XÂY DỰNG XÃ VĂN HÓA:
Những kết quả đáng khích lệ
17:48', 4/7/ 2008 (GMT+7)

Phong trào xây dựng Xã văn hóa được Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh phát động từ năm 2004. Từ đó đến nay, phong trào đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Mới đây, đã có ba xã đầu tiên trong tỉnh được công nhận Xã văn hóa…

 

Một góc làng quê thanh bình ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn.

 

* Hiệu quả thiết thực

Để có những tiêu chuẩn cụ thể đối với xã văn hóa, UBND tỉnh đã ban hành Quy định tạm thời tiêu chuẩn công nhận danh hiệu xã, phường, thị trấn văn hóa trên địa bàn tỉnh. Sau khi có văn bản chỉ đạo triển khai và tiêu chuẩn xét xã, phường, thị trấn văn hóa, hầu hết các huyện, thành phố đã chọn những xã, thị trấn triển khai thí điểm, sau đó, rút kinh nghiệm và nhân ra các địa phương khác.

Đến nay, toàn tỉnh có 19 xã đăng ký xây dựng Xã văn hóa. Phong trào này bước đầu đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong hệ thống chính trị cũng như trong toàn xã hội, tạo nhận thức đúng về vai trò, vị trí của văn hóa cũng như nhân tố con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với mục tiêu chính là tập trung xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống tốt đẹp, xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Thông qua việc xây dựng phong trào, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã giảm đáng kể, số hộ giàu tăng lên, kinh tế địa phương phát triển ổn định.

Đến thời điểm này, ba xã: Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ) và Nhơn Lộc (huyện An Nhơn) đã xây dựng thành công mô hình Xã văn hóa và được UBND tỉnh ra quyết định công nhận. Quá trình xây dựng Xã văn hóa ở các địa phương này đã mang lại kết quả rất đáng phấn khởi. Đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp. Cụ thể, với xã Tam Quan Bắc, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 6 triệu đồng/người/năm (2005) lên 7 triệu đồng/người/năm (2007); hộ giàu, khá chiếm 45%, hộ trung bình 39%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5-2%/năm; tăng trưởng kinh tế từ năm 2005 đến 2007 bình quân 13,5%/năm. Ở xã Mỹ Lộc, thu nhập bình quân đầu người năm 2007 là 6 triệu đồng/người/năm, tăng 1,8 triệu đồng so với năm 2005; xã có 1.608 hộ/1.892 hộ có đời sống ổn định; tỷ lệ hộ nghèo năm 2007 giảm 8,1% so với năm 2005. Với xã Nhơn Lộc, từ năm 2005 đến nay, trên 80% số hộ gia đình có đời sống kinh tế ổn định; tỷ lệ hộ nghèo năm 2007 giảm 2,1% so với năm 2006; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 6,7 triệu đồng/người/năm (2005) lên 10,9 triệu đồng/người/năm (2007).

Bà Thái Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định, cho biết: “Sở dĩ ba xã nói trên xây dựng thành công Xã văn hóa vì Đảng ủy, chính quyền, các hội - đoàn thể của những xã này đã chỉ đạo xác thực và luôn theo sát quá trình triển khai thực hiện. Các xã xây dựng đề án Xã văn hóa mang tính khả thi, biết chú trọng đến nội lực, thế mạnh của địa phương và gìn giữ, phát huy nét đẹp truyền thống; các hoạt động tuyên truyền đã giúp các tầng lớp nhân dân ở địa phương nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc thực hiện phong trào. Nhờ đó, người dân đồng lòng cùng chính quyền quyết tâm thực hiện tốt đề án”.

* Cần những điều chỉnh hợp lý

Qua một thời gian áp dụng Quy định tạm thời tiêu chuẩn công nhận danh hiệu Xã văn hóa vào thực tế, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh nhận thấy có một số tiêu chí không còn phù hợp. Chẳng hạn, hiện tất cả các xã đã có trên 80% số hộ đạt gia đình văn hóa, 99% số hộ đã sử dụng điện thắp sáng. Vì vậy, tiêu chí xã muốn được công nhận xã văn hóa phải có 75% số hộ trở lên đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, hay 90% số hộ phải sử dụng điện thắp sáng là không còn phù hợp.

Bà Hiền cũng cho rằng Quy định tạm thời chỉ yêu cầu địa phương quy hoạch quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao như hiện nay là chưa đủ. Cần phải quy định rõ là phải có thiết chế Nhà văn hóa hay Trung tâm văn hóa - thể thao. Vì Nhà văn hóa xã hoặc Trung tâm văn hóa - thể thao sẽ là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng của địa phương, nơi diễn ra các hoạt động của các đoàn thể và là nơi tổ chức các lễ hội... Không một công sở hay đơn vị nào có thể thay thế được chức năng trên của một Nhà văn hóa hay Trung tâm văn hóa - thể thao.

Dự kiến trong thời gian tới, Ban chỉ đạo sẽ lấy ý kiến các thành viên và tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp với tình hình thực tế, để có thể tiếp tục đẩy mạnh phong trào này trong thời gian tới.

  • Kim Khánh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cần sự quan tâm nhiều hơn  (04/07/2008)
Nhơn Lộc xây dựng Xã văn hóa  (04/07/2008)
Festival Tây Sơn - Bình Định và xây dựng thương hiệu địa phương  (04/07/2008)
Về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu  (04/07/2008)
Tiềm năng và phát triển  (04/07/2008)
Làng đúc Bằng Châu xưa và nay  (04/07/2008)
Quy Nhơn mùa Euro  (04/07/2008)
Thơ  (04/07/2008)
Ba viên cảnh sát  (03/07/2008)
Tản mạn hoa cúng  (03/07/2008)
Rau dớn, cá niên  (03/07/2008)
Vợ bị bắt, chồng đầu thú  (03/07/2008)
Các xu hướng thể hiện tác phẩm sân khấu về đề tài Quang Trung - Nguyễn Huệ  (03/07/2008)
Đề tài Quang Trung trong ngôn ngữ âm nhạc sân khấu Bình Định  (03/07/2008)
Nhớ Quang Vĩnh Khương - cây bút trẻ tài hoa  (03/07/2008)