nhơn Hậu - An Nhơn) cần được xây dựng thương hiệu để quảng bá. Ảnh: Hoàng Tuấn

 

* Và không chỉ bằng Festival

Một Festival dù quy mô đến đâu, hoành tráng thế nào, cũng chỉ có thể diễn ra trong vài ba ngày. Còn xây dựng thương hiệu địa phương là một việc làm lâu dài và Festival chỉ là một điểm nhấn, một sự hội tụ.

Vậy thì, trước hết, trong việc xây dựng thương hiệu địa phương, cần xây dựng chiến lược một cách dài lâu và xác định đâu là thế mạnh của mình để tập trung đầu tư nhân lực, vật lực. Như Huế, Huế đang xác định mình trở thành một thành phố festival của Việt Nam, bằng các hoạt động festival với quy mô lớn, nhỏ hàng năm. Rồi những Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu… ngay cả Buôn Mê Thuột cũng đang tìm hướng xây dựng những dấu ấn, những thương hiệu riêng. Có thể thấy mỗi địa phương có một thế mạnh riêng, một dấu ấn văn hóa riêng. Vậy thì với Bình Định, dấu ấn ấy ở đâu?

Một Quy Nhơn thành phố biển “đang trên đường tạo dựng được thương hiệu” theo nhận xét của GSTS-KTS Hoàng Đạo Kính nhưng nếu vẫn chỉ là những con đường nắng, và vắng, và thiếu những điểm dừng cho du khách tìm tòi, lục lọi, khám phá thì thật khó định hình. Một đất Võ mà bản thân các làng võ không được đầu tư đúng, không có nơi để du khách được hòa vào “không khí” võ nghệ và khám phá chiều sâu qua những bài roi, bài thảo, bài quyền… thì thương hiệu đất Võ sẽ có còn?... Một đất Tuồng, một trong những cái nôi bài chòi mà không có được những hội bài chòi đúng nghĩa thì sẽ ra sao? Những vấn đề ấy, câu hỏi ấy cần được trả lời, từ festival và không chỉ bằng festival.

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu  (04/07/2008)
Tiềm năng và phát triển  (04/07/2008)
Làng đúc Bằng Châu xưa và nay  (04/07/2008)
Quy Nhơn mùa Euro  (04/07/2008)
Thơ  (04/07/2008)
Ba viên cảnh sát  (03/07/2008)
Tản mạn hoa cúng  (03/07/2008)
Rau dớn, cá niên  (03/07/2008)
Vợ bị bắt, chồng đầu thú  (03/07/2008)
Các xu hướng thể hiện tác phẩm sân khấu về đề tài Quang Trung - Nguyễn Huệ  (03/07/2008)
Đề tài Quang Trung trong ngôn ngữ âm nhạc sân khấu Bình Định  (03/07/2008)
Nhớ Quang Vĩnh Khương - cây bút trẻ tài hoa  (03/07/2008)
Nỗi buồn ấm áp  (03/07/2008)
Gặp một huyền thoại đất Võ  (03/07/2008)
Bóng đá, thơ và báo và…  (03/07/2008)